Trước căn nhà của bà Saudah, 64 tuổi, trên đảo Sumatra, miền tây Indonesia, hai xác tàu cảnh sát biển nằm án ngữ. Chúng bị đánh dạt lên bờ trong trận sóng thần kinh hoàng 20 năm trước và là lời nhắc nhở mỗi ngày với Saudah rằng con trai út của bà vẫn chưa về nhà.

Suốt 20 năm qua, Saudah vẫn tin rằng Muhammad Siddiq, cậu con trai mới 6 tuổi khi đợt sóng thần từ Ấn Độ Dương tràn vào bờ biển Indonesia hai thập kỷ trước, vẫn còn sống và được ai đó chăm sóc. Bà không từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó Siddiq sẽ trở về căn nhà cũ.

2024-12-23t051246z-2044694597-1893-6110-1735099300.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aQvFRx5AupxZTHJ4aHoavQ

Bà Saudah đứng trước xác tàu cảnh sát biển bị sóng thần đánh dạt lên khu đất trước nhà. Ảnh: Reuters

Trận sóng thần được kích hoạt lúc gần 8h ngày chủ nhật 26/12/2004, sau một trận động đất mạnh 9,1 độ, khiến những cơn sóng lớn ập vào bờ biển nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka và Thái Lan, cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người, biến nó thành một trong những thảm họa tự nhiên thảm khốc nhất lịch sử nhân loại.

Abdul Rahem, ngư dân làng chài Lam Awe ven biển Aceh ở Indonesia, kể rằng 20 năm trước, anh đang đi dạo dọc bãi biển để đón gió trời thì mặt đất bắt đầu rung chuyển. Rahem chạy vội vào cánh đồng lúa gần đó, chờ rung chấn qua đi, nhưng đến khi nghe hàng xóm kêu lớn "Sóng thần đang đến đấy", người thanh niên 27 tuổi mới nhận ra nguy cơ thực sự.

Rahem vội về nhà đón bố, đỡ ông chạy dọc con đường nứt toác vì động đất. Cha giục anh chạy nhanh, cứ kệ ông nhưng Rahem không chịu: "Tôi nói: 'Không, không, nếu phải chết, bố con ta chết cùng nhau'".

Nước bắt đầu ập tới, ban đầu chỉ là một cơn sóng nhỏ, sau đấy là các đợt sóng lớn hơn, có những trận sóng cao tới 30 mét. "Điều đầu tiên tôi nghĩ trong đầu là: Phải chăng đây là ngày tận thế?", anh nhớ lại.

Cả cha mẹ và ba anh chị em của Rahem đều thiệt mạng trong trận sóng thần năm đó. Rahem bị nước cuốn trôi nhưng vẫn ngoi lên được mặt nước lấy hơi, bám vào một chiếc tủ gỗ trôi theo trận sóng.

Nhưng một lúc sau, cái tủ vỡ tan khi va vào một cây dừa trong dòng nước chảy xiết. Rahem vẫn nhớ đã nhìn thấy ngọn tháp của nhà thờ Hồi giáo ở phía xa trước khi bị cuốn đi.

Nước cuốn Rahem tới chân đồi, nơi những người sống sót đang tập hợp. Anh nghe thấy tiếng ai đó kêu cứu giữa dòng nước, nhưng không thể làm gì được. Từ đỉnh đồi, Rahem nhìn thấy cây cối bật rễ, nhà cửa bị cuốn trôi, làng xóm bị san phẳng.

Tại tỉnh Sumatra gần đó, bà Saudah nghe thấy tiếng mặt đất rền vang trong lúc mọi người hoảng sợ chạy túa ra ngoài. Bà vội ôm cậu út Siddiq, la hét yêu cầu 7 đứa con còn lại chạy về phía nhà thờ.

"Tôi đã không chạy. Tôi nằm xuống, ôm chặt Siddiq khi mặt đất rung chuyển và nghĩ rằng đó chỉ là một trận lốc. Tôi chỉ biết cầu nguyện. Khi rung chấn qua đi, tôi quay lại nhà và chợt nhận thấy trận sóng thần đang lừ lừ tiến đến như một con rắn khổng lồ", Saudah kể.

Bế Siddiq trên tay, bà tháo chạy đến nhà thờ. Bà vừa đặt con xuống thì trận sóng thần đuổi kịp, cuốn mọi người ra xa, khiến cả gia đình ly tán. Sau khi nước rút, bà chỉ tìm được 6 đứa con. Siddiq và một chị gái không bao giờ được tìm thấy.

Con gái bà được cho là đã được chôn cất trong một nấm mộ tập thể, nhưng một số người sống sót nói rằng họ đã thấy Siddiq giữa 500.000 lưu lạc vì trận sóng thần. Chồng của Saudah cho biết ông đã nằm mơ thấy Siddiq về và nói con vẫn sống.

