Vừa qua, em Nguyễn Hoàng Nguyên, học sinh lớp 12 chuyên Anh trường THPT chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) vinh dự đạt được học bổng 88%, trị giá 42.000 USD/2 năm học (tương đương gần 1 tỷ đồng) cho chương trình IB tại Israel. Được biết, chương trình IB (Tú tài quốc tế) là chương trình giáo dục phi lợi nhuận với mục tiêu xây dựng nội dung giảng dạy chung và hệ thống tín chỉ được các trường đại học, cao đẳng ở nhiều quốc gia công nhận và đánh giá cao, đặc biệt là ở Mỹ.
Ngoài ra, Hoàng Nguyên còn là một trong 5 học sinh đại diện Việt Nam tham gia đấu trường quốc tế tại cuộc thi Olympic Kinh tế học quốc tế. Em đã vinh dự đạt Huy chương Đồng tại kỳ thi, mang vinh quang về cho nước nhà.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cuộc thi không được tổ chức tại Trung Quốc như dự kiến mà chuyển sang hình thức online. Được biết, cuộc thi gồm 3 phần: Phần kiến thức kinh tế, phần giải những tình huống doanh nghiệp đặt ra, phần game tài chính giả lập cuộc sống của một người.
Trước đó, nam sinh từng giành Giải Nhì cuộc thi Olympic Kinh tế học Việt Nam. Suốt thời đi học, nam sinh đã đạt được loạt thành tích nổi bật như sau:
Học bổng 42.000 USD tại trường quốc tế GHIS (Israel).
Thủ Khoa Olympic học thuật tỉnh 2021.
Huy chương Bạc Olympic truyền thống 30/4 môn Tiếng Anh năm 2021.
Huy chương Bạc Olympic truyền thống 30/4 môn Tiếng Anh Online năm 2022.
Huy chương Bạc Olympic Tiếng Anh qua mạng quốc gia 2020.
Á quân cuộc thi Toán Pangea Math World Olympiad năm 2022.
Top 0.8% thế giới cuộc thi Young Tycoons Business Challenge năm 2022.
Giải Nhì cuộc thi Olympic Kinh tế học Việt Nam.
Huy chương Đồng cuộc thi Olympic Kinh tế học quốc tế.
Chân dung nam sinh Nguyễn Hoàng Nguyên.
NIỀM ĐAM MÊ VỚI MÔN KINH TẾ VÀ BÍ QUYẾT CHỌN TRƯỜNG KHI ĐI DU HỌC
Hoàng Nguyên chính thức đạt học bổng giá trị "khủng" tại trường quốc tế GHIS (Israel) nhưng em vẫn băn khoăn không biết nên ghi danh đi học hay không. Nếu quyết định học chương trình IB, cơ hội vào trường Đại học top đầu thế giới rộng mở hơn. Đặc biệt, em sẽ được học tập tại môi trường giáo dục hiện đại, tiên tiến với phương pháp cực kỳ khoa học. Cơ hội mở ra nhưng nam sinh phải đánh đổi lại thời gian 2 năm học tập bên nước ngoài, sau đó mới có thể nộp hồ sơ học Đại học.
Ngoài con đường đó, Hoàng Nguyên đưa ra cho mình một phương án khác là tham gia các bài thi chuẩn hoá như SAT, IELTS để "apply" (ứng tuyển) đi du học tại một số nước thuộc Mỹ và châu Âu. Chuyên ngành mà nam sinh dự định theo đuổi là Kinh tế học - bộ môn đã giúp Nguyên đạt huy chương cấp quốc gia và quốc tế.
Hoàng Nguyên hào hứng chia sẻ: "Kinh tế học là lĩnh vực em cảm thấy hứng thú và dành nhiều thời gian nghiên cứu. Em rất thích đọc tin tức kinh tế Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, em còn thường xuyên xem kiến thức hữu ích trên kênh youtube. Tuy nhiên, thời điểm trước chỉ dừng lại ở sở thích. Thời gian sau này, em mới bắt đầu học tập nghiêm túc.
Việc dành giải Nhì cuộc thi Olympic Kinh tế học cấp quốc gia trước đó chính là động lực giúp em đặt ra những mục tiêu lớn lao và nỗ lực thực hiện. Em cảm thấy bản thân đã thay đổi lớn về mặt nhận thức".
Hoàng Nguyên chia sẻ thêm, thời gian vừa qua, trước thông tin chứng khoán – một nhánh kiến thức nhỏ của Kinh tế học được đưa vào chương trình giảng dạy THPT khiến em cảm thấy khá thú vị. Kinh tế học là bộ môn được giảng dạy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, do điều kiện chưa cho phép cùng với việc vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nên vẫn chưa được đón nhận.
