Bước vào tuổi 87, diễn viên giữ sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn. Bà tự nhận có cuộc sống thảnh thơi, "chẳng ai sướng bằng". Hai con trai đều thành đạt, yêu thương mẹ. Trước đây, bà sống cùng con út. Mấy năm nay, anh chuyển đi vì có thêm con, nhà cửa chật chội. Để yên tâm, họ thuê người giúp việc ở cùng, chăm lo cho bà.
Nhờ thói quen sống lành mạnh, thiền định nhiều năm, bà ăn ngon, ngủ đủ giấc. Hàng ngày, sau khi dùng bữa sáng, bà tụ tập với hội người cao tuổi ở đình làng Trung Tự, Xã Đàn. "Các cụ pha nước chè rất ngon, lại cập nhật đủ thông tin trong, ngoài nước, vui lắm", bà hồ hởi nói. Buổi chiều, nghệ sĩ ở nhà xem tivi, dùng điện thoại. Bà có trang cá nhân trên mạng xã hội, kết nối bạn bè, người hâm mộ.
Nhiều năm nay, con cái không cho bà đóng phim vì muốn mẹ nghỉ ngơi, giữ sức khỏe. Dù vậy, bà vẫn cập nhật thông tin điện ảnh, theo dõi các tác phẩm hay. Mỗi kỳ liên hoan phim, bà đều có mặt, hàn huyên cùng những người bạn một thời. Mỗi năm, nghệ sĩ tích góp tiền để làm hai hoặc ba chuyến từ thiện. Hồi tháng 9, bà đi Lai Châu, giúp đỡ một số người dân vùng cao.
Nghệ sĩ Đức Lưu làm khách mời ra mắt buổi nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo" tại Hà Nội đầu tháng 12. Ảnh: Hà Thu
Sống độc thân 12 năm, bà luôn nhắc đến người chồng quá cố, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hạ Phương, với tình yêu, sự trân trọng. Hai người quen nhau năm 1961, khi ông là giảng viên Đại học Tổng hợp, còn bà vẫn là sinh viên. Những ngày đầu mới hẹn hò, ông thường đạp xe từ Cao Bá Quát đến Lò Đúc thăm bạn gái. Sau đó, hai người dắt xe dạo bộ, hàn huyên đi ngược lại từ Lò Đúc về Cao Bá Quát. Mỗi buổi tối, họ đi lại như vậy hai, ba lần rồi bịn rịn chia tay. Yêu nhau một năm, hai ông bà kết hôn. Chưa mua được nhà, họ sống nhờ nhà người quen vài năm. Sau này, vợ chồng nghệ sĩ về ở khu tập thể trường Đại học Bách Khoa. Đến khi về hưu, ông bà mới mua được một căn nhà ở Xã Đàn.
Bà nói ông "văn minh, vị tha và bản lĩnh". Những lúc bà đi đóng phim, ông cần mẫn đi dạy, chăm lo nhà cửa, con cái. Ông luôn tin tưởng, không bao giờ ghen tuông. Một vài người từng mỉa mai ông vì vợ đóng cảnh nhạy cảm, những lúc đó, ông chỉ lặng lẽ không trả lời.
Khi chồng qua đời, nhiều người ngỏ ý muốn nên duyên với nghệ sĩ Đức Lưu, bầu bạn lúc tuổi già, nhưng bà đều từ chối. "Khi chồng mất, tôi tưởng không đứng dậy được nhưng cuối cùng vẫn vững vàng sống tiếp. Tìm một người đồng cảm với mình tuổi xế chiều khó lắm. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, trong căn nhà lưu giữ nhiều kỷ niệm của hai vợ chồng. Tôi nghĩ như vậy là đủ", nghệ sĩ cho biết.
Nghệ sĩ nói cuộc đời bà nhiều may mắn. Thời trẻ, nhờ ngoại hình ưa nhìn, bà được tuyển vào đoàn văn công của Trung đoàn Công binh 151, đi biểu diễn dọc chiến trường Trường Sơn. Năm 1954, bà theo Trung đoàn về tiếp quản Hà Nội. Khi Trường Điện ảnh Việt Nam thành lập năm 1959, bà được cử đi học khóa một, chung lớp nhiều tài tử, giai nhân nổi tiếng một thời như nghệ sĩ Thế Anh, Trà Giang, Kim Chi. Khi đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi đi tuyển diễn viên đóng phim Cô gái công trường, ông thấy bà lanh lợi, khỏe mạnh nên chọn. Đây là bộ phim truyện thứ hai của điện ảnh cách mạng Việt Nam, sau Chung một dòng sông.
Năm 1982, định mệnh đến với bà khi đạo diễn Phạm Văn Khoa tìm người đóng vai Thị Nở, phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Trước đó, ông cho khoảng 20 người thử vai nhưng chưa ưng ý. Một trưa hè, ông gõ cửa nhà nghệ sĩ Đức Lưu, đưa cho bà kịch bản. Bà đọc say sưa, cảm giác như "cá gặp nước".
