Lâm Thanh Mỹ bén duyên với màn ảnh từ năm 5 tuổi, gây ấn tượng bởi lối diễn xuất mộc mạc với loạt vai diễn nhí trong các tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Siêu trộm”, “Tình đầu thơ ngây”, “Nghề siêu dễ”, “Thất sơn tâm linh”, “Đoạt hồn”, “Bóng đè”…
Sau hơn 1 năm tạm dừng hoạt động nghệ thuật để ưu tiên việc học, năm 2024 Lâm Thanh Mỹ chính thức trở lại màn ảnh với vai Cám trong bộ phim điện ảnh cùng tên. Đây cũng là vai chính điện ảnh đầu tiên của cô ở tuổi 19.
Cám đánh dấu sự trưởng thành trong diễn xuất
PV: Cám là vai chính điện ảnh đầu tiên của Lâm Thanh Mỹ ở tuổi 19. Vai diễn có tạo hình xấu xí. Lớp hóa trang này gây khó dễ gì cho Mỹ?
Lâm Thanh Mỹ: Khi mọi người nói với tôi rằng vai diễn này yêu cầu một lớp hóa trang dày và to trên mặt, tôi cảm thấy lo lắng. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ phải diễn với một lớp hóa trang đặc biệt như vậy trong suốt thời gian quay, chỉ trừ một vài ngày không phải trang điểm.
Vì vậy, tôi rất băn khoăn về việc mình sẽ diễn ra sao với một bên mặt bị che, và liệu da mặt hay mắt mình có vấn đề gì không. Tôi đã hỏi mọi người về độ an toàn của lớp hóa trang này, và ekip đã hứa sẽ cho tôi thử trước. Nếu có vấn đề gì, tôi sẽ báo lại để họ điều chỉnh.
Khi thử nghiệm, tôi cảm thấy lớp hóa trang hơi nặng nhưng không quá khó chịu, dù thời tiết ở Quảng Trị khá nóng. Các chị trong đoàn phim rất chu đáo, luôn che chắn và sử dụng quạt để lớp hóa trang không bị bong ra.
Tuy nhiên, phần khó khăn nhất đối với tôi là mắt. Trước khi hóa trang, tôi phải dán bên mắt trái lại, sau đó mới dán keo và lớp hóa trang lên. Đây thực sự là một thách thức lớn vì tôi chỉ có thể diễn bằng một bên mặt, trong khi mắt bên kia bị che khuất và cảm giác rất cộm. Những cảnh khóc hay phải đảo mắt sẽ khiến tôi cảm thấy khó chịu.
Tôi chỉ còn cách chờ đến khi hết ngày quay để tháo lớp hóa trang ra, nhưng khi vẫn còn dán trên mặt, cảm giác cộm vẫn tồn tại. Dù vậy, tôi nghĩ lớp hóa trang này là một thách thức, nhưng cũng là điều đặc biệt giúp vai diễn của mình trở nên ấn tượng hơn và tạo ra sự thương cảm cho nhân vật trong mắt khán giả.
PV: Vai diễn này có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp diễn xuất của Mỹ?
Lâm Thanh Mỹ: Vai diễn này có ý nghĩa rất lớn trong hành trình nghệ thuật của tôi. Hai năm qua, tôi không có cơ hội nào để trở lại với vai diễn trong phim điện ảnh, vì vậy đây là một cột mốc đặc biệt đánh dấu sự trưởng thành trong diễn xuất của tôi. Trước đây, những vai diễn của tôi thường ít đa dạng, đặc biệt ở độ tuổi nhỏ, nên nhiều vai có phần giống nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy ấn tượng với các vai như Ái trong “Đoạt hồn” hay Linh trong “Siêu trộm.”
Vai diễn này đặc biệt hơn, không chỉ bởi sự thay đổi trong cách làm việc mà còn ở cách tôi nhìn nhận về nghề nghiệp của mình. Tôi ý thức được rằng mình cần tập trung nhiều hơn cho nhân vật để khi lên màn ảnh, khán giả có thể cảm nhận được sự chân thật và thuyết phục.
Vì vậy, tôi coi vai diễn này là một cột mốc quan trọng và là bước tiến tốt cho những vai diễn tiếp theo trong sự nghiệp của mình.
PV: Điều gì khiến Thanh Mỹ cảm thấy thích thú ở nhân vật Cám? Áp lực mà Mỹ phải đối mặt khi hóa thân vào nhân vật này?
Lâm Thanh Mỹ: Điều tôi cảm thấy thích thú nhất ở nhân vật này là phần hóa trang. Ban đầu, hóa trang chỉ ở mức độ nhẹ, nhưng khi Cám trở lại để báo thù, phần thịt trên mặt sẽ dần thu nhỏ lại. Khi Cám giết nhiều người hơn, cô ấy trở nên xinh đẹp hơn, đây là một yếu tố rất hay trong kịch bản.
