Đài NHK đưa tin một điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản cho biết các quan chức đã thu thập được hộp đen của chiếc máy bay trực thăng thuộc sở hữu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản va chạm hôm 2/1. Hộp đen máy bay hãng Japan Airlines hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Hiện trường vụ cháy máy bay.
Ông Fujiwara Takuya nói với phóng viên hôm 3/1 rằng các nhà điều tra đã kiểm tra thân máy bay và các mảnh vỡ. Ông cho biết họ sẽ cố gắng lấy lại dữ liệu từ thiết bị đã được thu thập.
Vị quan chức này cũng cho biết thêm rằng các nhà điều tra đã tìm thấy dấu hiệu va chạm trên thân mỗi chiếc máy bay nhưng vẫn chưa thể xác nhận liệu nguyên nhân bốc cháy có phải do 2 máy bay va chạm hay không.
Các nhà điều tra sẽ tiếp tục nghiên cứu hiện trường đống đổ nát cho đến chiều 3/1. Ủy ban Vận tải An toàn Nhật Bản (JTSB) sẽ dẫn đầu cuộc điều tra với sự tham gia của các cơ quan ở Pháp, nơi chiếc máy bay được chế tạo và ở Anh, nơi sản xuất 2 động cơ Rolls-Royce.
Mối lo ngại về an toàn đường băng được chú ý
Các chuyên gia nhận định, thời điểm hiện tại còn quá sớm để xác định nguyên nhân và nhấn mạnh rằng hầu hết các vụ tai nạn đều do nhiều yếu tố gây ra.
Nhưng các nhà điều tra dự kiến sẽ tìm ra câu trả lời nhờ hộp đen và kiểm tra chi tiết hệ thống máy bay và sân bay.
Các quan chức đang điều tra hiện trường chiếc máy bay Airbus A350 của Japan Airlines (JAL) bị cháy sau khi va chạm với máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tại Sân bay Quốc tế Haneda ở Tokyo, Nhật Bản ngày 3 tháng 1, 2024.
Một quan chức Nhật Bản nói với các phóng viên hôm 2/1 rằng chiếc máy bay dân dụng A350 đang hạ cánh bình thường thì va chạm với máy bay của Cảnh sát biển, một chiếc trực thăng Bombardier Dash-8 động cơ phản lực cánh quạt.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên sẽ là khôi phục hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm giọng nói trong buồng lái.
Các chuyên gia cho biết bằng chứng vật lý, dữ liệu radar và lời kể của nhân chứng hoặc cảnh quay camera ngay tại nơi xảy ra vụ việc có thể sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc điều tra khổng lồ.
"Một câu hỏi rõ ràng là liệu máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển có thực sự đã ở trên đường băng hay không và nếu có thì tại sao", ông Paul Hayes, giám đốc an toàn hàng không của công ty tư vấn Ascend by Cirium có trụ sở tại Anh, nói.
Vụ tai nạn là vụ việc nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến loại máy bay Airbus A350, máy bay phản lực đường dài 2 động cơ hàng đầu châu Âu, được đưa vào sử dụng kể từ năm 2015.
Vụ va chạm của chiếc máy bay trực thăng với một chiếc máy bay phản lực 2 tuổi có chiều dài gấp 3 lần nó diễn ra ở thời điểm vừa kết thúc năm 2023 - một trong những năm an toàn nhất trong ngành hàng không.
Vụ việc xảy ra sau khi một nhóm an toàn hàng không có trụ sở tại Mỹ đưa ra cảnh báo vào tháng trước về nguy cơ va chạm đường băng.
Tổ chức An toàn Chuyến bay (Flight Safety Foundation - FSF) kêu gọi hành động toàn cầu để ngăn chặn sự gia tăng các vụ xâm nhập vào đường băng trong bối cảnh giao thông hàng không ngày càng đông đúc.
Mặc dù các vụ va chạm máy bay trên mặt đất gây thương tích hoặc thiệt hại đã trở nên hiếm gặp nhưng khả năng gây thiệt hại về tính mạng con người vẫn nằm ở mức cao nhất so với bất kỳ loại phương tiện nào khác. Và gần đây, các vụ xuýt chạm ngày càng nhiều.
Vụ va chạm giữa hai chiếc Boeing 747 ở Tenerife (Tây Ban Nha) năm 1977, khiến 583 người thiệt mạng, vẫn là vụ va chạm máy bay gây chết người nghiêm trọng nhất của ngành hàng không.
Lỗ hổng công nghệ
Tổ chức FSF có trụ sở tại Washington đã phát hiện ra rằng sự cố trong giao tiếp và phối hợp có thể đóng vai trò then chốt trong các vụ tai nạn trên đường băng.
Nhưng tình trạng thiếu thiết bị điện tử để tránh va chạm trên mặt đất, thay vì trên không, nơi phần mềm kích hoạt tránh va chạm đã có từ những năm 1980, cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
"Nhiều sự cố nghiêm trọng có thể tránh được thông qua các công nghệ nhận thức tình huống tốt hơn có thể giúp kiểm soát viên không lưu và phi công phát hiện các vụ xung đột đường băng tiềm ẩn", Giám đốc điều hành FSF, ông Hassan Shahidi, nói.
379 người thoát chết kỳ diệu trên máy bay bốc cháy nhờ "kinh nghiệm xương máu" của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản
Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết khoảng 30 sân bay ở Mỹ được trang bị một hệ thống có tên ASDE-X sử dụng radar, vệ tinh và một công cụ điều hướng gọi là đa phương tiện để theo dõi chuyển động trên mặt đất.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, Jennifer Homendy, cho biết hồi tháng 11/2023 rằng mạng lưới hàng không Mỹ - trung tâm của các sân bay trên toàn thế giới - thiếu công nghệ đầy đủ để ngăn chặn sự xâm nhập vào đường băng.
Năm 2018, Airbus cho biết họ đang hợp tác với Honeywell phát triển một hệ thống có tên SURF-A hoặc Surface-Alert được thiết kế để giúp ngăn ngừa va chạm trên đường băng bằng cách đưa ra cảnh báo bằng hình ảnh và âm thanh cho phi công về các mối nguy hiểm đang đến gần trên đường băng.
Giám đốc điều hành bộ phận Jim Currier cho biết qua email, Honeywell Aerospace Technologies hy vọng SURF-A, đang hoạt động trên máy bay thử nghiệm của hãng, sẽ được chứng nhận và cung cấp dần dần cho các hãng hàng không trong vài năm tới.
Nguồn: NHK, Reuters