Vấn đề được đưa ra trong tham luận tại hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáng 26/10. Viện đặt mục tiêu từ năm 2021 đến 2030, 100% di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định dự án hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều được đưa lên nền tảng số để người dân thuận tiện tham quan, tìm hiểu. Đồng thời cho phép người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. "Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới", ông nói.

-6014-1666775016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W6cDLFe9vm07pIzTJtz9mg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

Nhiều bảo tàng, khu di tích đã ứng dụng chuyển đổi số vào việc quảng bá, giới thiệu bảo vật quốc gia. Ông Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - cho biết bảo tàng có hệ thống 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia, cung cấp đầy đủ mọi thông tin, hình ảnh. Trong đó, bao gồm các phần: Giới thiệu hiện vật; Hình ảnh (ảnh chụp bảo vật, họa tiết hoa văn trang trí, ảnh bản dập, ảnh di tích liên quan...), Video (trích đoạn giới thiệu về bảo vật), Tương tác 3D (ảnh 3D với độ rõ nét cao, có thể tương tác như đang chiêm ngưỡng bảo vật thật), Nghiên cứu (các bài viết, nghiên cứu, chuyên khảo, nhận định... về bảo vật), Thư mục tài liệu (Danh mục sách/ tài liệu về bảo vật).

"Lần đầu tiên, công chúng có thể tự tìm hiểu, tra cứu, khám phá bảo vật quốc gia ở nhiều góc độ, cấp độ thông tin khác nhau tùy theo nhu cầu và sự quan tâm của mình", ông Hà nói.

* "Ấn sắc mệnh chi bảo", đúc năm Minh Mệnh thứ 8, thời Nguyễn (1827)

Bảo tàng còn có phòng trưng bày ảo 3D với các chủ đề: Việt Nam thời tiền sử, Văn hóa Đông Sơn, Triều Ngô - Đinh- Tiền Lê, Lý - Trần, Văn hóa Óc Eo - Phù Nam. Với công nghệ này, chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, khách tham quan như đang dạo bước, tìm hiểu từng góc trưng bày của bảo tàng. Họ có thể ngắm nhìn đa chiều từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, kèm theo thuyết minh. Ngoài ra, công chúng được nghe chuyên gia, nhà sử học giới thiệu về điểm đặc biệt trong không gian trưng bày, câu chuyện thú vị về hiện vật qua phần Tương tác với nhà sử học.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng giới thiệu 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên, trong đó có các bảo vật quốc gia, qua ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Ông Nguyễn Anh Minh - giám đốc bảo tàng - cho biết ứng dụng giúp công chúng có thể tìm hiểu các thông tin, nguồn gốc ra đời, yếu tố lịch sử, mỹ thuật của các tác phẩm ở bất cứ nơi đâu, khi nào, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Ứng dụng hỗ trợ tám ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Italy.

-3218-1666775017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5tfivYp0EJ9LfHr9c8armQ

Ứng dụng iMuseum VFA của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: iMuseum VFA

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua. Địa bàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê. Trong đó có ba di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh, ba di sản phi vật thể cấp quốc gia, 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số như: app hướng dẫn tham quan Di tích Huế, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR code để đọc thông tin, model 3D và xoay 360 độ giúp tương tác, xem hiện vật. Ngoài ra, trung tâm tiến hành phục dựng hoàng thành bằng công nghệ số, scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural, Open Heritage...

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Thừa Thiên Huế tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh 360 độ trực tuyến trên website.

Thư viện Tổng hợp tỉnh đã scan, số hóa các tài liệu Hán Nôm được sưu tầm như sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, văn cúng đang lưu giữ tại các dòng họ, làng với nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh.

-5061-1666775017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VaY5ZtMS2CDaV8dCF0H1qA

Hình ảnh Lăng Tự Đức được số hóa trên Google Arts and Culture. Ảnh: Google

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo, ký ban hành chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số, cho tương lai hướng tới kinh tế và xã hội số.

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022