Tiếng còi xe cứu thương rú inh ỏi ngoài Phòng Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, sáng 3/8. Bệnh nhân nữ, 50 tuổi, bị máy bào gỗ cuốn nát bàn tay phải, chuyển từ Bệnh viện tỉnh Hòa Bình trong tình trạng hoảng loạn. Trong phòng phẫu thuật, bác sĩ Phan Bá Hải, Phó trưởng khoa phẫu thuật chi trên và Y học thể thao cùng kíp mổ đã sẵn sàng. Sau hai lần kiểm tra, đánh giá, các bác sĩ quyết định cắt cụt chi bị dập nát. "Đây là quyết định khó khăn và không mong muốn nhất, nhưng cần rất khẩn trương xử lý để cứu tính mạng bệnh nhân", bác sĩ nói.
Sau khi xử trí vết thương cho bệnh nhân này, bác sĩ Hải mổ tiếp cho một bệnh nhân nam 46 tuổi, ở Hải Phòng, tay bị dập nát, đứt gần lồi cẳng tay. Bệnh nhân này buộc phải cắt 1/3 cánh tay do tổn thương nặng. Khoảng 30 phút sau, một bệnh nhân nữ 32 tuổi bị dập nát bàn tay do tai nạn máy ép khuôn, được đưa vào viện.
Khu vực cấp cứu của bệnh viện luôn đông đúc, kín người, kíp trực phải sắp xếp chỗ để có vị trí trống đặt băng ca bệnh nhân. Các y bác sĩ như con thoi qua lại giữa các băng ca, giường bệnh và bàn hồ sơ để kiểm tra bệnh nhân, giải quyết tình huống, xem kết quả chụp chiếu chẩn đoán, ra y lệnh và thực hiện y lệnh, chuyển người vào các khoa phòng...
Chỉ trong ngày, bác sĩ Hải và ê kíp mổ gần 30 ca cấp cứu. Hôm cao điểm, kíp mổ xử lý khoảng 40 ca, còn mổ phiên (theo kế hoạch) từ 200 đến 250 ca. Các phòng phẫu thuật đều kín mít, chỉ có tiếng kêu của máy thở, máy đo thiết bị sự sống hòa lẫn mùi thuốc khử trùng cùng ánh đèn lạnh lẽo.
Không chỉ Bệnh viện Việt Đức, thời gian gần đây nhiều bệnh viện tuyến cuối khác ở Hà Nội đang xảy ra tình trạng quá tải, y bác sĩ làm việc từ 6h đến 21h liên tục trong nhiều ngày.
Bác sĩ Mạch Thọ Thái, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, cho biết sau dịch, số ca cấp cứu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Trung bình, khoa xử trí gần 100 ca cấp cứu mỗi đêm, nhiều ca bệnh nặng, tai nạn cần ưu tiên cấp cứu. Nhiều lúc đang sơ cứu cho bệnh nhân, tiếng còi cứu thương lại vang lên, một bệnh nhân khác chuyển đến buộc bác sĩ chia lực lượng không bỏ lỡ thời gian vàng.
Những ngày này phòng bệnh nhân nặng trong khoa luôn kín giường. Bệnh viện bổ sung hai giường xếp để tiếp nhận thêm bệnh nhân nặng, sắp xếp máy thở, monitor, để thuận tiện di chuyển. Hiện, khoa đang điều trị 18 bệnh nhân nặng, trong đó có 8 ca thở máy, còn lại thở oxy gọng kính.
"Cấp cứu ở đâu cũng vậy, đều là khoa đầu sóng ngọn gió, trực đêm, bỏ bữa là điều quá quen thuộc", bác sĩ nói.
Dịch chồng dịch khiến số bệnh nhân truyền nhiễm đi khám và nhập viện tăng. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, cho biết đơn vị đã tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, sởi... Chưa kể, dịch cúm A bùng phát trái mùa, nhiều trẻ suy hô hấp nặng, phải nhập viện còn số ca mắc Covid không ngừng tăng lên. Lượng bệnh nhân tăng khoảng 30%. Hầu hết bệnh nhân nhẹ, được kê đơn thuốc và điều trị ngoại trú song phải xếp hàng từ sớm mới được thăm khám.
Hôm 27/7, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y, đã gửi lời xin lỗi người dân đến khám bệnh tại đơn vị phải chờ đợi vì quá tải, nhất là đầu giờ buổi sáng. Đội ngũ nhân viên y tế đã nỗ lực nhưng không thể không có những sai sót làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Các bác sĩ liên tục thực hiện ca mổ cấp cứu, trung bình 30 đến 40 ca một ngày, còn mổ phiên từ 200 đến 250 ca. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trả lời VnExpress, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết sau hai năm đại dịch, nhiều người bệnh không thể đi khám hoặc trì hoãn vì bệnh lý nhẹ. Khi dịch bệnh kiểm soát tốt, mọi người đổ dồn về tuyến cuối dẫn đến hiện tượng quá tải. Tuy nhiên, "số nhân viên y tế không thể tăng đột biến theo bệnh nhân", bác sĩ nói.
Hầu hết nhân viên y tế của đơn vị đều tăng giờ làm từ 8 đến 12-16 giờ để đáp ứng nhu cầu người bệnh, không được từ chối bệnh nhân. Các khu vực khám bệnh, chụp chiếu, nội soi... bố trí nhân lực đi làm từ 6h khám đến 20h, hết bệnh nhân mới dừng, thậm chí có bộ phận tăng ca làm việc đến 22h.
"'Đi Việt Đức đi', 'mổ Việt Đức đi', hay 'bệnh viện mổ từ đầu đến chân' trở thành câu cửa miệng của mọi người khi có vấn đề sức khỏe", bác sĩ Khánh nói và cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến đơn vị quá tải. Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế chưa giải quyết tốt những vướng mắc về chuyên môn hay trang thiết bị, nguồn nhân lực nên bệnh nhân vượt tuyến địa phương về trung ương điều trị.
Tình trạng quá tải dẫn đến nhiều bệnh nhân phải nằm hành lang. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, mỗi người bệnh thường có một đến hai người nhà đi cùng. Bệnh viện có khoảng 2.000 nhân viên y tế. Như vậy, mỗi ngày có chừng 10.000 người lưu lại quanh bệnh viện.
Bên cạnh đó, tình trạng tăng ca, làm việc nhiều giờ trong nhiều ngày khiến nhiều nhân viên y tế mệt mỏi. Một chuyên gia y tế từ chối tiết lộ danh tính, cho biết làm việc với cường độ cao trở thành "đặc sản" ở các bệnh viện tuyến cuối. Thời gian làm việc kéo dài, áp lực nhưng không được nghỉ ngơi đầy đủ, thu nhập chưa tương xứng... là những yếu tố có thể gây hại thể chất và tinh thần bác sĩ.
Điều này còn khiến chất lượng chăm sóc bệnh nhân suy giảm do nhân viên y tế bị sa sút tinh thần và trí nhớ, khả năng ra quyết định kém hơn. Ngoài ra, họ có thể trở nên thờ ơ, vô cảm, hành xử không đúng mực với người bệnh. Chuyên gia này dẫn một nghiên cứu của tạp chí BMJ (Anh) từ năm 2017 cho thấy việc nhân viên y tế kiệt sức có liên quan đến chất lượng chăm sóc và an toàn cho bệnh nhân.
Mặt khác, việc các nhân viên y tế phải làm việc căng thẳng song thu nhập thấp, môi trường độc hại, cũng là một trong những lý do dẫn đến làn sóng bỏ khu vực công trong thời gian qua. "Điều này sẽ gây hại cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo, vì phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể đào tạo được một bác sĩ giỏi trong khu vực công", chuyên gia nhận định.
Ngoài áp lực từ khối lượng công việc, bác sĩ còn đối mặt với nguy cơ từ người nhà bệnh nhân. Gần đây, nhiều người hành hung bác sĩ, khiến họ bị sang chấn thể chất và tinh thần, không tiếp tục làm việc. Do đó, các bác sĩ tuy kiệt sức nhưng vẫn cố gắng khéo léo để ứng xử.
"Nhiều người nói bác sĩ vô cảm, song chúng tôi đang cố gắng cân bằng cảm xúc, bởi còn hàng nghìn bệnh nhân đang chờ. Ngành y rất đặc thù, chỉ một quyết định thiếu sáng suốt sẽ phải trả giá bằng tính mạng", bác sĩ Hải nói.
Quá tải bệnh nhân, bệnh viện tận dụng hành lang để đặt giường, bố trí điều hòa, quạt gió, đảm bảo đủ điều kiện điều trị. Ảnh: Thùy An
Bệnh viện Việt Đức đang gấp rút xây dựng thêm một khu vực khám bệnh, khắc phục sự quá tải ở phòng khám. Đơn vị triển khai mổ ngoài giờ, mổ xuyên các ngày nghỉ, ngày lễ để giảm số lượng bệnh nhân phải chờ mổ. Còn Bệnh viện Đại học Y tư vấn người bệnh phân bổ khám tại cơ sở hai để thăm khám.
Các bác sĩ khuyên người bệnh nên chọn khám vào buổi chiều với các chuyên khoa ít cần làm xét nghiệm như xương khớp, ngoại chấn thương, tai mũi họng... hoặc khám từ giữa đến cuối tuần. Ngoài ra, bệnh viện sắp xếp, phân luồng cho đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, có bệnh nền... được ưu tiên thăm khám trước.
Trong lúc đó, y bác sĩ vẫn "chạy đua" tiếp nhận ca cấp cứu, giành giật sự sống cho người bệnh. Bác sĩ Hải và đồng nghiệp tranh thủ vài phút ăn tối, rồi nhanh chóng trở lại công việc khi đồng hồ đã gần điểm sang ngày mới, phòng mổ lại sáng đèn.