Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị đưa tin vào ngày 3/3/2021, ông Nadav Eshcar (khi đó là Đại sứ Israel tại Việt Nam và Lào) đã đăng tải trên mạng xã hội Twitter: "Một trong những điều ngạc nhiên tuyệt vời nhất của Việt Nam chính là thứ quả có tên Hồng xiêm hoặc Sapodilla này đây. Một trong những loại trái cây ngon nhất tôi từng ăn đấy! Rất giống mật ong! Mọi người nên thử nhé!".

Hồng xiêm hay Sapoche (theo cách gọi của miền Nam) là loại trái cây ăn quả gần gũi với người dân Việt Nam. Đây là loại trái cây thơm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng. Trong y học cổ truyền, hồng xiêm còn được biết đến là vị thuốc chữa nhiều chứng bệnh hiệu quả.

hong-xiem-bao-nhieu-calo-1731645286822-17316452911741969293529.jpg

Quả hồng xiêm (ảnh minh họa).

Tác dụng của hồng xiêm

Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Việt Nam, quả hồng xiêm chín có vị ngọt nên được dùng làm trái cây ăn. Hồng xiêm là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, y học hiện đại đã phân tích trong 100g quả hồng xiêm chứa 0.44g chất đạm, 1.10g chất béo, 0.8mg sắt, 60IU beta-carotene, 12mg phốt pho, 21mg canxi, 14.7mg vitamin C và một số vitamin nhóm B.

Ông Sáng cho hay trong quả hồng xiêm có chứa Potassium có tác dụng hạ huyết áp. Polyphenol và tannin trong quả hồng xiêm có tác dụng làm sạch dạ dày, giảm tiêu chảy.

Hồng xiêm còn có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư… Ăn hồng xiêm được cho rằng có thể giảm chứng lo âu mất ngủ. Với lượng canxi tương đối, hồng xiêm cũng giúp ngăn ngừa loãng xương, ông Sáng nói.

Hồng xiêm làm thuốc

Tại Campuchia, người dân dùng quả hồng xiêm xanh để chữa lỵ, tiêu chảy. Lá non của cây hồng xiêm cũng được giã đắp để giảm đau khi bị động vật cắn. 

Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay trong y học cổ truyền, các bộ phận như vỏ, hạt, quả hồng xiêm được dùng làm thuốc. Trong đó, vỏ là thuốc bổ trị lỵ và tiêu chảy. Hạt dùng để hạ sốt cao. Quả xanh tác dụng giải độc, cầm tiêu chảy. Quả chín có vị ngọt, tính mát, tác dụng nhuận tràng, giải khát, thanh nhiệt và sinh tân dịch, thường được dùng để trị táo bón và đại tiện khó khăn.

Có thể dùng hồng xiêm ở dạng sắc uống, tán bột hoặc dùng ăn trực tiếp. Liều dùng: 3 – 4 quả/ ngày, 15 – 20g vỏ/ ngày.

Vị lương y gợi ý một số bài thuốc sử dụng hồng xiêm như sau:

- Chữa rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy do ăn nhiều đạm và mỡ: Quả hồng xiêm xanh 15 – 20g sắc uống ngày 2 lần, uống liên tục trong vòng 3 – 5 ngày.

- Chữa táo bón, ăn kém, kiện tỳ: Những người bị táo bón ăn mỗi bữa vài quả hồng xiêm chín (mỗi ngày ăn hai bữa, mỗi bữa hai quả) vài hôm sẽ hết táo. 

- Lợi niệu, giảm sốt: Hạt hồng xiêm 5g, nấu nước sắc uống, có thể thêm lá tre 100g; cho 450ml nước sắc còn 150ml nước, chia ngày 2 lần, uống lúc còn nóng.

Lưu ý khi dùng hồng xiêm

Theo ông Sáng, quả hồng xiêm chưa chín có chứa nhiều tannin, có thể gây táo bón. Để điều trị táo bón, chỉ ăn hồng xiêm chín. Cũng theo vị chuyên gia, hồng xiêm có chứa lượng đường cao, do đó người đái tháo đường, thừa cân béo phì cần lưu ý khi dùng. Đối với người khỏe mạnh cũng chỉ nên ăn với lượng phù hợp, không nên lạm dụng.

Việc dùng hồng xiêm làm thuốc cần có sự tư vấn của người có chuyên môn về y học cổ truyền.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022