Thời hoàng kim, tiền đổ đầy tủ, mua vàng, kim cương cất đầy các lon sữa

Nghệ sĩ Tùng Lâm sinh năm 1934 tại Sài Gòn, là con út trong một gia đình có tới 10 anh chị em. Cha của ông là một trạng sư (gần giống với luật sư ngày nay) có tiếng ở Sài Gòn.

Nhà đông con, gia cảnh khó khăn nên từ nhỏ, ông thường theo bạn bè đi đàn hát khắp nơi để mưu sinh, có lúc phiêu bạt sang tận Phnom-pênh (Campuchia) rồi may mắn được nhạc sĩ Lê Bình dạy cho hát tân nhạc và chơi đàn mandoline.

Nghệ sĩ Tùng Lâm hoạt động nghệ thuật từ rất sớm với nghệ danh Văn Tâm. 14 tuổi, ông đã đạt giải Nhất cuộc thi hát thiếu nhi do đài phát thanh Saigon-Radio (tiền thân của đài Pháp Á) tổ chức. Năm 1952, ông lại đạt giải Nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tổ chức với ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Thập niên 1950, bộ ba Lam Phương – Vân Hùng – Tùng Lâm thường hát chung với nhau trong các buổi phát thanh tại Sài Gòn. Sau đó, nhạc sĩ Lam Phương chuyên tâm vào sáng tác, Vân Hùng trở thành kịch sĩ còn Tùng Lâm tiếp tục đi hát ở các phòng trà, vũ trường và biểu diễn những tiết mục hài.

photo-5-1697358871804407551549.jpg

Nghệ sĩ Tùng Lâm hoạt động văn nghệ từ rất sớm và nổi danh sớm.

Sau khi thành danh với hàng loạt các kịch mục của ban kịch Dân Nam và được khán giả vô cùng yêu thích, nghệ sĩ Tùng Lâm chính thức chuyển sang lĩnh vực hài kịch. Ông được đồng nghiệp, khán giả yêu mến đặt cho biệt hiệu 'quái kiệt' Tùng Lâm.

Khán giả thời đó biết đến ông nhiều hơn nhờ ông đóng các vai hài trong phim như: "Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ", "Năm vua hề về làng", "Tứ quái Sài Gòn", "Như hạt mưa sa", "Con ma nhà họ Hứa"...

Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Tùng Lâm tham gia hầu hết các lĩnh vực từ tân nhạc đến cổ nhạc, từ điện ảnh đến sân khấu kịch nói, từ chính kịch đến hài kịch. Sự đa tài của nghệ sĩ Tùng Lâm còn được thể hiện rõ ở nhiều vai trò bầu show, tác giả, người dẫn chương trình…

Ông vẫn thường tự hào mình là danh hài kiếm tiền được từ nhiều "đầu lương": Quảng cáo, biểu diễn, sáng tác kịch bản, đóng phim, dạy học, viết báo, diễn kịch, hát cải lương, ca nhạc, dẫn chương trình, hoạt náo viên và làm bầu.

Năm 1960, danh hài Tùng Lâm mở "Ban tạp lục" và tiên phong mô hình cho khán giả dự đại tiệc trong đêm diễn. Và thế là, rất nhiều thể loại được đưa vào đêm diễn như: Ca múa, kịch, nhạc, cải lương, độc tấu nhạc cụ, ảo thuật và tiếu lâm hội. "Ban tạp lục" ra đời, nghệ sĩ Tùng Lâm dẫn chương trình khiêm luôn bầu show.

photo-4-16973588700531106000990.jpg

Ông được biết đến là một nghệ sĩ đa tài bậc nhất Sài Gòn thập niên 60-70.

Ông kể: "Tiền thu vào các suất không có giờ để đếm. Cứ đổ đầy tủ rồi cuối tháng mới đếm một lần, gửi vô ngân hàng, phần thì vợ tôi mua vàng, kim cương cất trong các lon sữa. Mà chỗ cất là những chiếc tủ gỗ gọi là gạc-măng-rê – tiếng Pháp là garde manger, hay còn gọi là chạn chén, để không ai để ý.