"Kinh tế học không phải là học những điều khô khan về dữ liệu, lạm phát mà là công việc tìm hiểu những kiến thức nhằm giúp chúng ta đưa ra quyết định có lợi trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất là giúp tư duy thay đổi theo chiều hướng tích cực. Em nghĩ thay vì từ chối, chúng ta nên cởi mở hơn để có cơ hội tiếp xúc với nguồn tri thức mới. Quan trọng nhất không phải là học gì mà là làm gì từ những kiến thức đã học", nam sinh Đắk Nông nhấn mạnh.
Hoàng Nguyên học online cùng 4 học sinh trong đội tuyển thi Olympic Kinh tế học quốc tế.
Trong quá trình học tập, Hoàng Nguyên được bố mẹ tạo điều kiện hết mực để theo đuổi đam mê. Bố mẹ cũng hướng em hình thành sự độc lập, tự chủ trong học tập cũng như trong công việc. Hoàng Nguyên dành thời gian tự học là chính, từ năm lớp 6 đến lớp 9, em không đi học thêm. Em cho rằng, tự học là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của mỗi người.
"Lấy ví dụ đơn giản về môn Kinh tế, ở khu vực em sinh sống, môn học này chưa được đưa vào chương trình giáo dục. Nhìn xa hơn, tại Việt Nam, gần như không có trường THPT nào dạy môn Kinh tế, trừ những trường quốc tế. Vì vậy, để nắm được thông tin và kiến thức, em phải tự mày mò, tìm hiểu. Tuy nhiên, tự học không có nghĩa là phủ nhận vai trò của thầy cô", nam sinh chia sẻ.
Hoàng Nguyên còn đặt mục tiêu đạt điểm thi bài chuẩn hoá cao để mở ra cơ hội lựa chọn du học tại các trường Đại học top đầu thế giới. "SAT, IELTS cao chưa chắc đã đi du học được. Nhưng đi du học được thì chắc chắn SAT và IELTS phải cao. Đây là điều kiện tiên quyết mà em phải nỗ lực đạt được", Hoàng Nguyên nhấn mạnh.
Hoàng Nguyên nuôi dưỡng ước mơ sang nước ngoài học tập từ năm lớp 9. Em cho rằng cuộc đời mỗi người chỉ sống một lần, vậy tại sao ta không làm những điều tuyệt vời, giàu ý nghĩa. "Cuộc đời được tính bằng trải nghiệm. Vì vậy, em sẽ cố gắng trải nghiệm nhiều nhất có thể khi bản thân đang ở độ tuổi căng tràn nữa sống".
Dưới đây là những tiêu chí chọn trường khi đi du học của Nguyễn Hoàng Nguyên:
1. Nguồn vốn trường: Trường có nguồn vốn càng lớn càng trao nhiều học bổng cho sinh viên. Nếu đỗ trường top đầu nhưng không đủ tài chính để học tập rất lãng phí. Thay vì thế, nam sinh chọn có suất học bổng giá trị cao nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với tài năng và tài chính. Lựa chọn học bổng giá trị cao nhất cũng giúp bố mẹ đỡ gánh nặng kinh tế. Nam sinh luôn tự nhủ phải cố gắng gấp 2, gấp 3 người khác vì điều kiện tài chính gia đình em không tốt.
2. Môi trường học tập: Để đánh giá mức độ phù hợp của môi trường, Hoàng Nguyên sẽ "show" (thể hiện) các thông tin qua bài luận một cách trung thực. Từ những điều viết ra, trường sẽ đánh giá và gửi mail thông báo nhập học nếu cảm thấy phù hợp.
3. Tham khảo ý kiến tiền bối: Hoàng Nguyên chủ động liên lạc với anh chị sinh viên đang học tại các ngôi trường dự định nộp hồ sơ để lắng nghe những chia sẻ từ họ. Người đi trước sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích nhất từ trải nghiệm của họ. Đây là mẹo nam sinh từng áp dụng khi xin học bổng tại chương trình IB – Israel.
ĐỪNG HỎI GIÁO DỤC LÀ GÌ, HÃY HỎI ĐIỀU GÌ KHÔNG PHẢI LÀ GIÁO DỤC?
Không chỉ học tập tốt, Hoàng Nguyên còn tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá. Hiện em đang là chủ nhiệm CLB Tranh biện của trường và là người đồng sáng lập giải Tranh biện mở rộng tại Tây Nguyên. Về lĩnh vực Kinh tế học, em là Trưởng ban chuyên môn ở GloEcom với nhiệm vụ chuyên xây dựng các bài viết kiến thức kinh tế cho học sinh. Ngoài ra, nam sinh cùng một nhóm bạn xây dựng một nền tảng học tập kinh tế và kinh doanh trực tuyến cho học sinh (Eonomia).
