Bác sĩ Trương Tú Trạch, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng sáng 18/11 có lịch học ở TP HCM. Anh quyết định quay lại bệnh viện cấp cứu bệnh nhân, bởi nếu không can thiệp kịp thời bệnh nhân sẽ khó qua khỏi.

Kịp lúc bệnh nhân được đẩy vào phòng thông tim can thiệp, bác sĩ Trạch cùng ê kíp đặt stent mạch vành tái thông đường chảy bị tắc nghẽn do cục máu đông. 

"May mắn bệnh nhân vào viện trong thời gian vàng những giờ đầu, can thiệp kịp thời nên vùng cơ tim không bị ảnh hưởng nhiều", bác sĩ Trạch nói. Sau can thiệp, bệnh nhân qua nguy kịch, bác sĩ Trạch lại tiếp tục hành trình lên TP HCM cách Sóc Trăng hơn 200 km. 

can-thie-p-tim-ma-ch-157407534-4715-9807-1574075412.jpg

Bác sĩ Trạch (ngoài cùng, bên trái) cùng ê kíp can thiệp mạch vành cho bệnh nhân. Ảnh: T.T

Một năm qua, Sóc Trăng có hơn 500 ca can thiệp tim mạch thành công nhờ sự chuyển giao của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cấp cứu kịp thời các ca bệnh lý phức tạp, giảm tỷ lệ tử vong, chuyển tuyến. Người bệnh tim ở Sóc Trăng và các tỉnh lân cận được điều trị bằng kỹ thuật cao tại địa phương mà không cần tới TP HCM chữa trị. 

Bác sĩ Trần Hòa, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch, Khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, đánh giá sau một năm chuyển giao kỹ thuật, các bác sĩ Sóc Trăng có thể tự thực hiện hầu hết kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến.

"Nhiều trường hợp cấp cứu nếu không thực hiện can thiệp tại chỗ mà chuyển viện đường xa, bệnh nhân khó giữ được tính mạng hoặc tình trạng bệnh có thể chuyển nặng hơn", bác sĩ Hòa nói.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022