Theo dòng phát triển của xã hội, đã có biết bao phương pháp thẩm mỹ xuất hiện, góp phần giúp nhân loại cải thiện ngoại hình và sức khỏe. Thế nhưng phải thú nhận rằng, niềng răng vẫn là một phương pháp thẩm mỹ bất bại, chưa bao giờ lỗi mốt và cũng chưa hề hạ nhiệt. 

Có câu nói như thế này: "Sức khỏe răng miệng của bạn không chỉ ảnh hưởng đến nụ cười của bạn, mà còn ảnh hưởng đến cách bạn ăn, nói chuyện và sống". Có lẽ, đó là lý do vì sao ngày nay sức khỏe răng miệng ngày càng được quan tâm.

Và như thế, niềng răng cũng ngày càng phổ biến như một xu thế tất yếu, trở thành xu hướng thẩm mỹ lành mạnh vì vừa phục vụ công cuộc thăng hạng nhan sắc, lại là cứu tinh cho vô vàn vấn đề sức khỏe. 

Niềng răng đâu chỉ vì đẹp, mà còn để khỏe mạnh hơn!

Đi niềng răng vào năm 25 tuổi, Quỳnh Trang (Hà Nội) cho biết bản thân lựa chọn chỉnh nha không chỉ vì muốn xinh đẹp hơn mà còn để cải thiện sức khỏe răng miệng. 

Trong một lần đi khám răng định kỳ, Trang được bác sĩ tư vấn rằng "hàm răng chưa được sắp xếp đúng cách có thể dẫn đến việc dễ bị sâu răng, viêm nướu, đồng thời làm cho chức năng nhai bị ảnh hưởng". Vì thế cô quyết định dốc hết số tiền trong sổ tiết kiệm để bước vào hành trình chỉnh nha. Sau 2 năm, giờ đây Quỳnh Trang đã tháo niềng và đã cải thiện khuyết điểm răng khấp khểnh rất nhiều, cô chia sẻ rằng bản thân cảm thấy rất tự tin mỗi khi cười.

photo6077745067826722808y-1678442523671379176151-1678461857911-1678461858249901099538.jpgphoto6077745067826722809y-1678442523748553975819-1678461860511-16784618606021151920293.jpg

Quỳnh Trang tự tin hơn sau khi thực hiện niềng răng.

Cũng giống như Quỳnh Trang, chị Thủy (Hà Đông) cũng quyết định niềng răng vì lý do sức khỏe. 

"Răng của mình không gặp vấn đề liên quan đến “phần nhìn” nhưng lại bị lệch khớp cắn. Khi nghe bác sĩ phân tích rằng nếu mình không chỉnh lại khớp thì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của răng nên mình quyết định niềng thôi", chị Thủy chia sẻ.

Cũng theo chị, chi phí niềng sứ rơi vào khoảng 40 triệu. Khi niềng, chị chưa bao giờ hối hận vì quyết định này vì rõ ràng niềng xong thì có đẹp hơn. Tuy nhiên, trong quá trình niềng chị Thủy cũng gặp khá nhiều điều bất lợi lẫn mệt mỏi.

"Ví dụ như việc ăn nhai thời gian đầu hơi bất tiện, mỗi tháng sẽ khó chịu mất vài ngày vì đi siết chặt hơn, ngoài ra còn hay bị nhiệt miệng nữa. Ngoài ra thì dù niềng sứ nhưng vẫn cảm thấy không đủ tự tin để cười khi chụp ảnh. Thế nhưng nghĩ đến kết quả niềng răng của mình, khó đến đâu cũng cố được", chị Thủy vui vẻ nói.

3262085017099531706328865717218757040034701n-1678442523760977917311-1678461862543-16784618626362012427571-1678499951369-1678499951548808314319.jpg

Chị Thủy chia sẻ bản thân niềng răng vì bị lệch khớp cắn.

Thế hệ trẻ đã chủ động tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe răng miệng hơn rất nhiều

Hà Vy (29 tuổi, Tây Hồ) ước gì có thể niềng răng sớm hơn vì sau khi trải nghiệm chỉnh nha cô mới biết rằng niềng rằng ở độ tuổi càng trẻ thì hiệu quả đến càng nhanh hơn.

"Mình quyết định niềng răng ở tuổi 29, lý do đầu tiên là vì vấn đề thẩm mỹ. Sau đó vì bác sĩ xem hình ảnh chụp phim, tư vấn rằng răng hàm khấp khểnh của mình sẽ ảnh hưởng đến xương hàm. Sau khi được bác sĩ tư vấn, cân nhắc giữa được và mất mình quyết định niềng răng luôn", Hà Vy nói.

Hà Vy cũng chia sẻ, bản thân đã đầu tư số tiền khoảng 40 triệu đồng để chỉnh nha. Trong giai đoạn niềng răng đầu tiên, cô đã phải trải qua khá nhiều điều bất lợi, khó khăn từ ăn uống, vệ sinh cho đến những lúc tự ti vì khi cười bị lộ niềng, chưa kể mắc cài cọ vào má gây nhiệt miệng rất đau đớn. Tuy nhiên, cô không bao giờ cảm thấy hối hận vì đã đi niềng răng, mà chỉ hối hận vì... chưa niềng răng sớm hơn.

"Nếu như niềng sớm hơn thì mình đã đẹp sớm được vài năm, niềng răng tuổi càng trẻ thì hiệu quả lại càng nhanh hơn", Vy nói.