Trận sóng thần sáng hôm đó là một trong những cơn "đại hồng thủy như trong kinh thánh", theo Bernardo Aliaga, lãnh đạo cơ quan tái thiết sau sóng thần của Unesco.

Hơn một nửa số người thiệt mạng trong trận sóng thần là ở tỉnh Aceh. Thời điểm đó, không có bất kỳ cảnh báo sóng thần nào được gửi tới các cộng đồng ở Aceh, nhiều người ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất không rõ chuyện gì đang xảy ra.

Theo Aliaga, thảm họa này là "lời cảnh tỉnh toàn thế giới về nguy cơ sóng thần". Sau 20 năm, câu hỏi vẫn khiến người ta đau đáu là: "Nếu có thứ gì đó khổng lồ, có sức tàn phá lớn như vậy tấn công thế giới một lần nữa, liệu chúng ta đã chuẩn bị tốt hơn chưa, liệu có nhiều người sống sót hơn không?"

Không hệ thống cảnh báo sóng thần nào được lắp đặt ở khu vực Ấn Độ Dương vào năm 2004. Trong 20 năm qua, người ta đã nỗ lực phát triển các hệ thống giám sát nguy cơ sóng thần, chia sẻ thông tin xuyên biên giới và tăng cường tốc độ cảnh báo.

Hiện có ba trung tâm cảnh báo sớm hoạt động ngày đêm, theo dõi dữ liệu liên tục theo thời gian thực, kể cả giám sát địa chấn, đặt ở thủ đô Jakarta của Indonesia, Melbourne và Canberra của Australia, Hyderabad của Ấn Độ.

1000-2-1735033287-9096-1735034041.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HhuVcfOCYrL0KAUunoA1Ag

Hậu quả của trận sóng thần ở Sampoiniet, tỉnh Aceh, ngày 6/1/2005 và sau 20 năm, ngày 16/11. Ảnh: Guardian

Dân Aceh là những người hiểu rõ nhất tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm cũng như kiến thức về sóng thần. Augus Salim, 49 tuổi, đang ở nhà cùng vợ và con gái hai tuổi ở làng Deah Glumpang, cách nhà Rahem khoảng 20 phút lái xe, thì động đất xảy ra.

Sau khi rung chấn ngừng lại, anh chạy xe máy đưa vợ con tới nhà mẹ trú ẩn rồi tới cây cầu gần đó, điểm cao nhất trong làng, để quan sát xung quanh. Nhìn ra bãi biển, anh thấy nước đang rút ra xa bờ, lộ ra bãi cát trắng trải dài. Từng làm việc cho hãng vận tải biển nước ngoài, Salim là một trong số ít người dân địa phương hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra.

"Tôi nhớ mình đã hét lên cảnh báo mọi người xung quanh về nguy cơ sóng thần, nhưng họ vẫn bình chân như vại. Tôi vừa chạy xe máy vừa hét: 'Nước biển sắp dâng rồi'", Salim kể. "Họ thì nghĩ, anh này bị sao thế nhỉ?"

Salim vội vàng quay về nhà mẹ, đưa vợ và con gái Dhaivina lên xe, đồng thời bảo mẹ rằng phải sơ tán khẩn trương.

"Mọi người leo lên xe máy, sẵn sàng di chuyển", Salim nói về em trai và mẹ, nhưng đó cũng là lần cuối anh nhìn thấy họ. Vợ anh, Susanti, 46 tuổi, cũng mất bố mẹ cùng 9 anh chị em trong trận sóng thần.

Ngày nay, Deah Glumpang là một trong 22 cộng đồng ở Indonesia được công nhận là nơi sẵn sàng ứng phó sóng thần theo chương trình của Unesco. Chương trình này lập bản đồ sơ tán cho các cụm dân cư, lắp đặt biển báo tuyến đường sơ tán.

Chính quyền địa phương cũng thu thập thông tin về số người trong vùng có nguy cơ cao và xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp. Họ tổ chức diễn tập 1-2 lần một năm, trừ thời gian đại dịch.

"Chúng ta phải hướng dẫn họ cách phản ứng khi xảy ra thảm họa. Nên làm gì, đi đâu, trốn vào tòa nhà nào? Chúng ta phải nắm rõ địa bàn", Salihin, cựu lãnh đạo cộng đồng ở Deah Glumpang, sống đối diện bên kia đường nhà Salim, nói.

2464-1735033437-2211-1735034041.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qx6_ScKhq28TTOLqBtdUhA

Những cây dừa xác xơ trên bãi biển gần Lamno, phía tây Aceh, sau trận sóng thần. Ảnh: The Age

Tại trung tâm cảnh báo sớm ở Jakarta, các nhân viên ngồi quan sát dữ liệu nhấp nháy trên màn hình lớn ở phòng giám sát. Đây là những thông tin được chuyển tới từ các máy quan trắc địa chấn khắp khu vực.

