Chuyện gì đang xảy ra?

"Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống? Nó có giá trị hơn thức ăn không? Đáng giá hơn công lý? Các người quan tâm hơn đến việc bảo vệ một bức tranh hay việc bảo vệ hành tinh và nhân loại?" - đây là chất vấn của 1 trong 2 người biểu tình ném súp cà chua vào bức tranh "Hoa hướng dương" của đại danh họa Van Gogh ở Bảo tàng Quốc gia London hôm 14/10 vừa qua.

Tình hình biểu tình liên quan tới khí hậu năm nay dường như đang "nóng" hơn bao giờ hết nhờ công của hàng loạt vụ tấn công các tác phẩm nghệ thuật lên điểm tin quốc tế. Trong khi những người chứng kiến vụ việc ngay tại hiện trường còn đang "mắt chữ A mồm chữ O" trước các tuyên bố "Đang có một cuộc khủng hoảng khí hậu đây, vậy mà thứ duy nhất các người quan tâm là một bức tranh bị hắt súp cà chua", thì giới biểu tình có vẻ thực sự tin vào mục tiêu của họ.

"Nạn nhân" của các cuộc biểu tình khí hậu năm nay bao gồm một số bức tranh nổi tiếng nhất như "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai" của Vermeer, "Hoa hướng dương" của Van Gogh, hay thậm chí cả "Mona Lisa" của da Vinci.

q1-16680519421971157738962-1668066905162-16680669074941161539906.png

Theo thống kê của chuyên trang nghệ thuật Art Net, tính đến nay, năm 2022 đã chứng kiến ít nhất 14 vụ tấn công liên quan các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Trong số các vụ biểu tình, nhóm Just Stop Oil (tạm dịch: Ngưng dùng dầu đi) là một cái tên nổi bật. Hồi cuối tháng 10, một người đàn ông thuộc nhóm này đã tự dán đầu mình vào bức "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai".

Chưa đầy 24 giờ sau đó, nhóm này đã tiếp tục phun sơn phá hoại một cửa hàng Rolex ở London. Nhưng vụ tấn công nổi tiếng nhất cho đến nay có lẽ là vào 14/10, khi 2 cô gái hắt súp cà chua vào bức "Hoa hướng dương" và tuyên bố: "Khủng hoảng chi phí sinh hoạt là một phần của khủng hoảng dầu, nhiên liệu thì nằm ngoài khả năng chi trả của hàng triệu gia đình đói lạnh. Họ không thể kiếm đủ để hâm nóng một lon súp".

Just Stop Oil không đứng một mình. Hành động của họ được cộng hưởng bởi nhiều nhóm khác khắp châu Âu như Extinction Rebellion (Nổi loạn Tuyệt chủng), Letzte Generation (Thế hệ Cuối cùng), Điều bất ngờ là, nhiều nhóm trong số này nhận được hỗ trợ tài chính từ nữ thừa kế Aileen Getty của công ty dầu mỏ Getty Oil.

gettyimages-1174275340-166798429560360235528-1668066909491-16680669095961863121084.jpg

Tới "Nàng Mona Lisa" cũng từng là "nạn nhân" của phong trào biểu tình này.

Về hình thức, nhiều vụ gây rối bao gồm hành động tự dán keo bản thân vào các tác phẩm nghệ thuật; số khác là hành vi ném thực phẩm. Trong khi Just Stop Oil "ưa chuộng" các bức tranh đồng quê, tác phẩm điêu khắc của Ý lại là đối tượng với một nhóm khác. Điểm chung là, họ đều đang "trút giận" vào các tác phẩm cổ điển nhiều hơn là tác phẩm đương đại.

Tóm lại, tuyên ngôn của các nhà hoạt động theo phương thức này gói gọn trong câu: "Nghệ thuật có giá trị gì trong tương lai nếu người ta còn không có đồ ăn".

Tất nhiên là việc ném súp cà chua cũng chẳng đóng góp gì cho nền công nghiệp thực phẩm ngoài việc bỏ phí một khẩu phần đồ ăn; tự dán mình vào các bức tranh cũng chẳng giúp hồi sinh các loài đã tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Vấn đề là, họ muốn gây chú ý để thúc đẩy sự kháng cự với "status quo" (hiện trạng) lúc này.

