Một nghiên cứu gần đây của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho thấy ăn nhiều hơn 2 khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần (tương đương 140g) có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, nếu tiêu thụ càng nhiều thịt đỏ, nguy cơ mắc tiểu đường sẽ càng tăng. Tuy nhiên, nếu thay thế thịt đỏ bằng protein lành mạnh có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như các loại hạt, đậu hoặc một lượng vừa phải các sản phẩm từ sữa, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển căn bệnh này.

Ăn bao nhiêu thịt đỏ mỗi tuần thì an toàn?

red-meat-consumption-may-increase-your-diabetes-risk-fac5f12894fb4422b2abb533c1e52925-17135155050831883197397-1713528529626-17135285311571702379984.jpg

Tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 (Ảnh: Getty)

Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 216.695 người trong vòng 36 năm. Cứ 2 - 4 năm, những người tham gia lại thực hiện một bảng khảo sát về tần suất sử dụng các loại thực phẩm của mình. Trong suốt thời gian nghiên cứu, đã có hơn 22.000 người tham gia được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2.

  • avatar1713497807308-17134978076761523099428.jpg

    Loại nước đánh bay cholesterol, hạ đường huyết tự nhiên, giúp 'cải lão hoàn đồng': Việt Nam sẵn có

Các nhà nghiên cứu phát hiện, việc tiêu thụ thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến đều liên quan đáng kể đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Cụ thể, những người tiêu thụ nhiều thịt đỏ nhất, khoảng 2,5 khẩu phần mỗi ngày, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 62% so với những người tiêu thụ ít thịt đỏ nhất. Thế nhưng, nếu thay thế thịt đỏ bằng các loại protein có nguồn gốc thực vật như các loại hạt và đậu, nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp hơn 30%. Còn nếu thay thế thịt đỏ bằng các sản phẩm từ sữa, nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 22%.

Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết: “Dựa trên những phát hiện từ nghiên cứu mới của chúng tôi và những nghiên cứu trước đây được thực hiện bởi các đơn vị khác, lượng thịt đỏ hợp lý mà mọi người nên tiêu thụ để tối ưu hóa sức khỏe là 1 khẩu phần ăn mỗi tuần”.

Làm gì để phòng ngừa tiểu đường loại 2?

Theo Mayo Clinic, để kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2, mọi người nên thực hiện các biện pháp sau đây:

- Giữ cân nặng ở mức độ vừa phải: Thừa cân, béo phì được biết đến là yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Việc giảm cân và giữ cân nặng ở mức vừa phải sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc căn bệnh này.

- Tăng cường hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất giúp giảm cân, giảm đường huyết và tăng cường độ nhạy của insulin.

- Có chế độ ăn uống hợp lý: Ngoài việc giảm các loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, mọi người nên bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ không chứa tinh bột, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

- Tiêu thụ chất béo hợp lý: Thực phẩm giàu chất béo thường nhiều calo. Chính vì thế, mọi người chỉ nên tiêu thụ loại thực phẩm này ở mức độ vừa phải. Đặc biệt, mọi người nên ưu tiên tiêu thụ chất béo không bão hòa có trong dầu ô liu, dầu hướng dương; các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ và cá tuyết thay vì tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có trong các loại thịt và sữa. Bạn có thể hạn chế chất béo bão hòa bằng cách ăn các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gà và thịt lợn nạc.

- Ngủ đủ giấc: Một nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Network Open đã chỉ ra rằng, ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày sẽ tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc làm này sẽ phát hiện sớm bệnh tiểu đường để có kế hoạch điều trị, kiểm soát bệnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022