Bệnh nhân này đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhập viện hôm 29/8. Ông chưa tiêm chủng Covid, người nhà cho hay "sợ tác dụng phụ của vaccine". Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực, vì vậy khi mắc Covid-19, bệnh nhân chuyển nặng nhanh, chỉ sau hai ngày đã bị sốc, phải thở máy, tiên lượng nặng.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - tuyến cuối toàn miền Bắc - đang điều trị 122 bệnh nhân Covid-19, gồm 60 ca nặng và 62 ca từ nhẹ đến trung bình. Các bác sĩ cho biết số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh kể từ tháng 6, hiện các giường bệnh đã xếp kín những phòng điều trị.
Khoa Hồi sức Tích cực điều trị 40 ca nặng, 20% trong số này chưa tiêm vaccine Covid. Bác sĩ Phúc nói rằng phần lớn người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh nền, sức khỏe suy giảm nhiều, có hai người phải thở máy, một người điều trị ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể). Chi phí điều trị cho những ca như thế này rất lớn, thời gian điều trị phải kéo dài nên càng tốn kém.
Hiện nay ngân sách nhà nước vẫn chi trả tiền điều trị Covid-19; ngoài ra bảo hiểm y tế chi trả viện phí chữa bệnh nền (nếu bệnh nhân có mua bảo hiểm y tế) và gia đình tự trả những chi phí khác. Chính sách này đã được Việt Nam áp dụng kể từ khi Covid-19 xuất hiện đến nay.
Theo các bác sĩ, số tiền phải chi cho điều trị ca Covid nặng rất lớn, do thường phải áp dụng rất nhiều phương pháp kỹ thuật cao, tốn nhiều tiền mới có thể cứu sống bệnh nhân. Ví dụ một ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo, còn gọi là oxy hóa màng ngoài cơ thể) chi phí trung bình là 400-500 triệu đồng cho một đợt điều trị, can thiệp kéo dài có thể lên tới vài tỷ đồng. Chi phí thở máy trung bình là 100-200 triệu đồng, có thể tăng thêm nếu bệnh nhân phải lọc máu (và còn tùy thuộc lọc máu liên tục hay không, lọc máu trong thời gian bao lâu). Ngoài ra, còn nhiều chi phí khác như thuốc men, chạy thận nếu cần... chưa kể bệnh nhân cao tuổi phụ thuộc chăm sóc y tế dài hạn sau khi khỏi Covid-19.
Như bệnh nhân nam trên, riêng chi phí thở máy khoảng 200 triệu, ngoài ra ông mắc rất nhiều bệnh nền, đặc biệt về tim và phổi, thời gian điều trị tiên lượng lâu dài, ước tính tổng chi phí có thể lên tới tiền tỷ.
Đến nay, bệnh nhân Covid có chi phí điều trị cao nhất là 2,3 tỷ đồng. Đây là một thai phụ, mắc Covid trong đợt bùng phát dịch năm ngoái tại TP HCM, điều trị ở Bệnh viện Quân y 175 với 61 ngày can thiệp ECMO và sinh mổ chủ động. Các bác sĩ đã áp dụng tất cả phương pháp điều trị hiện đại nhất, nỗ lực đưa được bệnh nhân từ cõi chết trở về.
35% bệnh nhân nặng chưa tiêm vaccine
Ngày 30/8, Bộ Y tế ghi nhận 35% bệnh nhân Covid nặng đang điều trị tại các bệnh viện chưa tiêm vaccine, phần lớn cao tuổi. Từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc mới tăng dần do lây nhiễm các biến chủng phụ mới của chủng Omicron, với trung bình khoảng 2.000 ca/ngày. Cùng với đó, số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng, ghi nhận các ca tử vong do Covid-19.
Bà Ngọc Bích 105 tuổi, đang điều trị ở Bệnh viện Bưu Điện, chưa tiêm vaccine Covid, lây nhiễm từ người nhà dương tính. Bác sĩ Trần Lệ Hiền Dung, Khoa Nội 2, Bệnh viện Bưu điện, cho biết bà cụ nhập viện vào đầu tháng 8 trong tình trạng rất đáng lo ngại, sốt liên tục trên 38 độ, li bì, ho, khạc đờm, khó thở, huyết áp thấp, bão hòa oxy không ổn định, có lúc giảm rất thấp. Thể trạng già yếu, suy kiệt, bà chỉ nặng 32 kg, nhiều tháng nằm một chỗ không đi lại được và không thể tự phục vụ bản thân.
Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, dùng các thuốc kháng virus, kháng sinh, chống đông và corticoid, liệu pháp oxy, hỗ trợ phục hồi chức năng hô hấp... Đồng thời, nhân viên y tế theo dõi sát, chăm sóc toàn diện kết hợp với nâng đỡ thể trạng, dinh dưỡng, phòng chống loét do nằm lâu ngày. Sau hai tuần điều trị tích cực, bà đã vượt qua được nguy kịch. Ca này bệnh viện chưa tính được tổng chi phí điều trị, do vẫn đang nằm viện.
Không chỉ người già, trẻ em chưa tiêm vaccine cũng khiến cuộc chiến chống Covid-19 nặng nề hơn rất nhiều. Một bé trai 9 tuổi ở Hà Nội mắc Covid-19 ba tháng trước, chưa tiêm vaccine, suốt một tuần dương tính có triệu chứng nhẹ nhàng. 10 ngày sau đó, cứ cuối giờ chiều bé lại sốt cao 39-40 độ C, đi bệnh viện khám hai lần, uống kháng sinh, điều trị hết sốt rồi tái sốt. Đến lần ba, bé nhập viện điều trị 5 ngày, bác sĩ đề nghị chọc dịch não tủy tìm nguyên nhân nhưng gia đình không đồng ý và đưa con đi chữa theo đông y, bé cắt sốt nhưng vẫn đau khớp, đau cơ.
Một tháng trước, bé có biểu hiện khó thở, nhịp tim nhanh hơn, gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ chẩn đoán bé mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu Covid-19. Sau ba tuần điều trị tại Bạch Mai, bé xuất viện về nhà uống kháng sinh thay vì đường truyền như ở viện, nhưng vẫn mệt mỏi. Chi phí điều trị của bé hiện lên tới 250 triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả 25%, số tiền còn lại gia đình phải tự trang trải.
Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chiều 30/8. Ảnh: Quốc Vinh
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế, tuy nhiên cảnh báo những biến chủng tiếp tục xuất hiện. Covid-19 vẫn vô cùng nguy hiểm đối với người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền; tạo thành gánh nặng cho gia đình khi phải điều trị lâu ngày.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân tuân thủ lịch tiêm, các mũi tiêm (cơ bản, bổ sung, nhắc lại) vaccine Covid-19 và tiếp tục áp dụng các biện phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn... theo thông điệp "Vaccine + 2 K".
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương rà soát, tổ chức truyền thông và triển khai tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Lê Nga - Chi Lê