Tại sao cứ phải là tác phẩm nghệ thuật?

Sơn dầu chẳng liên quan gì đến dầu mỏ hay biến đổi khí hậu. Lý do dễ nhìn nhất là việc tấn công các tác phẩm cực kỳ nổi tiếng sẽ giúp lôi kéo sự chú ý như một thỏi nam châm. Dù phản ứng của công chúng, nhất là giới yêu nghệ thuật chắc chắn không tích cực, về khía cạnh này họ đã đạt được "thành công" nhất định.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là các cuộc tấn công này không đến từ cá nhân bộc phát, đơn lẻ mà là từ các tổ chức và chắc chắn đã có những kế hoạch được dựng ra và thảo luận nhất định.

Trong khi những tác phẩm kiệt xuất, trường tồn cùng thời gian luôn thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ nghệ thuật cũng như cả giới ngoại đạo, thật khó để đổ lỗi cho truyền thông về việc đưa tin những vụ tấn công nhằm vào chúng. Suy cho cùng, chẳng ai muốn đặt chân đến bảo tàng để rồi bất ngờ nhận được tin, tác phẩm họ mong chờ nhất lại đang được tu sửa, hoặc bỗng dưng các bảo tàng vì lý do gì đó phải tăng cường biện pháp an ninh gây thêm phiền hà.

q3-1668051579334592804271-1668066910940-16680669110471523415330.jpg

Đi sâu hơn vào lý do của các tổ chức mang danh đấu tranh cho khí hậu, may mắn là chúng ta có lời của "người trong cuộc". Chuyên mục Văn hóa của trang Euronews có cơ hội trò chuyện với một nhà hoạt động - Alex De Koning, hiện là phát ngôn viên của Just Stop Oil.

Theo Alex, tổ chức đã lấy cảm hứng từ các phong trào đòi bình đẳng cho phụ nữ, người Mỹ gốc Phi và quyền cho người đồng tính để tiến hành "phản kháng ồ ạt" với chiến thuật tương tự. Anh lấy ví dụ nhóm Suffragette đầu thế kỷ 20 đấu tranh đòi quyền cho phụ nữ bằng những hình thức "bạo lực" hơn nhiều đối với các bức tranh, trong khi họ chỉ "ném súp vào kính nhưng vẫn truyền tải được thông điệp và khiến mọi người phải chất vấn vùng an toàn của họ". 

  • avatar1667890240010-1667890240681507845537-0-0-899-1438-crop-16678904793611136168850.jpg

    Từ ném cà chua đến dán keo vào tác phẩm nghệ thuật: Làm sao để không bảo vệ môi trường một cách cực đoan?

Tóm lại, Just Stop Oil dường như chấp nhận việc bị chỉ trích bởi cộng đồng yêu nghệ thuật và cả những câu hỏi về tính liên quan của các tác phẩm tới hiện trạng khí hậu. Bản thân các tác phẩm không có tội tình gì, chúng chỉ là "nạn nhân bất đắc dĩ" để họ đạt được mục đích. Một điều bất ngờ là, theo Alex, họ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn người ta nghĩ: "Mọi người có thể bất đồng về phương pháp, nhưng sẽ đồng ý với thông điệp".

Nhưng chẳng lẽ theo tuyên ngôn của các thành viên, văn hóa, nghệ thuật không còn ý nghĩa gì nếu đặt trước khủng hoảng khí hậu và sinh kế của con người?

"Vẫn có chỗ đứng cho văn hóa. Nghệ thuật có rất nhiều quyền lực, và tất cả các nghệ sĩ vĩ đại trong quá khứ đều có tư duy cấp tiến, tiên phong. Tuy nhiên điều đó lại chưa được nhìn nhận trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Vẫn có những người giận dữ hơn về hành động ném súp vào bức tranh có kính bảo vệ của Van Gogh hơn việc 33 triệu người ở Pakistan đang phải rời nhà cửa vì lũ lụt... Thật đáng buồn, nhưng đang có nhiều người giận dữ hơn về vụ ném súp vào kính".

callum-shaw-7se389kuvgw-unsplash-scaled-16679849358951483341274-1668066912497-1668066912602247095086.jpg

Biểu tình ôn hòa là chưa đủ?

