Nhiều người cho rằng, đời người phụ nữ sẽ an bài khi cưới được một người đàn ông giàu có, quyền lực. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình chẳng ai nói trước được điều gì. Chúng ta nghĩ một cuộc hôn nhân xuất phát từ tình cảm đích thực sẽ bền vững thì chưa hẳn đã chính xác. Tình yêu không hề bất biến. Cách giải quyết khi tình đã cạn mới là điều đáng nói.
13 tuổi vào thanh lâu, 15 tuổi cưới luôn Tổng tư lệnh trẻ
Câu chuyện của Đổng Trúc Quân ly kỳ đến nỗi, đã có hẳn những bộ phim làm lại các thăng trầm mà bà trải qua. Cuộc đời của bà, nói vinh quang có vinh quang nhưng cũng phải kể đến hàng loạt bước ngoặt cực kỳ ngoạn mục.
Đổng Trúc Quân sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thượng Hải (Trung Quốc). Cha làm nghề kéo xe, mẹ là người hầu trong gia đình giàu có. Dù gia cảnh nghèo khó nhưng Trúc Quân lại được bố mẹ yêu thương, chiều chuộng hết mực.
Họ hiểu rằng, muốn thoát khỏi cái nghèo thì chỉ có cách học tập nên khi Trúc Quân 6 tuổi đã dồn hết tiền tích cóp để đưa con đi học gần nhà. Đáp lại, cô con gái này cũng cực kỳ thông minh, học hành luôn vượt trội so với những bạn bè đồng trang lứa.
Đổng Trúc Quân.
Năm Trúc Quân 13 tuổi, cha mắc bệnh nặng. Gia cảnh khi đó lâm vào bước khốn cùng vì tiền ăn cũng chẳng có nữa. Cuối cùng, chẳng còn cách nào khác họ đã phải đưa cô con gái duy nhất vào thanh lâu làm ca kỹ trong vòng 3 năm để đổi về 300 đồng.
Là ca kỹ nhưng cô gái không mấy khi nở nụ cười. Tuy vậy, ở môi trường đó, một cô gái xinh đẹp không cười lại trở thành mỹ nhân bí ẩn khiến hàng loạt chàng trai say đắm.
Trong đó nổi tiếng nhất là Hạ Chi Thì. Họ Hạ mới hơn 24 tuổi đã là phó đô đốc Tứ Xuyên kiêm Tổng tư lệnh quân Thục. Khi đó, không phải Hạ Tư lệnh đến kỹ viện “phong hoa tuyết nguyệt” mà để họp bàn việc đại sự. Để tránh tai mắt, họ chọn một nơi ít ai ngờ tới. Cũng chính ở đây, anh ta gặp gỡ Trúc Quân và trúng “tiếng sét ái tình”.
Hạ Chi Thì.
Trúc Quân có học lại mang khí chất thanh tao ngay trong chốn phong lưu đã khiến Hạ Chi Thì mê mệt. Anh tranh thủ dạy cô kiến thức, đạo lý. Trúc Quân cũng đổ gục trước vẻ ngoài kiêu ngạo, anh hùng của người đàn ông hơn cô 13 tuổi.
Vào một mùa Hè, Hạ Chi Thì cầu hôn Trúc Quân: “Anh thích em, anh muốn đưa em đi khỏi chốn này”.
Tuy nhiên, Trúc Quân không đồng ý: “Em muốn nói rõ với anh điều này, em sẽ tự tìm cách thoát ra, em không muốn sau này chúng ta là vợ chồng, khi không hạnh phúc anh lại nói rằng chính mình đã mua em ra từ chốn thanh lâu. Nếu anh trả tiền chuộc em, ra ngoài không chắc em sẽ cưới anh đâu”.
Hạ Chi Thì bất ngờ trước sự mạnh mẽ và quyết liệt của cô gái nhỏ. Dù xuất thân thanh lâu nhưng cô không nghĩ mình thấp kém hơn vị Tư lệnh quyền lực. Anh không nói đến chuyện này nữa và chờ xem cách thoát ra của cô gái thông minh, xinh đẹp.
Vào một đêm, Trúc Quân trốn khỏi thanh lâu, lao đến gặp người yêu. Khi đi, cô chẳng mang theo vàng bạc hay bất cứ quần áo lụa là nào ở đó cả. Trúc Quân đưa ra ba điều kiện nếu như Hạ Chi Thì muốn cưới cô về làm vợ.
Thứ nhất phải cưới hỏi đàng hoàng, cô sẽ không làm vợ lẽ.
Thứ hai phải đưa cô đi Nhật học tập.
Thứ ba hai vợ chồng phải có một cuộc sống trên nền tảng công bằng, chồng lo việc bên ngoài, chuyện trong nhà của vợ.
