Hôm 19/1, khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) tiếc vì bệnh có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm. Người nhà cho hay chỉ nghĩ cơn đau bình thường, lại bận rộn cuối năm nên trì hoãn đi viện. Bác sĩ tư vấn Sơn trữ đông tinh trùng để đảm bảo khả năng sinh sản sau này. Về thẩm mỹ, bệnh nhân có thể đặt tinh hoàn nhân tạo.
Tết năm ngoái, bác sĩ Khải cũng cấp cứu cho trường hợp thoát vị bẹn nghẹt với lý do tương tự. Bé trai một tuổi, vùng bẹn có bất thường, đi khám vào khoảng 20 tháng Chạp. Bác sĩ tư vấn mổ chủ động, ngăn ngừa biến chứng, chỉ sau một đến hai ngày có thể xuất viện. Tuy nhiên, gia đình từ chối, xin về ăn Tết vì nghĩ tình trạng không nguy hiểm, "nếu mổ có bề gì thì mất Tết". Giữa đêm mùng Hai, gia đình gọi điện cho bác sĩ báo trẻ tím tái, suy hô hấp, đang chuyển từ Nam Định lên Hà Nội.
"Trì hoãn điều trị là một trong những lý do khiến bệnh diễn biến nặng, kéo dài gần 10 ngày như trường hợp này là điều vô cùng nguy hiểm", ông Khải cho hay. Bác sĩ phải mổ cấp cứu, may mắn ruột chưa bị hoại tử, song rất khó để lường trước biến chứng tương lai, trẻ phải đi khám nhiều lần để theo dõi.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 34 tuổi, bị đau bụng nhưng chủ quan tự uống thuốc và tiếp tục sinh hoạt bình thường. Đến khi cơn đau dữ dội, anh tới Bệnh viện Bưu Điện thì ruột thừa đã vỡ, buộc phải mổ cấp cứu gấp, đêm 30 Tết năm 2024.
Bác sĩ Khải mổ cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Bùi Đức Ngọt, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện, nói tình trạng e ngại đi khám bệnh trong dịp Tết rất phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là quan niệm dân gian sợ "xui xẻo" khi phải bệnh viện trong những ngày lễ. Người dân thường chịu đựng triệu chứng với hy vọng "qua Tết sẽ khỏi". Mặt khác, nhiều người lo ngại mất thời gian chuẩn bị Tết, sợ phát hiện bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng không khí gia đình...
Tâm lý này khiến nhiều bệnh diễn biến nặng, làm mất thời gian vàng để điều trị hiệu quả, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bị bệnh nguy hiểm vì không xử lý kịp thời, như xoắn tinh hoàn phải cắt bỏ, viêm ruột thừa vỡ, suy thận, hoặc nhiễm trùng do tiểu đường khiến phải cắt chân. Một số người bị sốt xuất huyết, chủ quan nghĩ bệnh không nghiêm trọng, đến khi nhập viện thì đã sốc hoặc tử vong vì máu đặc.
Tương tự, nhiều bệnh nhân trì hoãn điều trị sỏi thận, tự uống thuốc nam không hiệu quả, khiến thận giãn to và hỏng hoàn toàn. Nam giới bị chấn thương nặng nhưng không kiểm tra, dẫn đến rách sụn, thoái hóa khớp... Không ít gia đình chuẩn bị thuốc kháng sinh trong nhà, thấy hắt hơi, sổ mũi, đau họng, họng là tự uống, nguy cơ gây hại sức khỏe, thậm chí kháng kháng sinh do uống không đúng bệnh, không đủ liều.
Bác sĩ Khải nhấn mạnh việc trì hoãn khám và điều trị có thể khiến người bệnh bỏ lỡ thời gian vàng, làm giảm hiệu quả chữa trị, đồng thời tăng nguy cơ di chứng. Ví dụ, tai biến mạch máu não cần can thiệp trong 4 tiếng đầu để tránh tổn thương nặng nề. Bệnh nhân ung thư nếu được phát hiện sớm có thể chữa trị hiệu quả hơn, giảm chi phí cũng như thời gian.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong kỳ nghỉ Tết, người dân cần chú ý bảo vệ sức khỏe qua ăn uống điều độ, duy trì tập luyện, hạn chế rượu bia. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy đi khám ngay để tránh biến chứng. Tuy nhiên, đối với các triệu chứng nhẹ như ho, sốt, nên tham khảo ý kiến bác sĩ từ xa để xử lý tại nhà trước khi quyết định tới bệnh viện.
Người mắc bệnh mạn tính nên duy trì thuốc, không tự ý ngưng điều trị. Khám bệnh sớm và kịp thời không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn giảm áp lực cho bệnh viện, tránh tình trạng quá tải sau Tết.
Thùy An