Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho sửa trang phục Chiếu Cà Mau vào phút chót, trước ngày Ngọc Châu lên đường sang Mỹ thi nhan sắc hôm 26/12. Sau khi nhận ý kiến từ khán giả rằng họa tiết chữ "lộc" ở vạt áo không phù hợp để quảng bá văn hóa Việt Nam, êkíp đã đổi thành hình hoa sen.

ekip-thuc-dem-sua-trang-phuc-chieu-ca-mau-cho-ngoc-chau-1672282427.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=06wttAkFK3WdlFA8gdMRDQ
Êkíp thức đêm sửa trang phục 'Chiếu Cà Mau' cho Ngọc Châu

Cận cảnh chi tiết được sửa đổi trên trang phục "Chiếu Cà Mau". Video: Quốc Việt

Họa tiết sau chỉnh sửa bị nhiều người cho rằng không ăn nhập cảm hứng ban đầu của tác giả. Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát nhận xét hình hoa sen trông lạc quẻ với hoa văn bốn góc của hai vạt tay áo. Việc thay đổi chi tiết vốn quen thuộc trên chiếc chiếu từ xa xưa bị đánh giá làm giảm ý nghĩa trang phục.

Chieu-Ca-Mau-3177-1672283477.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pTq9jx0uGYL0t-7XMWaPfA

Họa tiết ở phần vạt áo của "Chiếu Cà Mau" trước và sau khi chỉnh sửa. Ảnh: Unimedia

Ngoài ra, trang phục còn vấp phải nhận xét cồng kềnh, gây khó khăn cho Ngọc Châu lúc trình diễn. Một số người cho rằng hình ảnh chiếc chiếu không phù hợp để đưa vào váy áo.

Trước các ý kiến, nhà thiết kế Lê Long Dũng, người chấm chọn Chiếu Cà Mau, nói anh thấy trang phục là mang đến sự gần gũi, gợi nhớ hình ảnh người Việt Nam, vùng đất Nam bộ nói riêng, tôn vinh làng nghề thủ công...

Lê Long Dũng cho rằng hình ảnh chiếc chiếu vốn có từ xa xưa, gắn liền đời người từ lúc sinh ra, biết bò, đi, đến khi trưởng thành và mất. Do đó, chiếu không chỉ mang ý nghĩa kết thúc, mà còn là sự mở đầu. Việc tác giả dùng hình ảnh chiếu làm cảm hứng thiết kế không có gì sai.

Về việc thay đổi họa tiết chữ "lộc" thành hoa sen, Lê Long Dũng cho rằng "có thể chấp nhận". Anh nhận thấy ý đồ xuất phát từ chuyện cách tân trong thiết kế, và điều này thường dễ gây tranh cãi, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Lê Long Dũng luôn khuyến khích bạn trẻ sáng tạo dựa trên giá trị văn hóa nguyên bản, miễn không đánh mất bản sắc hay làm biến tướng.

Ban tổ chức Miss Universer Vietnam cho biết từng tham khảo ý kiến một số nhà nghiên cứu lịch sử. Theo các chuyên gia, chữ "lộc" trên trang phục từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa, đi sâu vào đời sống tinh thần lẫn vật chất của người dân. Việc thay đổi họa tiết trên Chiếu Cà Mau là không bắt buộc. Tuy nhiên, êkíp xét thấy thời lượng biểu diễn phần thi của Ngọc Châu trên sân khấu Miss Universe chỉ khoảng 15 giây. Với mong muốn quảng bá văn hóa Việt một cách nguyên bản đến bạn bè quốc tế, êkíp quyết định thay đổi.

Nhà thiết kế Nguyễn Quốc Việt mất gần 24 giờ để chỉnh sửa, bao gồm các công đoạn như tạo hình bông sen, mua nguyên liệu, cắt lazzer, kết đá... Trong đó, khâu xử lý bề mặt hình hoa sen mất nhiều thời gian nhất. Anh tạo đường nét cánh sen bằng vải nhung, sau đó đính 400 viên đá hình học khác nhau. Nguyễn Quốc Việt cho biết so với phiên bản đầu tiên, trang phục đã được chỉnh gọn, giảm trọng lượng, tôn hình thể của Ngọc Châu nhiều hơn.

ngoc-chau-dien-trang-phuc-dan-toc-chieu-ca-mau-1671543168.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m4H3J-jIXpbHQq96GImcmQ
Ngọc Châu diễn trang phục dân tộc 'Chiếu Cà Mau'

Màn ra mắt trang phục dân tộc của Ngọc Châu hôm 20/12 ở TP HCM. Video: Tân Cao

Chiếu Cà Mau từng đoạt giải nhất cuộc thi Trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 hồi tháng 6. Tác phẩm lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa, con người làng nghề dệt chiếu lâu đời ở Cà Mau. Thiết kế được làm hoàn toàn từ lát - loài cây dại mọc - thân thiện với môi trường. Lát sau khi được cắt về sẽ được nghệ nhân phơi khô, nhuộm màu từ vỏ cây, sau đó đan dệt thành những tấm chiếu.

Phần áo may theo phom áo dài, đính kết đá. Phần váy phom dáng kiểu mullet, chiếu được xếp từng lớp giống hình mái nhà. Phần đuôi áo dài gắn dây chỉ ánh kim loại tạo hiệu ứng đánh sáng, đồng thời bốn cạnh tà áo được đính kết tạo ra họa tiết hình học. Nhà thiết kế sử dụng phương pháp in nhiệt tạo ra pattern chiếu, sử dụng kỹ thuật may rã rập bọc viền, dựng 3D tạo đường nếp, tôn hình thể người mặc.

Phần cánh có những xếp nếp tạo khối 3D, được lộng kẽm, dựng như một chiếc quạt đang xòe mang ý nghĩa về sự sung túc, thịnh vượng. Mỗi bó lát gắn kèm được nhuộm nhiều màu. Phần nón làm bằng chất liệu mây đan mịn, đỉnh nón là biểu trưng ngôi sao, đính kết hơn 200 viên đá swarovski.

hau-truong-thuc-hien-trang-phuc-dan-toc-chieu-ca-mau-cho-ngo-1671585074.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PcJu6FwWxqCP1WFNVjmN0w
Hậu trường thực hiện trang phục dân tộc 'Chiếu Cà Mau' cho Ngọc Châu thi Miss Universe 2022

Hậu trường thực hiện trang phục dân tộc "Chiếu Cà Mau" cho Ngọc Châu thi Miss Universe 2022. Video: Uni Media

Ngọc Châu hiện đã có mặt tại Mỹ. Cô sẽ trải qua một tuần tham gia lớp huấn luyện kỹ năng ứng xử, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh cùng chuyên gia trước khi nhập cuộc các hoạt động vào ngày 4/1/2023. Cuộc thi năm nay diễn ra tại New Orleans, Mỹ, chung kết tổ chức ngày 14/1. Đương kim hoa hậu Harnaaz Sandhu, người Ấn Độ, sẽ trao vương miện cho người kế nhiệm.

Nguyễn Thị Ngọc Châu sinh năm 1993, quê Tây Ninh. Cô sinh ra trong gia đình có ba anh chị em, trước cô là chị gái, sau cùng là em trai. Năm 2018, cô thử sức ở cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam và đăng quang, sau đó tiếp tục thi Miss Supranational 2019, vào Top 10 chung cuộc và đoạt danh hiệu Hoa hậu Siêu quốc gia châu Á. Hồi tháng 5, cô đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, giành quyền thi Miss Universe 2022.

Tân Cao

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022