Bên cạnh đó, tôi cũng thấy nhân vật của mình có chiều sâu và nội tâm phong phú. Lúc đầu, Cám là một cô gái rất đáng thương, không nhận được nhiều tình yêu thương của gia đình, chỉ có Tấm là yêu thương cô. Tôi cần diễn đạt sao cho khán giả cảm nhận được nỗi đau của nhân vật. Sự biến đổi của Cám khi cô trở nên tàn nhẫn là một yếu tố thuyết phục.
Đây cũng là một thử thách lớn đối với tôi khi phải chuyển mình giữa hai khía cạnh khác nhau trong cùng một nhân vật. Tôi cảm thấy hào hứng nhưng cũng lo lắng không biết mình có thể thể hiện tốt không. Khi nhận kịch bản, tôi đã ý thức được độ khó của vai diễn này và có rất nhiều điều mới mẻ cần tìm hiểu, từ cách đi đứng, nói chuyện, đến tông giọng và cử chỉ. Tất cả phải được thể hiện một cách chính xác để lột tả đúng nhân vật.
Mỗi ngày quay đều mang lại cảm giác áp lực, không chỉ riêng tôi mà cả đoàn phim đều gặp nhiều khó khăn với những cảnh nặng về tâm lý và hành động. Quá trình quay phim này thực sự là một thử thách lớn cho tất cả mọi người.
PV: Có những phản ứng trái chiều về việc “Cám” khác cổ tích quá nhiều. Thanh Mỹ có suy nghĩ như thế nào?
Lâm Thanh Mỹ: Tôi nghĩ rằng vì phim của mình là một dị bản, nên không thể tránh khỏi những ý kiến cho rằng câu chuyện đã thay đổi quá nhiều. Có nhiều chi tiết khác biệt so với những gì mọi người đã quen thuộc. Tuy nhiên, đối với tôi, câu chuyện “Tấm Cám” rất gần gũi với người Việt Nam, và nó cũng có nhiều dị bản, đặc biệt là dị bản kinh dị. Bộ phim của mình là một trong những dị bản kinh dị khác.
Tôi cho rằng những thay đổi trong kịch bản là hợp lý. Quá trình mà Cám phải chịu đựng sự hắt hủi và thiếu thốn tình yêu thương là một yếu tố quan trọng, phản ánh sự thay đổi lớn trong nhân vật. Tôi hy vọng khán giả sẽ đón nhận bộ phim với một góc nhìn cởi mở hơn, để có thể thấy được những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo trong kịch bản.
Tự tin đóng phim kinh dị hơn các thể loại khác
PV: Từng được mệnh danh "em bé ma của điện ảnh Việt" với nhiều dự án phim kinh dị, Thanh Mỹ có thấy mình có duyên với thể loại phim này?
Lâm Thanh Mỹ: Thể loại phim kinh dị đúng là chiếm phần lớn trong sự nghiệp của tôi. Không chỉ có "Bóng đè" hay "Đoạt hồn," mà còn có "Thất Sơn tâm linh" và "Scandal 2," trong đó tôi cũng đảm nhận những vai diễn kinh dị. Có vẻ như tôi có duyên với thể loại này.
Có lẽ bắt đầu từ vai Ái trong phim "Đoạt hồn," khán giả đã biết đến tôi qua những thông điệp và cảm xúc đặc biệt. Dù thể loại kinh dị theo tôi trong những năm gần đây, tôi không chủ đích chỉ đóng phim kinh dị. Là một diễn viên, tôi muốn khám phá nhiều màu sắc và thể loại khác nhau.
Bây giờ, ở tuổi 19, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn và hy vọng có nhiều cơ hội để thử sức với các vai diễn mới. Mặc dù vậy, có vẻ như vì đã có nhiều trải nghiệm với phim kinh dị, tôi tự tin hơn một chút so với các thể loại khác.
PV: Với vai diễn trong “Cám”, Thanh Mỹ đã thực sự thoát mác “diễn viên nhí”. Sau khi trưởng thành, Thanh Mỹ muốn hướng đến hình tượng như thế nào?
Lâm Thanh Mỹ: Thật ra, tôi vẫn chưa có một hình mẫu hay hình tượng rõ ràng cho tương lai. Tôi mong muốn, khi không còn là diễn viên nhí nữa, mình sẽ nhận được những vai diễn mới mẻ và đa dạng hơn. Tôi hy vọng khán giả sẽ không còn xem tôi là một diễn viên nhí mà sẵn sàng đánh giá cao những vai diễn nặng ký và khó khăn hơn.
Tôi cũng mong rằng với những sự thay đổi của mình sẽ mang lại ấn tượng mới cho khán giả qua những vai diễn khác biệt.
PV: Thanh Mỹ đóng phim từ khi 5 tuổi và trở thành diễn viên nhí triển vọng. Việc nổi tiếng sớm khiến Mỹ gặp những áp lực gì?