Alex cũng cho biết, họ là một tổ chức phi bạo lực và chỉ tấn công các tác phẩm nghệ thuật để "tạo xáo trộn" cho tới khi đạt được những hứa hẹn thay đổi về việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, dù De Koning không đề cập, có lý do sâu xa cho việc các bức tranh của Monet và Van Gogh bị tấn công: một bức bị ném khoai tây nghiền, bức kia bị hắt súp cà chua.

Lý do tinh tế và gây tiếng vang ở chỗ cả hai tác phẩm đều được thực hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ 19 - thời đại mà các cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước phát triển đã tạo ra tầng lớp trung lưu, và cùng với sự phát triển của cải cùng những ống khói nhà máy là nhận thức dần manh nha về tác động của chúng với môi trường sống. Những bức tranh mang bối cảnh đồng quê của các họa sĩ trường phái ấn tượng phản ánh góc nhìn chủ quan của giới trung lưu về giai đoạn này một cách xuất sắc.

Hiệu quả tới đâu?

Theo Max Boykoff, giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Colorado Boulder và giám sát các phương tiện truyền thông đưa tin về biến đổi khí hậu, những pha tấn công tác phẩm nghệ thuật thực ra gây phản ứng dư luận lớn hơn nhiều so với các hình thức biểu tình truyền thống khác như diễu hành hay biểu tình ngồi, một phần chính bởi liên quan đến nghệ thuật.

Việc căn thời gian các vụ tấn công dày đặc gần đây cũng là hành động có tính toán khi từ 6-18/11 này sẽ diễn ra Hội thảo về Biến đổi khí hậu năm 2022 của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, "phản ứng dư luận" mà Boykoff nhắc tới trong trường hợp này có khi lại gây hại cho những nhà hoạt động hơn là lôi kéo tình cảm của công chúng. Điều này được xác nhận bởi chuyên gia truyền thông về khoa học khí hậu kỳ cựu Susan Joy Hassol trong chương trình với đài NPR.

q4-1668051600536882616454-1668066913844-166806691395438279297.jpg

Theo bà, công chúng đa phần sẽ có cảm giác tiêu cực và thấy khó chịu với các hành động phá hoại, dẫn đến chúng không phải cách hợp lý dể thu phục nhân tâm. Hơn nữa, mặc dù rất ấn tượng với cách người trẻ có khả năng bày tỏ quan điểm dưới sự chú ý của truyền thông nhưng "họ đang nhắm bắn nhầm mục tiêu".

Với Susan, đối tượng mà họ cần tương tác một cách thẳng thắn và minh bạch là các công ty nhiên liệu hóa thạch, các ngân hàng cấp vốn, những nhà hoạch định chính sách... chứ không phải những bức tranh vô tri và hiệu quả truyền thông/dư luận tức thời.

Đồng tình với các chuyên gia, giới nghệ thuật nói riêng cảm thấy hành động của các nhóm biểu tình là "phản tác dụng". Vài bảo tàng lớn tại Pháp và Anh như Louvre hay Bảo tàng Quốc gia London đều khá kín tiếng về các vụ tấn công, một số khác đang cực lực kêu gọi các biện pháp mạnh hơn chống lại hành vi phá hoại.

"Nghệ thuật không có khả năng tự vệ và chúng tôi mạnh mẽ lên án các nỗ lực phá hoại chúng vì bất cứ lý do gì", bảo tàng Mauritshuis ở Den Haag - Hà Lan nói trong một tuyên bố. Mauritshuis là nơi trưng bày bức "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai".

Adam Weinberg, giám tuyển nghệ thuật và lãnh đạo Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney ở New York đã chất vấn cách tiếp cận của các nhóm biểu tình. Câu hỏi của ông mang tính cốt lõi mà những người như Alex De Koning cần tập trung trả lời: "Người ta tự đặt mình lên sân khấu để lôi kéo sự chú ý vào việc gì đó, nhưng bạn phải tự hỏi, điều này có thay đổi bất cứ cái gì không?".

72s6ykffc8u91-16679839751661522757137-1668066915237-1668066915333994415033.png

Giới nghệ thuật hẳn không ưa việc Van Gogh bị "ép ăn súp cà chua" đâu.

