Theo chia sẻ của anh Từ, anh luôn cho rằng đột quỵ là bệnh của người già hoặc có bệnh nền nặng. Anh không bao giờ tưởng tượng nổi một nam thanh niên to cao, ăn khỏe, ngủ khỏe, chẳng mấy khi ốm vặt như mình lại suýt chết vì đột quỵ khi mới 26 tuổi.
Được biết, anh Từ vừa đi làm vừa đang ôn thi lại công chức nên rất bận rộn. “Tối hôm đó, tôi tăng ca xong thì trở về nhà. Như thường lệ tắm rửa xong là ngồi vào bàn học và gọi đồ ăn. Càng về khuya thì cảm thấy trong người càng mệt mỏi, đau đầu và choáng váng. Nghĩ là mình đói nên tôi gọi thêm đồ ăn đêm nhưng khi đi nhận đồ phát hiện tay trái và chân trái khó cử động, yếu ớt khó hiểu. Một lúc sau thì đau đầu dữ dội, trước mắt tối sầm lại và ngã ra sàn, co giật. Bạn cùng phòng vội vã gọi xe cấp cứu. Đến khi tỉnh lại đã nằm trong phòng cấp cứu, được biết mình vừa thoát chết sau một cơn đột quỵ” - anh Từ kể lại.

Ảnh minh họa
Bác sĩ Dương Chí Văn - người điều trị cho anh Từ cho biết: “Bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính - một dạng đột quỵ não do tắc nghẽn mạch máu. Ca phẫu thuật lấy huyết khối được thực hiện ngay trong đêm và may mắn là đến bệnh viện sớm, điều trị kịp thời nên thoát khỏi nguy hiểm tính mạng”.
Đột quỵ vì 2 kiểu ăn uống giải tỏa áp lực phổ biến ở nhiều người
Sau một thời gian điều trị, sức khỏe anh Từ đã chuyển biến tốt, được chuyển sang phòng bệnh thường. Các bác sĩ liên tục nhắc nhở anh phải giảm cân, kiểm soát chế độ ăn uống ngay cả sau khi xuất viện. Bởi vì anh Từ bị béo phì nặng, cao 1m65 nhưng nặng tới 120kg. Chỉ số BMI là 45,7 - vượt ngưỡng béo phì cấp độ 3.
Chưa kể, xét nghiệm máu cho thấy triglyceride trên 1.000 mg/dL - cao gấp 7 lần bình thường. Chỉ số hemoglobin glycosyl hóa lên tới 10%, mức nguy hiểm tiệm cận với tiểu đường không kiểm soát. Bác sĩ Dương Chí Văn cho biết anh Từ dù còn trẻ tuổi nhưng với các chỉ số này thì nằm trong nhóm người có nguy cơ cao đột quỵ. Càng bất ngờ hơn khi tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đến từ 2 kiểu ăn uống anh dùng để giải tỏa áp lực. Đó là:
- Ăn quá nhiều mỗi ngày: Anh Từ chia sẻ kể từ khi bắt đầu đi làm mình thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng hoặc chán nản thất thường. Cứ như vậy anh lại cảm giác rất thèm ăn và ăn liên tục trong ngày. Thậm chí, có những ngày vừa mới ăn trưa xong nhưng gặp trục trặc trong công việc là anh gọi thêm đồ ăn vặt, thức ăn nhanh về và nhai ngấu nghiến dù bụng đã no.
- Ăn thực phẩm chiên rán mỗi ngày: Trong 3 năm gần đây, anh Từ ăn các món chiên rán gần như mỗi ngày. Món khoái khẩu của anh là gà rán và khoai tây chiên. Theo anh chia sẻ thì ăn những món này giúp anh cảm thấy dễ chịu hơn, đầu óc bớt căng thẳng và có năng lượng để vừa học vừa làm việc.

Ảnh minh họa
Bác sĩ Dương Chí Văn giải thích: “Ăn quá nhiều và liên tục tiêu thụ đồ chiên rán khiến cơ thể dư thừa chất béo xấu, làm tăng mỡ máu và cholesterol xấu (LDL), dễ hình thành mảng xơ vữa trong động mạch. Chất béo chuyển hóa trong đồ chiên còn gây viêm âm ỉ, tổn thương thành mạch, khiến mạch máu dễ tắc nghẽn. Đồng thời, chế độ ăn này thúc đẩy tăng đường huyết và béo phì - hai yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ thiếu máu cục bộ”.
Ông cũng bày tỏ sự lo lắng khi 2 thói xấu khi ăn uống của anh Từ cũng là kiểu “xả stress” phổ biến ở nhiều người, nhất là người trẻ tuổi. Ông hy vọng câu chuyện này sẽ là một lời cảnh tỉnh để mọi người ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi điều độ. Đừng tạo cơ hội cho đột quỵ cùng nhiều bệnh tật nguy hiểm khác tấn công, hủy hoại tương lai của chính mình!
Nguồn và ảnh: Ctinews, Family Doctor