3348801635615785726102214377093065550816472n-1678442523737555372263-1678461865622-1678461865733538601948-1678499955748-16784999558781757660298.jpg

Hà Vy ước gì mình niềng răng sớm hơn.

Thực tế, so với trước đây thì ngày nay thế hệ trẻ đã chủ động tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe răng miệng hơn rất nhiều. Thậm chí trên mạng xã hội facebook, hàng loạt các group "GenZ niềng răng" được lập nên. 

Bên trong các hội nhóm, các thành viên rôm rả chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm về niềng răng hay khoe với nhau thành quả niềng răng mình đã đạt được.

Nhiều phụ huynh quan tâm đến chuyện niềng răng cho con ngay từ nhỏ

Không chỉ người lớn mới quan tâm đến niềng răng. Nhiều phụ huynh đã tìm hiểu về hình thức chỉnh nha cho các con từ rất sớm. Chị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong số đó. Chị nói rằng: "Con trai tôi năm nay 9 tuổi. 1 năm trước tôi cho con đi khám răng, bác sĩ bảo con bị lệch khớp cắn, do đó tôi quyết định cho con đeo hàm chỉnh nha ngay khi còn răng sữa vì sẽ hiệu quả hơn khi mọc răng vĩnh viễn. Ban đầu bé hơi khó chịu nhưng sau đó đã quen dần với việc đeo niềng, thậm chí rất hào hứng mỗi khi đi khám định kỳ. Dự tính nửa năm nữa con sẽ được tháo niềng".

Nói về độ tuổi "vàng" để thực hiện chỉnh nha, BS Phan Thị Bích Hạnh (làm việc tại khoa Răng Hàm Mặt, trường đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Theo Hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ, 7 tuổi là thời điểm trẻ có thể đi khám, điều trị niềng răng. Trong giai đoạn này thì việc thăm khám có thể phát hiện ra những bất thường về răng, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định phù hợp. Ví dụ như: Nhổ bỏ những cái răng sữa mọc lẫy...

Đặc biệt, trong độ tuổi 12-16 là giai đoạn thích hợp nhất để niềng răng, nhất là niềng răng cố định. Bởi đây là thời điểm các răng vĩnh viễn đã mọc hết rồi, xương hàm vẫn trong giai đoạn phát triển nên việc tác động lực trong giai đoạn này rất thuận lợi trong việc di chuyển các răng để đạt được vấn đề về thẩm mỹ, cũng như chức năng...

photo-1678377470413-16783774705271122926241-1678461884129-16784618842041256947788-1678499958575-1678499958818240723505.jpeg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest).

Cũng theo BS Hạnh, về mặt y khoa không có giới hạn độ tuổi cho việc niềng răng. Nếu như tuổi đã nhiều nhưng điều kiện sức khỏe tốt, đồng thời các chỉ số về xương ổn định, có chỉ định nha khoa hợp lý thì niềng răng vẫn thực hiện được. Tuy nhiên, tuổi càng cao thì việc chỉnh nha sẽ không thuận lợi bằng độ tuổi 12-16 tuổi, thời gian niềng sẽ kéo dài hơn, hiệu quả đến chậm, cần phải được thăm khám bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.

Ngày nay, công nghệ trong lĩnh vực niềng răng ngày càng tiên tiến và hiện đại hơn, giúp cho việc niềng răng trở nên dễ dàng hơn và có hiệu quả cao hơn. Niềng răng đang trở thành xu hướng phổ biến bởi sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ và tính chức năng, đồng thời sự tiên tiến của công nghệ cũng giúp cho việc niềng răng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên nếu như phương pháp làm đẹp này ngày càng được mọi lứa tuổi: từ trẻ nhỏ, đến người lớn quan tâm, sử dụng.

Ảnh hưởng của sức khỏe răng miệng đối với sức khỏe tổng thể

Chia sẻ về ảnh hưởng của sức khỏe răng miệng đối với sức khỏe tổng thể, bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nguyễn Thanh Tuấn (BS làm việc tại Hà Nội) cho biết: "Những vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như sâu răng, viêm nướu, hở lợi, hay răng khôn lệch hướng có thể ảnh hưởng không chỉ đến răng miệng mà còn đến toàn bộ cơ thể". 

photo-1678456186681-1678456186905505350631-1678461886457-1678461886517146001350-1678499960837-1678499960954351705525.jpeg

Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nguyễn Thanh Tuấn.

Theo chia sẻ của bác sĩ Tuấn, tình trạng răng miệng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể như sau:

- Tình trạng răng miệng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Nếu bạn có vấn đề về răng miệng, như sâu răng hoặc nhiễm trùng, thì việc nhai và nuốt thức ăn sẽ khó khăn hơn. Điều này có thể dẫn đến việc không hấp thụ đủ dưỡng chất và các vấn đề về tiêu hóa. 

- Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: Nhiễm trùng răng miệng có thể dẫn đến việc lây lan vi khuẩn vào máu. Việc này có thể gây ra viêm nhiễm và tổn thương đến van tim và màng tim, dẫn đến các vấn đề về tim mạch. 

- Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch: Nhiễm trùng răng miệng có thể gây ra phản ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là khi các vi khuẩn từ răng miệng lây lan đến các cơ quan khác trong cơ thể. Điều này có thể làm yếu hệ miễn dịch và dẫn đến việc mắc các bệnh khác. 

Ảnh hưởng đến tâm lý: Sức khỏe răng miệng không tốt có thể dẫn đến mất tự tin, tăng cường lo lắng và giảm chất lượng cuộc sống. Những vấn đề này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, tăng cường căng thẳng và stress.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022