Thật vậy, chưa có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của những nhóm như Just Stop Oil có tác động tích cực nào đối với khí hậu.

Tương tự, Tristram Hunt, đại diện Bảo tàng Victoria và Albert ở London đã lên tiếng lo ngại về "sự truyền đạt hư vô quanh cuộc biểu tình rằng không có chỗ đứng cho nghệ thuật vào thời điểm khủng hoảng".

Trong bài phỏng vấn với Euronews, Alex De Koning cũng không đề cập thẳng tới lý do nào thuyết phục hơn ngoài việc lôi kéo sự chú ý.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rima Abdul Malak đã kêu gọi "tất cả các bảo tàng quốc gia tăng gấp đôi cảnh giác" và phát biểu: "Làm thế nào mà... bảo vệ khí hậu lại dẫn tới mong muốn phá hủy một tác phẩm nghệ thuật? Thật hoàn toàn ngớ ngẩn".

Lời của bà được minh họa hồi tháng 5, khi bức "Mona Lisa huyền thoại" của da Vinci bị ném bánh trứng khi trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris. May mắn là bức tranh không sao nhờ có lớp kính chống đạn dày.

Người tấn công cho biết anh ta "nhắm vào các nghệ sĩ không tập trung đủ vào hành tinh" - một đòi hỏi gây khó hiểu với danh họa người Ý sống cách đây hơn nửa thiên niên kỷ.

Với Didier Rykner, nhà sáng lập của một tạp chí online của Pháp về nghệ thuật, những hành động biểu tình này hoàn toàn "phản tác dụng" và "càng được hiển thị nhiều thì họ sẽ càng có khả năng tái phạm", tuy nhiên, càng trở nên phổ biến, những hành động gây sốc lôi kéo sự chú ý này sẽ càng mất đi trọng lượng của chúng.

Có bênh vực nổi không?

Trong khi ý kiến của đa số giới nghệ thuật là phản đối, có lẽ vẫn cần một góc nhìn thực sự khách quan về cả logic và thực tiễn cho dạng biểu tình này để xem chúng thực sự có cần thiết với một xã hội đang ngày càng quan tâm tới các vấn đề toàn cầu không.

Một mặt, chúng ta cần nhận ra rằng hành vi phản cảm của các nhà hoạt động là hoàn toàn có chủ đích. Họ cố tình "chọc giận" công chúng để cố gắng mô phỏng cảm giác giận dữ của họ lên người khác. Với lý do này, tờ Atlantic ví von, phải chăng phong trào hoạt động vì khí hậu đang tới thời "gây sốc và ở bên kia sườn dốc" khi tuyệt vọng tìm kiếm phương pháp gây chú ý?

Nhưng hãy tạm gác cái logic có hơi hướng chống xã hội đó sang một bên. Hãy thử lập luận theo hướng bênh vực các hành động phá hoại này xem sao. Theo Alex De Koning, họ có hình thức đấu ttranh dù cấp tiến nhưng hòa bình, tức là chủ đích chọn các bức tranh có kính bảo vệ để tấn công nhằm đạt được sự chú ý.

16679858204541922758519-1668066916587-16680669166841519674915.jpg

Phoebe Plummer - 1 trong 2 người hắt súp cà chua vào bức tranh của Van Gogh - vào lúc bị bắt đi.

James Ozden, một nhà nghiên cứu chuyên về các thay đổi xã hội ở London là một trong những người ủng hộ nổi bật nhất của hình thức biểu tình này. Trong một bài đăng phổ biến trên mạng xã hội, ông lập luận rằng bằng chứng thực nghiệm ủng hộ phương pháp này hay ít nhất cũng không gợi ý rằng nó có hại cho phong trào chung vì khí hậu.

Ông gọi Just Stop Oil là hình ảnh thu nhỏ của "hiệu ứng cánh cấp tiến" mà tại đó, theo một số nghiên cứu được ông trích dẫn, hành động của các nhóm cực đoan đôi khi hữu ích cho phong trào của những tổ chức ôn hòa hơn. Tức là bằng cách nào đó, hành động của Just Stop Oil chẳng hạn có thể tạo tác động tích cực lên các sự kiện lớn mà họ căn thời gian như Hội thảo về Biến đổi khí hậu năm 2022 của Liên Hợp Quốc hay những cuộc tuần hành ôn hòa.

