Trả lời:
Thời gian một bữa ăn nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, thói quen. Tuy nhiên, khi ăn quá nhanh, bạn thường không nhai kỹ thức ăn, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Điều này có thể gây đầy hơi, chướng bụng, đau hoặc khó tiêu, thậm chí rối loạn tiêu hóa. Ăn nhanh làm não không kịp nhận tín hiệu no từ dạ dày, dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm trước khi nhận ra bản thân đã no. Điều này khiến calo bị tích lũy nhanh hơn, gây tăng cân, béo phì.
Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn nhanh có liên quan đến hội chứng chuyển hóa, bao gồm các vấn đề như tăng huyết áp, đường huyết cao, cholesterol bất thường và mỡ bụng. Ăn nhanh có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp, góp phần vào nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Khi ăn quá nhanh, bạn có thể không chú ý đến kích thước miếng thức ăn, dẫn đến nguy cơ nghẹn hoặc hóc cao hơn. Ngoài ra, thói quen này có thể khiến bạn không tận hưởng bữa ăn thoải mái, ngon miệng.
Tuy nhiên, ăn quá chậm khiến món ăn không còn ngon, do bị nguội, nát hoặc khiến người đối diện khó chịu vì phải chờ đợi, không khí căng thẳng.
Bữa cơm gia đình ấm cúng, nóng hổi. Ảnh: Bùi Thủy
Theo khuyến cáo, bữa ăn chỉ nên kéo dài từ 20 đến 30 phút, không nên quá nhanh hoặc chậm. Nên nhai kỹ trước khi nuốt, ít nhất 20-30 lần cho mỗi miếng thức ăn.
Bạn có thể đặt đũa hoặc thìa xuống sau mỗi lần ăn để nhắc nhở bản thân ăn chậm lại. Nên tập trung vào bữa ăn, tránh vừa ăn vừa xem ti vi hoặc sử dụng điện thoại.
Những thói quen này không chỉ giúp cải thiện tiêu hóa mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể và kiểm soát cân nặng tốt hơn.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị LâmNguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia