- Vậy giờ anh muốn gì? Tôi quá mệt mỏi với anh rồi, đừng đòi hỏi tôi thêm nữa.
- Tôi chằng muốn gì cả, tự cô suy diễn rồi tự cô làm loạn lên. Tốt nhất là đừng nói chuyện nữa nếu không muốn cãi nhau.
- Ly hôn đi! Tôi không muốn sống với anh nữa...
Nhi gạt đôi cốc tình nhân mà cô gìn giữ từ hồi yêu nhau xuống đất vỡ tan. Những mảnh vụn y như trái tim của cô bây giờ vậy. Nhi và chồng, không có kẻ thứ 3 nào cả, từ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống mà họ bắt đầu tê liệt cảm xúc với nhau.
"Con xin lỗi bà, chúng con không còn cách nào khác. Chúng con phụ lòng tin của bà và bố mẹ nhưng giải thoát lúc này là cách tốt nhất cho cả hai", Nhi nói trong tiếng nấc. Trước mặt cô là bà nội chồng đã 80 tuổi, vô cùng minh mẫn và có 1 sự thấu hiểu cô cháu dâu vô cùng. Có lẽ ít ai đi làm dâu mà có mối quan hệ với bà nội chồng đặc biệt như Nhi.
Bà sẽ cho con xem 1 đoạn phim, xem xong bà sẽ nói cho con nghe 1 bí mật. Nhi quệt nước mắt, kiên nhẫn chờ bà tìm trong tủ chiếc đĩa đã vài vệt xước.
Khi những thước phim đầu tiên hiện lên Nhi thấy rõ người đàn ông khoảng ngoài 70 rất giống với bức ảnh thờ trong nhà bố mẹ chồng cô. Phải, là ông nội chồng Nhi, ông đã mất sau khi con cháu làm lễ kỉ niệm đám cưới vàng 50 năm cho ông bà.
Năm 2010 ông bà đã có 1 chuyến đi chơi xa đầu tiên trong cuộc đời. Ông bà nắm tay nhau, cười vui và tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ. Bà than thở với ông: "Tôi già rồi, chẳng đi nhanh được mà ngắm nhiều cảnh đẹp để ông cứ phải chờ tôi". Ông cười hiền đáp: "Không sao, phải đi chậm như bà ngắm cảnh mới đã chứ".
Rồi đến đoạn đường mưa, ông che ô về phía bà. Bà giục ông ngồi nghỉ thì ông tươi cười chống gậy đi cùng bà thêm 1 đoạn đường nữa. Rồi còn rất nhiều hình ảnh đẹp của đôi vợ chồng già đồng hành với nhau gần nửa đời người khiến Nhi tủi thân òa khóc.
Ngắt lại đoạn phim, bà từ tốn nắm tay Nhi: "Chồng con quay cho ông bà đó, hồi ấy nó mới có 17, 18 tuổi thôi. Thế mà thằng bé chỉ thích ngồi uống trà rồi chơi cờ với ông để nghe chuyện ngày xưa".
Nhi gượng cười, chẳng thể ngờ anh chồng khô khan của cô lại từng "có chiều sâu" đến vậy. Nhi chăm chú lắng nghe bí mật mà bà sắp kể. Điều làm cô ngỡ ngàng nhất là câu nói: "Ông bà không đến với nhau vì tình yêu, kể cả khi đẻ bố chồng con ông bà vẫn chưa thực sự yêu nhau". Vậy mà họ lại hạnh phúc suốt 50 năm hôn nhân sao?
Bà bước đến cất chiếc đĩa CD vào hộp rồi chậm rãi: "Thời trẻ, ông từng nói với bà rằng ông chưa bao giờ cảm thấy ghen tị với cặp đôi hôn nhau, về già ông lại bảo, chỉ có cặp vợ chồng đầu ngả bạc, chân đi không vững, dan mặt nhăn nheo nắm tay nhau mới khiến ông ngưỡng mộ.
Tình yêu không quan trọng sớm hay muộn, miễn là chân thành. Thời gian không cần trước hay sau, miễn là chính xác. Rồi sẽ có ngày con nhận ra, hạnh phúc nhất là được già đi cùng nhau. Và hai chữ hôn nhân sẽ trọn vẹn nhất khi 1 trong hai không thể đi vững nhưng sẵn sàng chống gậy để bước tiếp nốt đoạn đường đời.
Con biết không, trong giai đoạn khó khăn nhất, ông đi làm tăng ca rất vất vả. Nhà hết gạo chỉ còn đúng một gói mỳ và 1 quả trứng. Bà nấu cho ông ăn nhưng ông nhất định không nghe. Ông nhường bà quả trứng, bà lại ép ông ăn hết cho nóng. Cứ như thế nhường qua nhường lại ông bà đã thống nhất, mỗi người sẽ ăn nửa mỳ và nửa trứng. Bắt đầu từ ngày hôm ấy, mọi khó khăn, hoạn nạn hay niềm vui ông bà đều vì nhau mà gánh vác, không ai phải đơn độc hay lẻ loi.
Vợ chồng là phải kiên nhẫn và bao dung con ạ. Các con hơn thế hệ trước là được tự do yêu, tự do quyết định hạnh phúc đời mình. Đừng có lãng phí vì chút xích mích nhỏ".
Nghe câu chuyện của bà mà Nhi thấy nhẹ nhõm phần nào.Thật ra, đôi khi hôn nhân cũng không phức tạp đến thế. Giống như tình yêu của thế hệ cũ, không có "gara" để đảm bảo cho sự "sửa chữa", cũng không có hoa hồng để nuôi dưỡng lãng mạn nhưng đã nắm tay là cả đời, lấy chồng sẽ "lãi".
Nhi giật mình khi có chuông tin nhắn. Là chồng cô: "Em bình tĩnh lại chưa thì mình nói chuyện, không thì sang mẹ hoặc đi đâu đó chơi cho khuây khỏa. Anh không muốn nhà là nơi chúng mình chán nhau".
Bỏ qua những cái tôi quá lớn, gạt đi những cao ngạo bấy lâu, Nhi dịu giọng: "Anh về đi, nhà luôn là nơi chờ anh về".