Tuy nhiên lập luận của Ozden có lỗ hổng lớn ở chỗ trong các thí nghiệm ông dẫn ra để ủng hộ luận điểm của mình, các nhóm biểu tình cực đoan đều nhắm thẳng vào đối tượng thực sự cần hướng đến trong cuộc thảo luận. Cụ thể, những người đấu tranh vì quyền động vật nhắm vào các nhà sản xuất thịt, không phải tác phẩm nghệ thuật; nhóm người da màu đấu tranh chống phân biệt chủng tộc phản kháng lại cảnh sát, và lại không phải tác phẩm nghệ thuật.

Bản thân Ozden còn phải thừa nhận rằng ném khoai tây nghiền vào tranh vẽ bị thiếu “logic hành động” - tính nhất quán giữa chiến thuật và mục tiêu giúp công chúng hiểu được bản chất của cuộc đấu tranh.

Và đây là chỗ mà dạng biểu tình này thực sự cần bị lên án: thay vì bổ trợ cho các hoạt động ôn hòa khác, nó gây khó chịu cho những người đáng lẽ ra sẽ có cảm tình với phong trào nói chung.

Hơn nữa, đúng là các bức tranh bị tấn công được bảo vệ bởi kính, nhưng lớp kính đó không được thiết kế để chống chất lỏng rò rỉ hay thức ăn, mà để bảo vệ khỏi tia cực tím, bụi hoặc tấn công vật lý. Ngoài ra, các “vũ khí” này đều là những loại khó có thể ngờ đối với nhân viên an ninh; chẳng lẽ phải cấm người ta mang cả đồ ăn vào bảo tàng?

Rồi chưa tính đến chi phí đội thêm hàng trăm nghìn đô la để các bảo tàng nâng cao biện pháp bảo vệ tác phẩm nghệ thuật, liệu số tiền đó có đáng không, trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt mà Just Stop Oil nhắc đến?

q4-16680519129691760710675-1668066917995-16680669182921473005155.png

Một lầm tưởng nữa mà những người ủng hộ loại hình tấn công này có thể mắc phải là “nghệ thuật dành cho người giàu”. Trái lại thì đúng hơn, giới siêu giàu giữ riêng các tác phẩm hàng triệu đô của họ trong nhà và các két được bảo vệ nghiêm ngặt, còn các bảo tàng đôi khi phải gồng gánh đủ thứ chi phí trong khi nỗ lực hoạt động vì cộng đồng.

Đấu tranh vì khí hậu cũng được thôi, nhưng ai sẽ đấu tranh vì giờ làm thêm, sự mệt mỏi và ức chế của những nhân viên bảo tàng tận tụy, hay sự bức xúc và nỗi lo của các du khách yêu nghệ thuật dành cả núi tiền đi thăm tác phẩm trong mơ của mình?

Và từ đâu mà người ta có quyền nhân danh bảo vệ cây cối, động vật, khí hậu cho thế hệ sau (chưa rõ hiệu quả) để xúc phạm các tác phẩm của nhân loại đáng ra cũng phải được trưng bày cho tương lai?

Cuối cùng, cây viết Robinson Meyer của tờ The Atlantic nêu ra một lý do ít ai ngờ nữa để phản đối phong trào “ngớ ngẩn” này là, trông chúng thật sự... ngớ ngẩn. Những hình ảnh đấu tranh lén lút, ném đồ ăn, tự dính bản thân vào tường, phun keo siêu dính từ một cái lọ bé xíu vào tay, hay bị la ó bởi đám đông yêu nghệ thuật, trông thật xấu xí và thiếu thẩm mỹ.

Thử so chúng với những hình ảnh diễu hành đầy tự hào và ôn hòa truyền thống, hay những biển hiệu của đám đông nêu rõ họ muốn gì, ít ra các hình thức đó còn có thẩm mỹ và khiến công chúng dễ chịu khi nhìn vào và tiếp nhận ý kiến.

Nguồn: Tổng hợp

banner-1667994652854673154093.jpg

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022