GĐXH - Máy bay MH370 đã mất tích bí ẩn hơn 10 năm là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử hàng không thế giới.
Thêm cách thức mới tìm kiếm máy bay MH370
MH370 mất tích là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại. Ảnh: Netflix
Theo tin MH370 mới nhất của Daily Free Press, việc nối lại tìm kiếm MH370 sẽ giúp giải quyết một bí ẩn đã bị bỏ qua quá lâu.
Trang tin này cho biết, hướng tới cuộc tìm kiếm MH370, mọi sự chú ý hiện dồn về Ocean Infinity - công ty robot đại dương có trụ sở tại Mỹ - từng tham gia cuộc tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia Airlines năm 2018.
Ocean Infinity đã nhất trí với chính phủ Malaysia về kế hoạch nối lại cuộc tìm kiếm dưới nước để tìm máy bay MH370. Nếu được thông qua, cuộc tìm kiếm mới sẽ bắt đầu vào tháng 11/2024.
Daily Free Press nhấn mạnh, tháng 11 này, cả thế giới sẽ dõi theo sứ mệnh mới, nếu diễn ra, để giải mã một trong những bí ẩn lớn nhất đã ám ảnh ngành hàng không 10 năm qua.
Nếu thành công, cuộc tìm kiếm MH370 mới có thể là một sự khép lại rất cần thiết cho thân nhân của những hành khách trên chuyến bay xấu số.
Hiện tại, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới để xác định vị trí của MH370, bao gồm thả các mảnh vỡ máy bay xuống Ấn Độ Dương, theo trang Interesting Engineering.
Dự án có tên "Sáng kiến Tìm kiếm MH370" được khởi xướng với mục tiêu cụ thể là xác định vị trí xác máy bay Boeing 777 mất tích vào tháng 3/2014.
Để thực hiện được mục tiêu này, dự án không sử dụng máy bay không người lái được trang bị sonar hoặc mở cuộc tìm kiếm dưới đáy biển như Ocean Infinity triển khai.
Thay vào đó, nhóm tìm kiếm MH370 dự định thả các mảnh vỡ của máy bay Boeing 777 vào Ấn Độ Dương và theo dõi chuyển động của chúng.
Jeff Wise - một nhà báo khoa học và phi công tư nhân - đã khởi xướng dự án này. Ông đã viết sách về MH370 mất tích, điều hành các podcast và đã xuất hiện trong nhiều bộ phim tài liệu thảo luận về vụ mất tích máy bay của Malaysia Airlines.
Các mảnh vỡ đầu tiên của MH370 được phát hiện trên bờ biển ở Saint-Denis, Đảo Reunion, vào tháng 7/2015. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã tập trung vào nghiên cứu sự trôi dạt của những mảnh vỡ này nhằm lần lại vị trí xuất phát của các mảnh vỡ ở Ấn Độ Dương. Trước đây, có những nhóm nghiên cứu đã thả các phần cánh máy bay xuống biển để quan sát.
Chuyên gia tìm kiếm MH370 Wise và cộng sự tin rằng những thí nghiệm này cần phải được tiến hành rộng rãi hơn. Ông đặt mục tiêu thả một cánh tà từ một chiếc Boeing 777 được trang bị cảm biến xuống Ấn Độ Dương. Sau đó, nhóm "Sáng kiến Tìm kiếm MH370" sẽ dành 18 tháng để phân tích chuyển động của mảnh vỡ và theo dõi sự phát triển của các sinh vật biển trên đó để so sánh với các mảnh vỡ MH370 đã dạt vào bờ.
Điều gì đã xảy ra với MH370?
Hành trình dự kiến của chiếc máy bay là từ Kuala Lumpur, Malaysia, đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Kiểm soát không lưu mất liên lạc với chiếc máy bay này trong vòng 60 phút sau khi nó bay vào vùng trời trên biển Đông. Sau đó, radar quân sự định vị được MH370 lần cuối cùng trên biển Andama ở phía đông bắc Ấn Độ Dương.
Sau đó, liên lạc vệ tinh tự động giữa máy bay và vệ tinh viễn thông Inmarsat của Anh cho thấy chiếc máy bay đã đến đông nam Ấn Độ Dương. Thông tin này là cơ sở để Cục An toàn Vận tải Hàng không Australia xác định các khu vực tìm kiếm ban đầu.
Cho đến nay, chúng ta vẫn không biết nguyên nhân khiến chiếc máy bay đổi hướng và biến mất.