Hạ Chi Thì đồng ý hoàn toàn những điều kiện đó. Đám cưới được tổ chức. Năm ấy Trúc Quân mới 15 tuổi.
Hai vợ chồng cùng bức hình hiếm hoi.
Sự “biến chất” của người chồng và cái kết cho cuộc tình mỹ nhân - anh hùng
Sau đám cưới, hai vợ chồng sang Nhật Bản sinh sống. Cuộc sống rất hạnh phúc. Dù xuất thân nghèo khổ, sống trong thanh lâu nhưng Trúc Quân rất thông minh và có cốt cách như con cái gia đình danh giá. Cô học xong chương trình ngành Khoa học tự nhiên ở Nhật và sinh một đứa con gái.
Tuy nhiên, lúc đó cô vẫn không được những đồng chí của chồng tôn trọng. Nhiều người nặng lời xì xào về xuất thân và coi việc cưới được Hạ Tổng tư lệnh là điều quá may mắn với cô.
Khi đó, Trúc Quân đều bỏ ngoài tai và chăm lo học hành, đèn sách. Cô thường học đến nửa đêm rồi tranh thủ chợp mắt, sáng lại làm hết việc nhà tươm tất.
Hạ Chi Thì về nước trước vì công việc. Có lẽ, ảnh hưởng từ nhiều lời nói bên ngoài mà trước khi đi, ông ta để lại một khẩu súng rồi nói rằng nếu cô làm chuyện gì có lỗi với chồng thì cứ rút súng tự sát. Đây có thể coi như là một sự tổn thương lớn đến cùng cực mà Trúc Quân phải chịu.
Tuy nhiên, cuộc sống cùng con ở Nhật không kéo dài được lâu khi Trúc Quân phải chuyển về Thành Đô theo chồng. Khi đó, gia tộc họ Hạ “chẳng phải dạng vừa”, có hàng loạt những sự phức tạp, mưu mô trong đó. Mẹ Hạ Chi Thì cũng nổi tiếng khó tính, ghê gớm.
Trúc Quân nghe phong thanh rằng vợ cũ của chồng không thể sống nổi và bỏ đi. Nhưng cô thì chẳng phải con cừu nhỏ để người ta giết thịt dễ dàng.
Mẹ Hạ Chi Thì chẳng ưa gì cô con dâu này. Bà cho rằng, đây chỉ là công cụ sinh con nối dõi tông đường, làm vợ bé thì được chứ vợ cả thì "chẳng có cửa" và thúc giục con trai cưới vợ khác danh giá.
Khi ấy, Trúc Quân về nước và lo toan chuyện nhà hoàn mỹ đến nỗi mẹ chồng chẳng bắt bẻ được gì. Tuy nhiên, người chồng của cô lại bắt đầu đổ đốn. Ông ta bị cắt chức vào năm 1927 sau khi khiến dân chúng oán than với hàng loạt thuế má, trạm kiểm soát vô lý mọc lên.
Vị Tổng tư lệnh quyền lực ngày nào giờ bị miễn chức chỉ biết bài bạc, hút thuốc uống rượu và chơi thuốc phiện. Đỉnh điểm nhất, ông ta mắng chửi vợ con và nhắc lại chuyện xuất thân hèn kém của vợ mỗi khi say.
Đổng Trúc Quân yêu chồng và cố tìm cách để cứu lấy cuộc đời ông ta nhưng chẳng thành công. Thậm chí, những tư tưởng phong kiến cũng bắt đầu len lỏi chiếm hữu đầu óc vị anh hùng một thời.
Họ có với nhau 4 cô con gái và 1 con trai nhưng chưa một lần họ Hạ chăm lo đến những đứa con gái vì tư tưởng trọng nam khinh nữ. Có lần, con gái đầu bị ốm nặng, tính mạng nguy hiểm. Trúc Quân bỏ hết việc nhà đi chăm sóc con trong vòng 40 ngày đêm miệt mài. Cuối cùng, chồng vẫn trách móc chuyện vì chăm con mà bỏ bê việc nhà.
Đỉnh điểm là khi Hạ Chi Thì biết người dạy piano cho con gái là đàn ông. Ông ta đưa ra những lời nhục mạ, sỉ nhục vợ vì nghi ngờ sự chung thủy. Xích mích nổ ra giữa hai người, họ Hạ cầm dao làm bếp, đuổi giết Trúc Quân. Tuyệt vọng, người phụ nữ này viết đơn ly hôn.
Tuy nhiên, nào có dễ dàng gì để bỏ được Hạ Chi Thì. Ông ta luôn xem Trúc Quân là tài sản riêng vì nghĩ rằng mình cứu cô ra từ hố lửa. Cô không có quyền rời khỏi nhà họ Hạ. Không còn cách nào khác, Trúc Quân bỏ trốn cùng 4 cô con gái đến Thượng Hải.
