Trẻ được các cô giáo băng ép cầm máu và đưa đến trạm y tế xã cách đó khoảng 100 m, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

BS.CKII Lê Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật, cho biết thời điểm nhập viện, trẻ đã cầm máu, nhưng các ngón bàn tay trái không còn cử động được.

Sau khi mở băng cấp cứu kiểm tra vùng cổ tay trái của bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương rất nghiêm trọng: đứt toàn bộ động mạch trụ, đứt gân gấp cổ tay trụ, đứt gân gấp ngón 4 và 5 bàn tay trái.

"Nếu không được phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ phải cắt bỏ bàn tay trái của bệnh nhi là rất lớn vì bộ phận này không có máu nuôi dưỡng đủ sẽ dẫn đến hoại tử", bác sĩ Tuấn Anh nói, hôm 19/4.

Ê kíp đã cắt lọc, rửa sạch vết thương, rồi nối động mạch, nối thần kinh và các gân gấp của cẳng tay. Sau phẫu thuật, các ngón tay của trẻ hồng ấm trở lại và cử động tương đối tốt, trẻ đỡ đau, không sốt.

Dự kiến, nam sinh có thể được ra viện trong vài ngày tới. Sau đó, trẻ được hướng dẫn tập vận động phục hồi chức năng để bàn tay trái có thể cử động bình thường.

1-1713513124-3058-1713513197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oQ5v5xYpyI7yKcR2fbM9pg

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Tuấn Anh, hàng năm, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp bị các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như: vùng cổ, cổ tay, cổ chân,... gây đứt động mạch, tĩnh mạch khiến trẻ bị chảy máu trầm trọng, gây nguy hiểm tính mạng.

Để phòng tránh các tai nạn thương tâm, bên cạnh việc giáo dục và tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo bất kỳ ai cũng rất cần trang bị các kiến thức sơ cấp cứu các vết thương mạch máu. Mục đích của việc sơ cứu nhằm cầm máu hoặc khống chế sự chảy máu, phòng hoặc điều trị sốc cũng như tránh các biến chứng.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022