Đột nhiên, âm thanh cảnh báo vang lên: "Chú ý, chú ý, phát hiện động đất 6 phút trước. Khu vực quần đảo Mariana. Cường độ 5,0, độ sâu 10 km. Vui lòng kiểm tra hệ thống tương tác".

Dữ liệu này chưa đáng lo ngại, nhưng nếu động đất mạnh hơn 6 độ, thông tin chi tiết sẽ được gửi đến thiết bị quan trắc đầu cuối, nơi hiện ra các kịch bản có thể xảy ra theo bản đồ. Nếu có nguy cơ sóng thần, cảnh báo phải được truyền đi trong vòng ba phút từ khi báo động.

"Chúng tôi tương đối tin tưởng rằng cơ sở quan sát đang được cải thiện, không chỉ ở Indonesia mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương", giáo sư Dwikorita Karnawati, giám đốc cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, đơn vị điều hành trung tâm, nói.

1000-1735033577-5304-1735034041.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EFDy7V5xBKjKUlDPM1mKJQ

Con thuyền bị cuốn lên mái một ngôi nhà trong trận sóng thần năm 2004 ở Banda Aceh ngày 15/1/2005 và Wak Kolak, nạn nhân sóng thần sống sót, đứng trước con thuyền ngày 25/11. Ảnh: Guardian

Bà thừa nhận vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống cảnh báo sóng thần. Indonesia phụ thuộc nhiều vào thiết bị quan trắc địa chấn, loại chỉ lắp đặt được trên đất liền. Thiết bị quan trắc càng xa tâm chấn động đất thì độ chính xác của mô hình và tín hiệu cảnh báo càng kém.

Để phát hiện động đất qua các yếu tố phi địa chấn như sạt lở dưới nước hay một số hiện tượng thời tiết cũng rất khó khăn. "Đây là thách thức không chỉ với Indonesia mà còn với toàn cầu", bà nói.

Về lâu dài, Karnawati hy vọng mạng lưới cảm biến dưới đáy biển sẽ cung cấp năng lực quan trắc tốt hơn. "Cái chúng tôi cần là cảm biến ở đáy đại dương, gần với nguồn phát ra sóng thần", bà nói.

Theo bà, thách thức cuối cùng là tuyên truyền, giáo dục các cộng đồng có nguy cơ cao về nguy cơ sóng thần cùng phương án ứng phó. Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu đào tạo chương trình ứng phó sóng thần cho tất cả các cộng đồng trong khu vực có nguy cơ trước năm 2030.

Một số khu dân cư như làng của Salim đã được cấp giấy chứng nhận sẵn sàng ứng phó sóng thần, "nhưng vẫn còn hàng nghìn ngôi làng chưa có", Karnawati nói.

4598-1735033740-9962-1735034041.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D0jbptez-C__PeGLlr-WUQ

Nhà thờ Hồi giáo giữa biển nước ở thành phố Palu sau trận sóng thần do động đất 7,4 độ ngày 28/9/2018 ở Trung Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Plan International

Làng Lam Awe thử nghiệm còi báo động vào ngày 26 hàng tháng. Trong làng có ba tuyến đường sơ tán dẫn lên núi. Thế nhưng Rahem cho hay chưa từng biết đến thông tin chính quyền địa phương tổ chức diễn tập sơ tán.

Sau trận sóng thần 20024, Rahem lấy vợ, sinh ba con gái. Anh cho hay các con được tuyên truyền kiến thức về sóng thần ở trường. "Kiến thức này rất hữu ích, bởi chúng gần gũi với cuộc sống các cháu", anh nói.

Sóng thần qua đi, vốn làm nghề chài lưới, Rahem không còn cách nào khác là quay về làng sinh sống. "Chúng tôi không có sinh kế nào nếu chuyển lên núi sống để đề phòng sóng thần", anh nói.

Rahem không sợ nhưng thường xuyên nhớ về cha mẹ. "Mỗi lần nhớ đến gia đình, tôi cảm thấy mọi chuyện như vừa xảy ra hai ngày hoặc hai tháng trước, như vừa qua trong chớp mắt", anh nói.

Tại Sumatra, giấc mơ của người cha là sợi dây hy vọng để cả gia đình Siddiq tin rằng một ngày nào đó, cậu sẽ tìm được đường trở về ngôi nhà đã được xây dựng lại trên nền đất cũ.

"Chúng tôi chưa từng từ bỏ nỗ lực tìm kiếm em trai và tôi vẫn thường xuyên đăng ảnh em lên mạng xã hội", Femi Malisa, anh trai của Siddiq, nói. "Nếu em còn sống, tôi chỉ ước rằng em có thể về được nhà".

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022