Vậy mà tiền của cũng đội nón ra đi vì tôi vướng vào cờ bạc, nợ nần chồng chất. Cho nên mới có tâm trạng mà viết bài hát "Xập xám chướng" nhằm khuyên răn những người mê đánh bài hãy tránh xa thú vui nguy hiểm.

Bởi dễ dàng tìm được nên ăn xài phung phí. Đánh bài thâu đêm. Nhà hàng sang trọng, xe hơi mới ra thì đổi, có năm đổi 3 chiếc.

Vậy đó, "Ban tạp lục" tiền rừng, bạc biển, nhưng chính tôi đã xóa sổ nó từ cái máu đỏ đen của mình" (nguồn: Người Lao Động) - nghệ sĩ Tùng Lâm không che giấu quá khứ, và nói mỗi khi nhìn thấy những lon sữa thì ông lại nghĩ đến vàng bạc, kim cương một thời đã giã từ ông mà đi.

photo-3-1697358868605681009823.jpg

Tuy nhiên, vì kiếm tiền quá dễ dàng nên ông cũng phạm nhiều sai lầm để của cải mất hết.

Những năm cuối đời, nương tựa vào vợ kém 20 tuổi

Dù đam mê nghề nhưng tuổi già không cho phép nghệ sĩ Tùng Lâm tiếp tục lăn lộn. Ông đã từng đối mặt với cái chết khi đóng phim năm 2005. Lúc đó, ông bị đột quỵ vì cao huyết áp, may mà cấp cứu kịp.

Một lần khi ông lưu diễn ở Điện Bàn - Quảng Nam, bệnh cũ tái phát, người nhà phải đưa lên vùng biên giới Lao Bảo - Quảng Trị điều trị. Lần thứ hai ông ngã xuống khi đang diễn ở Buôn Ma Thuột, tưởng không qua khỏi. Lần đột quỵ thứ ba là khi ông đang diễn ở Khu du lịch Tân Cảng vào dịp Noel.

Những năm cuối đời, "quái kiệt" Tùng Lâm già yếu, đi lại khó khăn. Ông bị lãng tai và hay lẫn. Ông chỉ có thể đi lại quanh quẩn trong nhà, hiếm khi ra ngoài. Ông may mắn được người vợ kém 20 tuổi chăm sóc, lúc nào cũng bên cạnh.

Sinh hoạt phí của ông hằng ngày không nhiều. Ông không đủ sức đi diễn nên không có thu nhập, phụ thuộc vào tiền con trai gửi mỗi tháng và các đồng nghiệp, học trò gửi tặng. Học trò được ông lăng xê nay đều là những nghệ sĩ gạo cội như: Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Phụng, Trang Kim Yến, Giang Tử, Duy Phương, Phương Hoài Tâm, Phượng Mai,...

"Ai cho tôi cái gì, tôi đều nhớ. Từ con cháu đến học trò, tôi không bao giờ quên...", ông nói trong một lần được nhóm nghệ sĩ Ngũ Long du ký tới nhà thăm.

photo-2-1697358866707929528321.jpg

Nghệ sĩ Tùng Lâm những năm cuối đời.

photo-1-16973588648831458952035.jpg

Và vợ kém hơn 20 tuổi.

Nghệ sĩ hài Tùng Lâm vừa qua đời vào lúc 5 giờ sáng nay, ngày 15/10/2023, thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông khiến nhiều người thương tiếc.

Nói về con người nghệ sĩ hài Tùng Lâm, nghệ sĩ cải lương Kim Tuyến cho hay, bà từng cộng tác với ông trong các chương trình đại nhạc hội thập niên 60. Trong mắt bà, nghệ sĩ Tùng Lâm là một người hiền lành, tốt bụng, thường tạo điều kiện, giúp đỡ đàn em trong nghề nên được nhiều người kính nể.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022