Theo ThS.BS Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc hệ thống Bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec), nguyên nhân chính gây đục thủy tinh thể ở người cao tuổi là quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cơ thể già đi, các protein trong thủy tinh thể bị biến đổi và xơ cứng, dẫn đến tình trạng đục, làm hạn chế tầm nhìn.

Tại Việt Nam, khoảng 70-80% người trên 60 tuổi có dấu hiệu đục thủy tinh thể. Đây là một hiện tượng tự nhiên không thể tránh khỏi, nhưng có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được khám mắt định kỳ.

Tuy nhiên, ngoài lão hóa, một số bệnh lý toàn thân, trong đó có lupus ban đỏ hệ thống, cũng là nguyên nhân gây đục thủy tinh thể. Ở người trẻ mắc lupus ban đỏ, tình trạng này thường xuất hiện do tác dụng phụ của việc sử dụng corticoid kéo dài – một phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh này.

1-1739264441-1739264456-7487-1739275883.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ftXDswHNl18L7uvWw_j0vA

Người bệnh được bác sĩ nội khoa đo huyết áp, khám toàn thân trước khi phẫu thuật Phaco. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Lupus ban đỏ không chỉ gây đục thủy tinh thể mà còn dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác tại mắt. Một trong số đó là khô mắt – tình trạng thường xuyên xảy ra ở người mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh còn gây tổn thương mạch máu võng mạc, dẫn đến thiếu máu võng mạc. Khi đó, cơ thể kích thích sản sinh các mạch máu mới (tân mạch) để bù đắp. Tuy nhiên, các tân mạch này thường mỏng manh, dễ rò rỉ chất lỏng, gây phù nề võng mạc.

Nếu tổn thương xảy ra ở vùng hoàng điểm - khu vực quan trọng nhất của võng mạc, người bệnh có thể bị giảm hoặc mất thị lực trung tâm. Một biến chứng nghiêm trọng khác là bệnh thần kinh thị giác, xảy ra khi các mạch máu cung cấp máu cho dây thần kinh thị giác bị tắc nghẽn, dẫn đến đột quỵ mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể khiến người bệnh mất thị lực vĩnh viễn.

Đơn cử, bệnh nhân nữ 46 tuổi, sống tại Ninh Bình, đến khám vì đục thủy tinh thể bệnh lý. Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ đã 10 năm và phải điều trị corticoid hàng ngày. Gần đây, chị nhận thấy mắt mờ, lóa và chói khi ra nắng, gây nhiều khó khăn trong công việc, sinh hoạt và đặc biệt là khi tham gia giao thông.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật phaco khúc xạ với thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cao cấp. Đây là giải pháp phù hợp cho người ở độ tuổi lão thị, giúp thay thế thủy tinh thể nhân tạo, mang lại khả năng nhìn rõ ở mọi khoảng cách mà không cần đeo kính. Theo bác sĩ Sanh, khoảng 60-70% bệnh nhân đục thủy tinh thể lựa chọn phương pháp này nhờ các ưu điểm như tương thích thị giác nhanh, ít hoặc không gây chói lóa.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, tầm nhìn ổn định và không cần sử dụng kính hỗ trợ.

Các bác sĩ khuyến nghị người mắc lupus ban đỏ nên kiểm tra mắt toàn diện định kỳ mỗi năm hoặc 6 tháng một lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng tại mắt. Việc theo dõi thường xuyên không chỉ giúp bảo vệ thị lực mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt với những người trẻ tuổi vẫn đang làm việc và sinh hoạt bình thường.

Lupus ban đỏ là một bệnh lý phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có mắt. Việc hiểu rõ các biến chứng và chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro và duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất.

2-1739264630-1739264669-8246-1739275883.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wNyNj2sTD_Pwx0kAIaA33A

Người bệnh được chụp cắt lớp võng mạc để sàng lọc tổn thương đáy mắt trước mổ đục thủy tinh thể. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022