Các em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ
Theo Bloomberg, tuần trước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang theo dõi sát sao nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ trong nhóm trẻ em. Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới ghi nhận trên 80 trẻ em mắc đậu mùa khỉ tại một số quốc gia. Phần lớn các ca mắc lây nhiễm qua tiếp xúc trong gia đình.
Mặc dù đó chỉ là một con số nhỏ so với trên 18.000 ca mắc đậu mùa khỉ trên toàn thế giới, với phần lớn số ca được phát hiện trong nhóm đồng tính nam, song giới chuyên gia nhận định virus có thể tự hình thành và lây lan trong các quần thể khác, chẳng hạn như phụ nữ và trẻ em. Căn bệnh này lây lan nhanh chóng đã khiến Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ.
“Có nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều ca mắc lây lan trong các nhóm xã hội và môi trường khác ngoài đồng tính nam. Không có quan hệ xã hội nào là khép kín. Tất cả đều được kết nối với các nhóm xã hội”, ông Jay Varma – Giáo sư chuyên về khoa học sức khỏe dân số tại Đại học Dược Weill Cornell ở New York – đánh giá.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus. Mặc dù phương thức lây truyền chính của bệnh là qua đường tình dục song virus có thể lây lan qua các hình thức tiếp xúc khác. Một khi ai đó mắc bệnh trong gia đình, virus sẽ dễ dàng lây nhiễm sang người khác khi dùng chung quần áo hoặc khăn tắm, hay chạm vào vết loét hoặc tiếp xúc da kề da như ôm trong thời gian đủ dài.
Các chuyên gia đánh giá trẻ em tại trường học và các trung tâm trông trẻ có thể đặc biệt trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Mỗi năm, trẻ em đều có thể mắc đến hàng chục loại virus khác nhau, bao gồm cả những virus lây nhiễm như bệnh tay chân miệng. Điều này đã khiến các chuyên gia lo sợ một khi đậu mùa khỉ xuất hiện và lây lan trong các trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ hoặc trường học, rất khó để có thể kiểm soát bệnh.
“Việc một số trẻ em bị mắc bệnh và đi học trong lúc mắc bệnh là điều không thể tránh khỏi. Điều chúng ta chưa biết là khả năng lây lan giữa các trẻ với nhau và nếu có sự lây lan, liệu nó sẽ chỉ giới hạn trong một vài trường hợp hay gây ra một đợt bùng phát lớn”, chuyên gia Varma cho hay.
Tuần trước, các quan chức y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nước này ghi nhận hai trường hợp trẻ em mắc đậu mùa khỉ. John Brooks, Giám đốc y tế phụ trách bệnh đậu mùa khỉ của CDC cho biết một trường hợp khác đã được xác định ở một phụ sản mới sinh.
Điều đáng mừng là cho đến nay chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận ở Mỹ. Bằng cách kiểm soát phương thức lây truyền chính và áp dụng các phương pháp điều trị cho nhóm nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, giới chức y tế có thể ngăn chặn bệnh lây lan thêm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra ngày 28/7 vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sẵn sàng cho một đợt bùng phát rộng hơn, bao gồm cả việc đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine nhiều hơn.
“Mọi người dân Mỹ nên chú ý đến bệnh đậu mùa khỉ. Mặc dù nó không phải là COVID-19 nhưng nó có tính lây lan. Nó gây đau đơn và có thể nguy hiểm”, Bộ trưởng Xavier cảnh báo.
Trong lịch sử, ở các khu vực phía Tây và Trung Phi – nơi mà bệnh đậu mùa khỉ được coi là bệnh đặc hữu, các ca bệnh nhi không phải là điều bất thường. Trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ đầu tiên ở người là một đứa trẻ tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Các đợt bùng phát trước đây lây lan chủ yếu qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh. Theo WHO, trong những trường hợp mắc bệnh trước đây, các ca nghiêm trọng xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em.
Vì sao người đồng tính nam dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ?Đọc ngay
Bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết về các nguy cơ và biện pháp phòng ngừaĐọc ngay
Cụ thể, trong một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm 2003 ở Mỹ, lây lan do các loài gặm nhấm nhập khẩu từ Ghana, tỷ lệ bệnh nhi phải vào trong phòng chăm sóc đặc biệt cao hơn so với người lớn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng cho thấy, gần 1/3 trong số 37 bệnh nhân được ghi nhận dưới 18 tuổi.
Đợt bùng phát năm 2022 có vẻ hơi khác so với các đợt dịch trước đây, do virus chủ yếu lây lan qua đường tiếp xúc với vết thương hoặc chất dịch truyền nhiễm. Các triệu chứng cũng khác biệt so với các tài liệu y khoa, với nhiều trường hợp xuất hiện vết loét trông giống như phát ban hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thông thường. Đặc điểm của virus thay đổi khiến việc nhận biết các ca bệnh trở nên khó khăn hơn.
“Kinh nghiệm của chúng ta với trẻ em còn ít và vì vậy, chúng ta vẫn đang học hỏi trong khi đã có trẻ em mắc bệnh”, ông Brooks thông báo.
Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, cho biết cho đến nay hầu hết các ca trẻ em mắc bệnh đều ở chung nhà với những người bị nhiễm bệnh, ví dụ như cha mẹ hoặc người giám hộ.
“Dù ở độ tuổi nào, thông điệp vẫn không đổi: Bất kỳ ai tiếp xúc trong nhà hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đậu mùa khỉ đều có nguy cơ mắc bệnh”, chuyên gia Lewis khẳng định.
Một mối lo ngại khác đối với các chuyên gia là bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua nhau thai trong thời kỳ mang thai và có thể gây ra các biến chứng cho em bé, bao gồm thai lưu.
Các phương pháp điều trị bệnh đậu mùa thường được sử dụng như vaccine Jynneos của Bavarian Nordic và thuốc kháng virus đậu mùa Tpoxx của Siga có thể được sử dụng để điều trị cho trẻ em khi cần thiết. Hồi tháng 6, CDC Mỹ cho biết họ đang tìm ra cách tốt nhất để sử dụng vaccine Jynneos cho những trẻ em tiếp xúc với virus. Các quan chức y tế cũng đang tìm hiểu cách sử dụng Tpoxx ở bệnh nhi.
Giáo sư Varma cho rằng điều quan trọng là phải phát triển một kế hoạch trong trường hợp virus lây lan nhanh ở trẻ em.
“Bất kỳ trường hợp nào mà một đứa trẻ mắc bệnh đến trường hoặc nơi giữ trẻ sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà quản lý và gia đình. Điều quan trọng là các cơ quan y tế công cộng phát triển các quy trình ngay bây giờ để làm thế nào có kế hoạch truy vết tiếp xúc và xét nghiệm”, chuyên gia đề nghị.