Bé điều trị tại y tế cơ sở không bớt, được chuyển đến Đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, với vết thương vùng gót chân khá nghiêm trọng, viêm, hoại tử, chảy dịch. Bác sĩ phẫu thuật cắt lọc và chuyển vạt da che phủ khuyết hổng vết thương chân bé, chăm sóc hàng ngày để tránh nhiễm trùng.
Ngày 11/7, bác sĩ Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị bỏng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, cho biết chở trẻ trên xe đạp, xe máy không có các biện pháp bảo vệ an toàn như lắp ghế ngồi cho trẻ nhỏ, lắp lưới bảo vệ vùng để chân ở bánh sau xe, dễ xảy ra tai nạn. Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ vô tình kẹt chân vào bánh xe đạp, xe máy khi xe đang lăn bánh trên đường, như em bé trên, nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử phần mềm da gót chân.
"Vết thương ở gót chân tuy nhỏ nhưng nếu chủ quan và không được xử trí ban đầu tốt thì nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử từ vết thương rất cao", bác sĩ Sáng nói.
Tổn thương này, ngoài nguyên nhân bị ma sát mài mòn phần mềm còn do bỏng nhiệt sinh ra nên vết thương thường sâu, nặng. Ngoài ra, gót chân là nơi chịu lực tì đè, vận động thường xuyên và mạch máu nuôi dưỡng kém nên khả năng lành vết thương cũng kém hơn vị trí khác. Bánh xe dính nhiều bụi đất, là chỗ ẩn náu của vi khuẩn nên đa phần vết thương do kẹt bánh xe đều có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Bé gái hoại tử gót chân do bị kẹt chân vào nan hoa xe đạp, được nhân viên y tế chăm sóc. Ảnh: Lê Hiếu
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ hạn chế để trẻ ngồi một mình ở yên sau xe. Trẻ nhỏ thường hiếu động, khó ngồi yên nên trong quá trình xe chạy, trẻ thường lệch dần về một bên. Khi xe bị xóc, nghiêng hoặc thay đổi tốc độ đột ngột có thể khiến gót chân kẹt vào nan xe, thậm chí bé ngã khỏi xe.
Khi chở trẻ nhỏ, cần dùng đai để cố định vào xe để con tránh gặp tai nạn đáng tiếc. Nên lắp lưới bảo vệ bánh sau xe đạp, ghế ngồi trên xe cho trẻ nhỏ.
Trường hợp trẻ bị kẹt chân vào bánh xe, cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị đúng, kịp thời, giảm biến chứng và di chứng.
Lê Nga