Thông tin trên được nêu tại tọa đàm "Quản lý đái tháo đường hiệu quả với công nghệ theo dõi đường huyết liên tục - CGM", phát sóng trên VnExpress, được thực hiện nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11. Chương trình có sự tham gia của TS. Nguyễn Quang Bảy, giảng viên Đại học Y Hà Nội và TS. Trần Viết Thắng, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM.

anh-1-R-2451-1731662109.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FZPPK8HGxxyYUDFcWt6sdA

MC và các khách mời tham gia tọa đàm "Quản lý đái tháo đường hiệu quả với công nghệ theo dõi đường huyết liên tục - CGM". Từ trái qua phải: MC Tuyết Vinh, chị Trần Thị Tuyết Phượng, TS. Nguyễn Quang Bảy, TS Trần Viết Thắng. Ảnh: Ngọc Thảo

Bức tranh khái quát về căn bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một căn bệnh lối sống phổ biến. Mở đầu tọa đàm, MC Tuyết Vinh dẫn số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế năm 2024, có 537 triệu người trên toàn cầu mắc đái tháo đường nhưng đến 50% chưa được chẩn đoán. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ dân số mắc đái tháo đường cao nhất và có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.

Ở khía cạnh chuyên môn, TS. Nguyễn Quang Bảy chia sẻ, đái tháo đường là tình trạng tăng đường huyết mạn tính. Đường huyết vốn là nguyên liệu quan trọng được ví là "xăng dầu" cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, khi đường huyết tăng cao sẽ tàn phá tất cả các cơ quan, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, đoạn chi, mù mắt, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Nỗi lo về biến chứng khiến bệnh nhân đái tháo đường luôn có cảm giác bất an. Tiến sĩ Trần Viết Thắng cho biết thêm: "Người sống chung với đái tháo đường đối mặt với nhiều nỗi lo, từ lo lắng liệu bệnh có di truyền cho người thân không đến lo lắng về cách quản lý đường huyết".

infographic-3-1731661262-7467-1731662109.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rODdDpFv8v63BZvE5mbbgw

Tình trạng bệnh đái tháo đường tại Việt Nam năm 2023 theo nguồn thông tin từ Bộ Y tế. Đồ họa: Ngọc Thảo

Bàn về điểm mấu chốt giúp người bệnh giảm gánh nặng tâm lý và quản lý bệnh hiệu quả, TS Bảy cho biết: quản lý đường huyết có vai trò rất quan trọng. Muốn biết đường huyết có đang được quản lý hiệu quả hay không, bắt buộc phải dựa vào nồng độ đường huyết, không thể chỉ dựa vào cảm nhận của người bệnh.

Có ba phương pháp để đánh giá việc quản lý đường huyết. Đó là xét nghiệm HbA1C (xét nghiệm máu tĩnh mạch), đo đường huyết mao mạch thông qua công cụ trích máu đầu ngón tay, và đo đường huyết không xâm lấn với công nghệ theo dõi đường huyết liên tục (CGM).

Ưu điểm của công nghệ theo dõi đường huyết liên tục

Chia sẻ trong tọa đàm, hai chuyên gia khẳng định, xét nghiệm HbA1C cho phép kiểm soát đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng. Tuy xét nghiệm đơn giản và chi phí thấp, nhưng không cho biết đường huyết lên cao hay xuống thấp ở thời điểm cụ thể nào.

Phương pháp đo đường huyết mao mạch cũng cho biết kết quả chính xác đường huyết ở thời điểm đo. Tuy nhiên, do phải đo nhiều lần trong ngày, phương pháp này gây đau đớn cho người bệnh. Đặc biệt khi đang ngủ sẽ không biết diễn biến đường huyết của mình thế nào.

Công nghệ theo dõi đường huyết liên tục (CGM) bao gồm một đầu đọc và một cảm biến gắn dưới cánh tay, đo nồng độ đường trong dịch mô kẽ giữa các tế bào. Công nghệ cho kết quả tương đương với đường huyết mao mạch, dù có thể có độ trễ vài phút. Phương pháp này sẽ cho thấy diễn biến đường huyết của người mắc đái tháo đường 24/7. Từ đó, người bệnh và các bác sĩ có cơ sở cho việc điều chỉnh lối sống và phác đồ điều trị, để đạt kết quả tốt hơn.

