2024 được coi là năm "định hình lại tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu". Thế giới ghi nhận những bước tiến đáng kể, khi các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng tập trung giải quyết thách thức mang tính thời đại, chẳng hạn tình trạng thiếu hụt nội tạng hay căn bệnh thế kỷ HIV.
Hy vọng từ các ca cấy ghép nội tạng động vật
Trong suốt hai năm, giới y khoa liên tục thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực cấy ghép dị chủng. Nền tảng là nội tạng lợn đã biến đổi gene phù hợp với cơ thể người, nhằm giải quyết nhu cầu tạng hiến ngày càng tăng.
Tháng 3, các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) đã thực hiện ca phẫu thuật ghép thận lợn cho người sống đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân là Richard Slayman, 62 tuổi, mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Trong suốt 4 giờ, kíp mổ đã nối các mạch máu và niệu quản (ống dẫn nước tiểu) từ thận lợn đến bàng quang và niệu quản của bệnh nhân.
Theo tiến sĩ Leonardo Riella, giám đốc y khoa về ghép thận tại MGH, đối với người suy thận, ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, lượng tạng hiến tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới thiếu hụt. Hiện nước này có hơn 100.000 bệnh nhân chờ ghép thận, 17 người trong danh sách nguy cơ tử vong mỗi ngày.
"Bài toán ở đây là vượt qua rào cản thiếu nội tạng. Giải pháp là lấy thận từ loài khác. Nó có thể thay đổi hoàn toàn lĩnh vực này", ông nói.
Theo MGH, Slayman qua đời vào tháng 5 năm nay, song không có bằng chứng cho rằng ca cấy ghép là nguyên nhân. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, các bác sĩ đã học được nhiều điều về việc cấy ghép khác loài.
Ngoài ra, các bác sĩ Trung Quốc cũng cấy ghép gan lợn vào một người chết lâm sàng hồi giữa năm. Gan tiếp tục hoạt động trong suốt 10 ngày nghiên cứu.
Bác sĩ thực hiện ca ghép thận lợn biến đổi gen vào người sống đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, ngày 16/3. Ảnh: Massachusetts General Hospital
Van tim sống, phát triển cùng cơ thể bệnh nhân
Phẫu thuật thay thế van tim cơ học và sinh học không mới, đã được thực hiện trong hơn 60 năm. Tuy nhiên, nó có những nhược điểm về mặt y khoa. Bệnh nhân thay van cơ học phải dùng thuốc ngừa đông máu trong suốt phần đời còn lại. Trong khi đó, van sinh học chỉ dùng được từ 10 đến 15 năm. Phương pháp này đặc biệt khó áp dụng với trẻ em bị dị tật bẩm sinh, vì van không phát triển cùng cơ thể trẻ.
Tháng 1, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Harefield và Viện Tim và Phổi Quốc gia Anh đã tạo ra loại van tim sống, có thể "lớn lên" cùng với bệnh nhân.
Van tim được làm từ một khung polyme phân hủy sinh học thay vì nhựa bền. Khi đưa vào cơ thể, khung thu thập các tế bào và hướng dẫn chúng phát triển. Lúc này, cơ thể hoạt động như một lò phản ứng sinh học tạo mô mới. Lâu dần, khung này phân hủy và được chính các mô mới sản sinh thay thế.
Vật liệu khung được sử dụng để làm van là cải tiến quan trọng. Nó có khả năng hút, chứa và hướng dẫn các tế bào thích hợp từ chính cơ thể bệnh nhân, tạo điều kiện duy trì chức năng của van.
Thuốc Lenacapavir - bước ngoặt trong phòng ngừa HIV
Lenacapavir là thuốc tiêm kháng virus, được mệnh danh "loại thuốc gần nhất với vaccine phòng ngừa HIV". Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAids), Lenacapavir là bước đột phá với giá cả phải chăng trong điều trị và phòng ngừa HIV.
Hầu hết biện pháp phòng ngừa HIV hiện nay đều dựa vào thuốc viên hàng ngày. Điều này là rào cản đối với những người đãng trí. Việc phân phối thuốc cũng khó khăn, đặc biệt với các vùng cận Sahara châu Phi, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của HIV.