Lâm Thanh Mỹ: Tôi nghĩ rằng từ nhỏ đến giờ, mình không thay đổi quá nhiều, dù có nhiều vai diễn nổi bật. Tôi cảm thấy may mắn vì hành trình này giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều và gặp gỡ những người tài giỏi. Những trải nghiệm này nếu không làm trong ngành này, tôi khó lòng tìm được ở nơi khác.
Khi còn bé, tôi không cảm thấy áp lực khi được nhiều người biết đến. Tôi rất vui khi mọi người nhận ra mình, xin chụp hình hay xin chữ ký. Tuy nhiên, khi lớn hơn, tôi bắt đầu ý thức hơn về những gì mình làm, từ cách nói chuyện đến cách ăn mặc. Mặc dù không phải là áp lực quá lớn, nhưng tôi phải chú ý nhiều hơn đến mọi thứ xung quanh.
Sẽ không bỏ học để theo đuổi nghệ thuật
PV: Được biết gia đình Thanh Mỹ không có ai theo nghệ thuật, vậy bố mẹ đã hỗ trợ Thanh Mỹ như thế nào? Bố mẹ có lo lắng khi con gái theo nghệ thuật không?
Lâm Thanh Mỹ: Gia đình đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong suốt những năm hoạt động nghệ thuật, từ nhỏ đến giờ. Đặc biệt, ba thường là người đồng hành cùng tôi, không chỉ ở Sài Gòn mà cả khi đi quay ở các tỉnh khác. Việc có ba đi cùng khiến tôi cảm thấy yên tâm và thân thuộc hơn.
Ngoài việc đi quay, khi nhận kịch bản hay có dự án mới, gia đình cũng sẽ cùng tôi xem xét và cho ý kiến. Ba mẹ thường hỏi tôi có cần lời khuyên nào không. Vì đã hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm, tôi cũng phần nào biết mình cần làm gì và tránh điều gì. Giờ tôi cũng đã lớn, nên ba mẹ ít khi phải nhắc nhở. Tuy nhiên, từ những trải nghiệm của ba mẹ, họ vẫn luôn dành cho tôi những lời khuyên quý giá để giúp em làm tốt nhất có thể.
PV: Song song với việc theo đuổi nghệ thuật, việc học ở trường của Thanh Mỹ như thế nào? Mỹ có bao giờ suy nghĩ mình sẽ bỏ học để tập trung theo đuổi nghệ thuật không?
Lâm Thanh Mỹ: Hiện tại, tôi đang học năm hai ngành quan hệ công chúng tại trường Đại học Văn Lang. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ học để theo đuổi nghệ thuật. Mặc dù ngành học của tôi không phải là về sân khấu điện ảnh hay diễn viên, nhưng nó liên quan đến truyền thông, vì vậy tôi tin rằng nó sẽ bổ trợ rất nhiều cho công việc của mình. Khi hiểu rõ hơn về ngành nghề, tôi sẽ có đủ kiến thức để đối diện với truyền thông và những thách thức trong hành trình nghệ thuật sắp tới.
Về việc học, tôi cố gắng cân bằng hết sức có thể, mặc dù đôi khi phải đi quay trong thời gian học. Ví dụ như trong vai Cám, tôi vẫn phải sắp xếp lịch học. Tôi rất cảm ơn trường, khoa và các giảng viên, bạn bè đã hỗ trợ tôi trong suốt quá trình quay phim tại Quảng Trị, giúp tôi hoàn thành bài tập cùng các bạn và nhận được sự ủng hộ từ khoa trong hoạt động nghệ thuật của mình.
Các thầy cô cũng khuyến khích tôi tập trung vào việc học và cố gắng cân bằng. Khi có lịch thi quan trọng, tôi thường phải xin phép để tham gia. Thật sự, khi đi quay mà vướng lịch học, tôi cảm thấy áy náy với khoa và các giảng viên, vì cảm giác như mình được ưu ái hơn trong hoạt động nghệ thuật, điều này không nên xảy ra. Các thầy cô luôn muốn tạo điều kiện cho tôi tham gia hoạt động bên ngoài, nhưng việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Vì đã quyết định học, tôi muốn theo đuổi một cách nghiêm túc. Tôi cố gắng hạn chế tham gia những dự án trùng lịch học. Nếu phải tham gia, tôi sẽ sắp xếp sao cho phù hợp, và trong trường hợp có kỳ thi quan trọng, tôi sẽ ưu tiên việc học. tôi cũng cố gắng làm bài nhóm đầy đủ và phối hợp tốt với các thầy cô để không bị mất bài quá nhiều, đồng thời giữ gìn niềm tin với thầy cô, bạn bè và nhà trường.
PV: Xin cảm ơn Lâm Thanh Mỹ!