Hôm tới đoàn thử phục trang, bà bôi răng đen, mặt nhọ nhem. Gặp bạn diễn, bà thoại "Ăn cháo đi, sao hôm qua liều thế, nếu trúng gió là chết toi đấy" rồi dúi vào người Chí Phèo một cái. Đạo diễn Phạm Văn Khoa, Hải Ninh xem, đứng lên vỗ tay nói: "Thị Nở đây rồi".
Thời ấy, kinh phí eo hẹp, đoàn không có tiền dựng bối cảnh, "ngủ bờ ngủ bụi", đi nhiều tỉnh thành quay phim khoảng nửa năm. Nghệ sĩ Đức Lưu còn nhớ cảnh bụi chuối quay ở chân cầu Hà Đông. Cảnh làng xóm chủ yếu ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam. Thời ấy, quán xá còn ít. Đoàn phim ăn, ngủ nhờ nhà dân.
Bà nhớ các đạo diễn rất nghiêm khắc. Theo quy định, mỗi cảnh được quay tối đa bảy đúp, nhưng họ thường cho quay hai, ba đúp để tiết kiệm phim, hoặc phòng lúc thời tiết không thuận lợi, thiết bị hỏng hóc. Vì thế, các diễn viên phải tập với nhau kỹ rồi mới lên hình.
Với bà, phân đoạn khó nhất của Làng Vũ Đại ngày ấy là cảnh Chí Phèo lật yếm Thị Nở. Lúc ấy, diễn viên Bùi Cường (vai Chí Phèo) mới cưới vợ. Bà xã ông đến phim trường cùng chồng, nên nghệ sĩ "run như cầy sấy". Bắt đầu quay, cả đoàn phim im phăng phắc. Đúng lúc ấy vợ nghệ sĩ buột miệng ho một tiếng, khiến ông giật mình, rụt tay lại. Cảnh Thị Nở, Chí Phèo ăn cháo hành cũng ám ảnh bà nhiều năm: "Trời nóng, chúng tôi quay từ sáng đến trưa. Tôi húp đi húp lại mấy lần, cháo nồng mùi chua".
Trích đoạn Thị Nở bưng cháo hành cho Chí Phèo trong "Làng Vũ Đại ngày ấy". Video: VFS
Ngẫm lại, bà vẫn thấy mình hưởng lộc nhờ vai Thị Nở. Cái "lộc" với bà không phải tiền bạc mà là tình cảm của khán giả. Có thời, bà và diễn viên Bùi Cường kín lịch đi đến các khu công nghiệp, đơn vị bộ đội, trò chuyện về tác phẩm và nhân vật. Họ đi giao lưu nhiều, đều không có cát-xê.
Tiền lương từ Hãng Phim truyện Việt Nam mỗi tháng quy ra tem phiếu, mua được cho gia đình vài cân thịt. Đi làm phim, diễn viên có thêm tiền phụ cấp nhưng "chẳng đáng là bao". "Chúng tôi tính tiền theo thước phim. Chẳng hạn, 30 đồng một mét. Tuy nhiên, có khi quay hàng trăm mét nhưng lúc dựng chỉ cần vài chục mét, vì mọi thứ rất cô đọng", nghệ sĩ cho biết. Bà nhớ khi ông Nguyễn Quang Tuấn - người quay phim Làng Vũ Đại ngày ấy - bị ốm, bà muốn mua cân đường, hộp sữa đến thăm nhưng không đủ tiền, phải vay thêm.
Tạo hình nghệ sĩ Đức Lưu trong "Làng Vũ Đại ngày ấy". Ảnh: VFS
Bù lại, nghệ sĩ được khán giả yêu mến đến nỗi cứ đi chợ là mọi người để thịt, rau vào giỏ, bảo bà ăn đi. Nhiều anh công nhân, bộ đội rưng rưng nước mắt khi gặp bà, bởi thấy bóng dáng của người thân trong nhân vật.
Thành công của vai Thị Nở khiến sự nghiệp bà chững lại bởi "chết vai". Đạo diễn Đặng Nhật Minh "đo ni đóng giày" cho bà một phim khác. Buổi chiếu thử để duyệt dự án, vừa nhìn thấy nghệ sĩ Đức Lưu, thành viên hội đồng cười sảng khoái rồi vỗ tay nói: "Ôi, Thị Nở, Thị Nở kìa". Thế là sau đó, chẳng ai mời bà đóng phim nữa.
Nói về chuyện này, bà dẫn hai câu của nhà thơ Xuân Diệu: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm". "Tôi nghĩ có một vai được khán giả nhớ mãi cũng đã là may mắn. Trời cho tôi như thế đã là quá nhiều", bà nói.
Hà Thu