Ngày 21/5, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết trẻ bị nhiễm trùng huyết, viêm tấy lan tỏa, thủy đậu bội nhiễm, giảm albumin máu nặng, hạ kali máu. Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh liều cao, kết hợp phẫu thuật loại bỏ tổ chức hoại tử, nạo mủ, ổ áp xe, truyền albumin.
Hiện, sức khỏe trẻ tạm thời ổn định, tiếp tục điều trị các tổn thương trên da để hạn chế nhiễm trùng, sẹo.
Bác sĩ chăm sóc cho trẻ sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella Zoster Virus gây nên, rất dễ lây truyền, thường gặp ở trẻ em nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng từ tháng hai đến tháng 6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, khoảng 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vaccine.
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại.
Bệnh thủy đậu đa số lành tính, hồi phục trong khoảng hai tuần, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng... Bệnh nguy hiểm với bà bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền.
Để phòng bệnh thủy đậu, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Tiêm vaccine thủy đậu cho trẻ em từ một tuổi để phòng bệnh, tránh lây lan.
Người bệnh cần cách ly, tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng như đắp lá, tắm lá... gây nhiễm trùng.
Thùy An