Là mẹ của hai em bé 6 tuổi và 3 tuổi, tôi đang nhìn vào chính hai bé gái của mình để vừa phân tích dưới góc độ là chuyên gia, vừa là phụ huynh đối với chủ đề “đấu trí” này. Tôi nhận thấy rằng, sau khi Khánh Hạ - con gái nhỏ của tôi được phép chọn trang phục và màu son yêu thích của mình cho mỗi dịp quan trọng, cháu đã tỏ rõ sự yêu thích đối với mỹ phẩm.
Tuần rồi, trước khi lên xe đi học, con gái tôi - đứa trẻ ít khi làm phiền người khác - lại rối rít xin mẹ quay trở lại nhà để lấy cây son dưỡng môi để quên. Bé duy trì việc sử dụng son dưỡng môi như một cách yêu bản thân và yêu mỹ phẩm. Thiết nghĩ, nếu không có son dưỡng môi hoặc mỹ phẩm, liệu có phải đôi phần các con sẽ cảm thấy thiếu tự tin?
Bác sĩ Nguyễn Phương Tú - Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội
Trong thời đại xã hội phát triển nhanh chóng, nhu cầu học thêm kỹ năng của trẻ em ngày càng gia tăng. Bên cạnh việc chú trọng vào học tập, trẻ em còn ươm mầm tài năng thông qua việc tham gia hoạt động ngoại khoá và văn nghệ từ sớm. Điều này dẫn đến việc sử dụng mỹ phẩm cho trẻ ngày càng phổ biến. Những cuộc thi tìm kiếm người mẫu nhí hay những chương trình ca múa nhạc, biểu diễn kịch thiếu nhi là minh chứng cho điều này. Đó là những góc nhìn khách quan.
Tuy nhiên, mỹ phẩm cũng có thể gây hại nguy hiểm cho da và cả sức khỏe của bé nói chung. Tôi đã được nghe rất nhiều chia sẻ từ những người đồng nghiệp - các bác sĩ chuyên khoa da liễu về việc sử dụng mỹ phẩm cho trẻ. Nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi (12-16 tuổi) đến khám vì bị dị ứng khi sử dụng mỹ phẩm có thành phần, hoá chất không phù hợp với lứa tuổi. Trong lĩnh vực của mình, sản phụ khoa, tôi cũng nhận được nhiều lịch hẹn tư vấn về việc dậy thì sớm ở bé gái.
Theo chuyên gia, làn da của trẻ em rất mỏng manh và phần lớn các loại mỹ phẩm đều chứa nhiều hóa chất. Vì vậy, ảnh hưởng của mỹ phẩm đến da trẻ em là rất nhiều, nhẹ thì ảnh hưởng tại vị trí bề mặt làn da tiếp xúc với mỹ phẩm, còn sử dụng thường xuyên thì có thể gây nguy hiểm cho hệ thần kinh và nội tiết theo thời gian. Đây còn là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc bé dậy thì sớm. Đặc biệt với son, chì trong son có thể gây ngộ độc chì hay tổn thương thận, và dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng về sinh sản, cụ thể là vô sinh hoặc giảm khả năng mang thai trong tương lai.
Dậy thì sớm ở trẻ em gái còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng như nguy cơ ung thư vú và buồng trứng. Tuy nhiên, làm thế nào để ba mẹ có thể giúp cho con trẻ nhận định được việc phải bảo vệ bản thân mình trước những cám dỗ của sử dụng “son phấn”?
Các bậc phụ huynh không nên can thiệp quá sâu để cho con còn có thể tự thể hiện sở thích của mình. Nếu con có nhu cầu sử dụng mỹ phẩm một cách an toàn và hợp lí để làm đẹp cho bản thân, thì không nên cấm đoán thái quá.
Tuy nhiên, để bảo vệ con, vợ chồng tôi đã thiết lập ba cột mốc nguyên tắc. Từ mốc 12 tuổi, con được thực hiện một số việc yêu thích dưới sự cho phép của ba mẹ. Đến mốc 16 tuổi, ba mẹ cho phép con làm nhiều thứ hơn một chút. Còn từ mốc 18 tuổi trở đi, con có thể tự do thực hiện mọi điều mà con muốn, miễn là con phải có trách nhiệm với bản thân, tôn trọng pháp luật và văn hóa gia đình. Các con hoàn toàn được nêu ra cảm nghĩ và nhu cầu của mình trước khi đưa ra quyết định. Từ đó, ba mẹ và con trẻ sẽ có sự thoả hiệp về việc tôn trọng lẫn nhau./.