Các loại thuốc thay thế dạng tiêm như cabotegravir, dùng hai tháng một lần phần nào giải quyết bài toán đó. Tuy nhiên, Lenacapavir thậm chí tân tiến hơn, chỉ cần tiêm một lần mỗi 6 tháng. Việc chỉ cần tiêm 2 lần một năm khiến việc sử dụng thuốc này dễ dàng hơn so với thuốc uống hằng ngày.
Trong một thử nghiệm với 5.000 phụ nữ ở Nam Phi và Uganda, thuốc hiệu quả 100%. Lenacapavir đã được Ủy ban châu Âu và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt cho những người đã từng điều trị với HIV đa kháng thuốc.
Nhược điểm của thuốc là giá bán. Lenacapavir có giá 42.250 USD cho năm đầu tiên, cao hơn so với các loại thuốc HIV hiện có. Mới đây, Gilead đã cho phép các nhà sản xuất thuốc generic ở nước thu nhập thấp bán thuốc này với giá 40 USD, giảm sâu so với ban đầu.
Thuốc điều trị HIV Lenacapavir của hãng dược Gilead. Ảnh: Gilead
Osimertinib - loại thuốc giảm một nửa nguy cơ tử vong do ung thư phổi
Osimertinib dành cho người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ EGFR dương tính. Loại ung thư phổ biến tại Đông Nam Á, đặc biệt ở những người không hút thuốc. Osimertinib có tác dụng ức chế protein tyrosine kinase EGFR - protein đột biến ở một số bệnh nhân, khiến tế bào ung thư phát triển và phân chia.
Thử nghiệm của Đại học Yale cho thấy, dùng thuốc một lần mỗi ngày sau phẫu thuật giúp giảm 51% nguy cơ tử vong. Sau 5 năm nghiên cứu, 88% người bệnh uống thuốc hàng ngày vẫn sống sót, cao hơn so với 78% bệnh nhân điều trị bằng giả dược.
Thuốc hiệu quả nhất quán trong phân tích toàn diện, ở cả những người mắc ung thư giai đoạn một, hai và ba. Thuốc có tác dụng trên cả những bệnh nhân chưa thực hiện hóa trị.
Theo Roy Herbst, Phó giám đốc Trung tâm Ung thư Yale, Osimertinib có thể trở thành "tiêu chuẩn chăm sóc" cho 25% số bệnh nhân ung thư phổi có đột biến gene EGFR trên toàn thế giới.
Vaccine tiêm chủng cho cả Covid-19 và cúm
Năm 2024, Moderna đã thử nghiệm thành công loại vaccine ngăn ngừa cả Covid-19 và cúm mùa, sẽ ra mắt sớm nhất năm 2025. Vaccine giải quyết tâm lý ngần ngại tiêm chủng của nhiều người, khi đại dịch đã qua đi. Vaccine có phản ứng miễn dịch hiệu quả hơn các dòng độc lập (chỉ ngừa một bệnh), khả năng dung nạp ở người tương tự thử nghiệm tiền lâm sàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết lĩnh vực này vẫn còn chặng đường dài. Trước đó, Pfizer và BioNTech cũng phát triển vaccine tương tự, song không thể bảo vệ người dùng hoàn toàn khỏi bệnh cúm. Thử nghiệm vaccine kết hợp ngừa ba bệnh của Novavax cũng bị trì hoãn do lo ngại về an toàn.
Bên cạnh vaccine, thế giới cũng ghi nhận tiến bộ trong chẩn đoán cúm và Covid-19. Hai căn bệnh do virus khác nhau gây ra, nhưng có các triệu chứng đồng nhất, chồng chéo. Hồi tháng 10, FDA Mỹ đã phê duyệt một loại xét nghiệm nhanh, thực hiện tại nhà có thể chẩn đoán cả Covid-19 và cúm trong vòng 15 phút. Dù vậy, giống với tất cả xét nghiệm kháng nguyên khác, người có kết quả âm tính nhưng sốt hoặc khó thở vẫn phải đi khám.
Thục Linh (Theo National Geographic, Scientific Discovery, ABC News)