Gia đình cũng có thể hiểu rõ tình trạng đường huyết của người thân mắc đái tháo đường nhờ dữ liệu từ thiết bị, từ đó hỗ trợ quản lý bệnh hiệu quả hơn. TS. Bảy diễn giải công nghệ giúp tạo "hành lang" an toàn cho người bệnh đi đúng hướng, từ đó giải tỏa bớt áp lực tâm lý khi quản lý đái tháo đường". Thiết bị CGM còn giúp dự đoán xu hướng đường huyết: tăng, giảm hay ổn định nhờ việc hiển thị các mũi tên cảnh báo trong đầu đọc.

TS. Thắng bổ sung, thời gian giữa các lần tái khám, các bác sĩ không biết bệnh nhân ăn uống thế nào nếu chỉ dựa vào xét nghiệm HbA1C. Bức tranh toàn diện từ thiết bị CGM giúp các bác sĩ có thể tự tin hơn trong việc điều chỉnh thuốc, hướng dẫn người bệnh lập chế độ ăn, cũng như đánh giá mức độ hiệu quả của phác đồ điều trị với bệnh nhân.

Khi sử dụng thiết bị để theo dõi đường huyết liên tục, TS. Bảy khuyên bệnh nhân cần quét kiểm tra dữ liệu thường xuyên để tránh mất dữ liệu. Nghiên cứu so sánh nhóm quét nhiều lần và ít lần đều cho thấy nhóm quét nhiều lần quản lý đường huyết tốt hơn, HbA1C tốt hơn, biến chứng của bệnh nhân ít hơn.

Các chuyên gia cũng nhắc nhở sử dụng thiết bị này không đồng nghĩa với việc chắc chắn đường huyết sẽ tốt. Trong quản lý đái tháo đường, điều quan trọng là người bệnh cần thiết lập kiềng ba chân bao gồm: chế độ ăn, chế độ tập luyện và dùng thuốc.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ trong quản lý đường huyết

Vừa qua, trong hướng dẫn quy trình đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đưa khuyến nghị sử dụng CGM đối với nhóm: đái tháo đường type 1 hay type 2 có tiêm insulin nhiều mũi; đái tháo đường type 1 hay type 2 bị hạ đường huyết; người mắc đái tháo đường khó quản lý đường huyết; và phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường có tiêm insulin.

FreeStyle Libre của công ty Abbott là một trong những thiết bị CGM được nêu trong hướng dẫn trên. Thiết bị này đã có mặt tại Việt Nam khoảng ba năm nay. Công nghệ này đã giúp thay đổi cuộc sống của khoảng 6 triệu người bệnh đái tháo đường ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Các thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu thực tế cho thấy những người sử dụng FreeStyle Libre đã cải thiện việc kiểm soát glucose, giảm tần suất tăng và hạ đường huyết, cũng như giảm số lần nhập viện, giảm chỉ số HbA1C và nâng cao chất lượng cuộc sống.

anh-3-9349-1731662109.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-d7KzxqqZAx2j1jFxohwKw

Chị Trần Thị Tuyết Phượng (TP HCM) sử dụng CGM. Ảnh: Phương Lâm

Phần cuối tọa đàm xuất hiện thêm khách mời là chị Trần Thị Tuyết Phượng (TP HCM), người được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 cách đây 7 năm. Chị Phượng cho biết, chị đã sử dụng CGM thường xuyên để theo dõi đường huyết của bản thân, từ đó chủ động điều chỉnh thói quen, dinh dưỡng và có thể sinh hoạt như một người bình thường.

10 phút cuối của tọa đàm, hai chuyên gia đã cùng giải đáp những thắc mắc của độc giả về cách quản lý đường huyết và sử dụng công nghệ CGM sao cho hiệu quả. Từ đó cung cấp nhiều thông tin, kiến thức hữu ích giúp người mắc đái tháo đường từng bước xây dựng lộ trình quản lý bệnh phù hợp cho bản thân. Trong đó, quản lý đường huyết liên tục là giải pháp hiệu quả để hạn chế biến chứng và sống vui vẻ hơn.

Độc giả xem toàn bộ buổi tọa đàm tại đây.

Kim Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022