Hình minh hoạ.
Bệnh nhân nam (42 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng sợ gió, sợ lạnh, sợ ánh sáng, tăng kích động, thích ở trong bóng tối.
Người nhà cho biết, bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân phải cách đây 2 tháng, sau đó do chủ quan nên bệnh nhân không đi tiêm phòng dại.
Khi phát bệnh dại, bệnh nhân mới được đưa đến bệnh viện nhưng do tiên lượng tử vong cao nên gia đình đã xin dừng điều trị.
Bệnh dại hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn, cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh.
Những trường hợp cần tiêm phòng dại sau khi bị mèo cắn, chó cắn:
- Động vật gây ra vết cắn/ cào chảy máu; vết cắn/ cào sâu, nhiều vết; vết cắn/ cào gần thần kinh trung ương (như đầu, mặt, cổ), ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục.
- Động vật gây ra vết xước, liếm trên vùng da bị tổn thương, niêm mạc.
- Động vật tại thời điểm cắn người có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được động vật sau khi cắn người.
Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó cắn.
Để ngăn ngừa dại, người bệnh cần:
- Sau khi bị chó cắn, cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch.
- Sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Sau đó đến ngay cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại, ngay cả đối với vết cắn, vết cào nhẹ. Tiêm vaccine sớm để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, tốt nhất, tiêm trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn.
Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, không có thuốc điều trị đặc hiệu và có nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khi bị động vật dại cắn hay bất kỳ động vật nào nghi ngờ bị dại cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tiêm phòng vaccine, điều trị phơi nhiễm kịp thời.