Đặc biệt, Hoàng Nguyên chú trọng tham gia các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nam sinh là người đồng sáng lập và là metor (người cố vấn) của dự án Nguyễn Du Wannbe – Cộng đồng hỗ trợ học sinh cấp 2 trong kỳ thi chuyển cấp vào trường chuyên. Nam sinh cũng đang tham gia xây dựng giáo án lớp học cho tổ chức NGO quốc tế (Teacher for Asia). Em còn là một thành viên tích cực tại group Tiệm tạp hoá kỹ năng du học – nơi chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho du học sinh và học sinh có dự định sang nước ngoài học tập.
Hoàng Nguyên là học sinh dành nhiều tâm huyết về lĩnh vực giáo dục.
Hoàng Nguyên chia sẻ: "Về giáo dục, em đặc biệt yêu thích câu nói: "Đừng hỏi giáo dục là gì, hãy hỏi điều gì không phải là giáo dục?". Đây là câu nói nổi tiếng của thầy Đoàn Nguyên Đức. Giáo dục mang tầm vóc vĩ đại đối với đời sống và thiện nguyện giáo dục là một việc làm cực kỳ đặc biệt".
Nghĩa của cụm từ "giáo dục" rất rộng. Giáo dục không đơn thuần là dạy một người biết tính toán, biết viết văn bởi điều đó là chưa đủ. Ngày nay, hầu hết các khu vực đều được phổ cập giáo dục, không còn tình trạng mù chữ nữa. Vì vậy, em nghĩ "giáo dục" ở đây mang hàm nghĩa rộng hơn rất nhiều. Em may mắn được học tại một ngôi trường cấp 3 chuyên, em muốn mang những điều đã học để truyền tải với mọi người xung quanh, đặc biệt là những bạn không có cơ hội học tập, điều kiện sống còn khó khăn".
Hoàng Nguyên sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tây Nguyên trải dài và nắng. Điều kiện sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Môi trường học tập của học sinh chưa đủ đầy. Chứng kiến nhiều em học sinh phải vượt quãng đường hơn 50km để ra thành phố ôn thi vào trường chuyên là động lực giúp Hoàng Nguyên lập ra dự án Nguyễn Du Wannbe. Dù mới thành lập trong 3 tháng ngắn ngủi nhưng cộng đồng đã có hơn 1000 thành viên.
Mỗi mùa thi, nam sinh sẽ chọn từ 10 – 20 bạn có tiềm năng nhưng điều kiện chưa tốt để hỗ trợ tối đa qua các buổi học online. Trong kỳ thi vào lớp 10 chuyên vừa qua, CLB của nam sinh đạt hiệu quả cao khi xuất hiện 1 thủ khoa môn Hóa học, một á khoa môn Địa lý. Tỷ lệ đỗ vào trường chuyên trong CLB lên đến 90%. Thời gian tới, nam sinh muốn mở rộng quy mô ra 5 tỉnh Tây Nguyên.
Nam sinh cùng những người bạn trong dự án hỗ trợ học sinh lớp 9 thi vào trường chuyên.
"Xây dựng cộng đồng không phải là điều dễ dàng. Trên facebook có vô số cộng đồng lập ra nhưng phải "welcoming" mới được đánh giá là thành công. Thông thường, người tham gia cộng đồng ngại chia sẻ bởi họ sợ bị đánh giá, phán xét. Vì thế, em muốn tạo một nơi kết nối các anh chị đi trước với các bạn học sinh để các bạn cảm thấy mình được thấu hiểu. Sau một thời gian hoạt động, rất may mắn các hoạt động đều thu được kết quả tốt. Điều hành CLB thành công là một điểm sáng cho việc "săn" học bổng của em sau này", nam sinh cho biết.
Thoáng nhìn qua, Hoàng Nguyên chuẩn mẫu "con nhà người ta", được phụ huynh quý mến. Tuy vậy, cậu bạn cũng từng gặp thất bại khiến bản thân rơi vào khủng hoảng. Hoàng Nguyên từng không đỗ vào đội tuyển chính thức đi thi HSG quốc gia môn Tiếng Anh, em chỉ nằm trong danh sách dự bị. Điều này khiến nam sinh buồn bã suốt một khoảng thời gian nhưng thất bại đã khiến nam sinh nhận thức ra nhiều điều.
"Suy cho cùng, mọi thứ diễn ra đều vì 1 lý do nào đó. Nếu suy nghĩ theo hướng tích cực, việc không đỗ khiến em bắt buộc phải chuyển hướng tham gia hoạt động xã hội, tìm hiểu các gói học bổng. Em chợt nghĩ, nếu em học đội tuyển quốc gia sẽ không có cơ hội đỗ IB và tìm kiếm cơ hội khác. Tất cả mọi thứ diễn ra đều có một lý do, quan trọng là khi cơ hội đến, chúng ta luôn cố gắng bằng 100% năng lượng để không phải hối hận. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, vì thế hãy vững tin bước tiếp về phía trước", Hoàng Nguyên tâm sự.
Ảnh: NVCC