Hạ Chi Thì tức giận, chạy theo đến Thượng Hải thách thức: “Nếu cô có thể nuôi sống được 4 đứa này thì tôi chiên cá bằng bàn tay cho cô ăn”. Sau đó ông ta đồng ý ly hôn. Cô cầm lấy tờ đơn rời đi, mắt nhìn thẳng, không quay đầu lấy một lần.
Cuộc hôn nhân này đã chấm dứt đầy tiếc nuối như thế nhưng với Trúc Quân, một khi danh dự không còn thì chẳng cố thêm được nữa.
Sự thành lập của cả một đế chế lẫy lừng Thượng Hải
Sống ở Thượng Hải cùng 4 con, Trúc Quân đã phải bán cả vàng bạc trang sức và đồ đắt tiền mang theo để duy trì cuộc sống. Khi từ Nhật Bản về Thành Đô, cô đã mở một công ty xe kéo nhưng khi đến Thượng Hải, công việc kinh doanh không thành công.
Sau đó, cô cũng thành lập một công ty sản xuất ống sợi nhưng chiến tranh nổ ra, nhà máy bị phá hoại. Khó khăn chồng chất, hàng hóa mất sạch, mẹ ruột qua đời, cha thì bệnh nặng. Cuộc sống của Trúc Quân lâm vào tuyệt vọng tột cùng. Cô thậm chí còn phải bán cây đàn violin của một người con gái để lấy tiền làm tang lễ cho mẹ.
Ngay trong lúc hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Lý Sùng Cao - bạn cũ của Hạ Chi Thì, rất hâm mộ Trúc Quân đã đến thăm. Ông cảm phục người phụ nữ can đảm, thông minh, tài hoa nhưng lại không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Cuối cùng, Lý Sùng Cao cho cô mượn một khoản tiền lớn để bắt đầu làm ăn.
Đổng Trúc Quân sau nhiều đêm nghiên cứu thì quyết định mở một nhà hàng món cay đặt tên là Cẩm Giang. Với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm đã giúp cô biến nơi đây thành một chốn thanh lịch, hiếm có. Đồ ăn cũng rất ngon và được sắp xếp rất nghệ thuật.
Bà chủ Trúc Quân.
Đó là một nhà hàng Tứ Xuyên đặc biệt, nội thất trang nhã. Cô đã đứng sau tất cả các khâu khi xây dựng nên cơ ngơi này. Chẳng mấy chốc, nó trở nên cực kỳ nổi tiếng trong giới thượng lưu. Kể cả có tiền cũng không vào được ngay mà phải đặt lịch rồi chờ đợi 3 ngày.
Sau này, Trúc Quân đã phát triển nhà hàng, biến nó thành khách sạn Cẩm Giang nổi tiếng lẫy lừng ở đất Thượng Hải.
Nó là nơi tiếp đón không ít Nguyên thủ Quốc gia, người trong chính phủ và nhân vật nổi tiếng. Vua hề Chaplin cũng từng chờ đợi để được vào dùng bữa trong khách sạn này.
Cẩm Giang vẫn giữ vững được tiếng tăm của mình suốt 50 năm tiếp theo. Hiện tại, nó là khách sạn siêu sang, địa điểm nổi bật bậc nhất ở Thượng Hải. Nhắc đến nhà hàng kiểu sân vườn của khách sạn Cẩm Giang thì có lẽ ít ai không biết.
Từ một cô ca kỹ ở thanh lâu cho đến bà trùm kinh doanh, lúc nào Đổng Trúc Quân cũng giữ được sự thanh tao, thong dong và sự điềm tĩnh, thanh lịch. Bà qua đời năm 97 tuổi bên cạnh con cháu. Bà đã sống gần một thế kỷ, từ đôi tay mình viết nên chuyện huyền thoại kinh doanh.
Nhiều người nói rằng Đổng Trúc Quân may mắn, từ thanh lâu thì được một Tổng tư lệnh yêu thương cứu ra, sau này hết tiền lại được vị quyền lực khác giúp đỡ. Nhưng rõ ràng, sự mạnh mẽ, tài giỏi và quyết tâm của bà là điều không ai phủ nhận được.
Trong hoàn cảnh chẳng có gì trong tay, bà dám ly hôn chồng để đưa các con bỏ trốn, gây dựng sự nghiệp từ đầu. Bà cũng từng yêu nhưng một khi tình cảm đó bị chà đạp thì không ngần ngại vứt bỏ rồi dứt áo ra đi.
Nguồn: Zhihu, Kknews