Ngày 19/12/2023, 100 người đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc tập trung tại một khách sạn gần Seoul trong bộ trang phục đẹp nhất để tham gia sự kiện hẹn hò do thành phố Seongnam tổ chức.

Với nỗ lực cứu tỷ lệ sinh đang lao dốc, chính quyền Seongnam quyết tâm tổ chức các cuộc hẹn hò với rượu vang đỏ, chocolate, dịch vụ trang điểm miễn phí và thậm chí cả kiểm tra lý lịch cho những người độc thân tham gia. Sau 5 vòng sự kiện, họ kỳ vọng 198 trong 460 người tham gia sự kiện tìm được đối tượng. Nếu thuận lợi, họ sẽ kết hôn và sinh những đứa trẻ.

Thị trưởng Seongnam Shin Sang-jin cho biết việc truyền bá quan điểm tích cực về hôn nhân sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh, đồng thời nhấn mạnh các sự kiện hẹn hò chỉ là một trong nhiều chính sách để đảo ngược tỷ lệ sinh lao dốc. "Tỷ lệ sinh thấp không thể được giải quyết chỉ bằng một chính sách. Nhiệm vụ của thành phố là tạo môi trường để những người muốn kết hôn tìm được bạn đời", ông Shin nói.

2023-11-27t060108z-1524508330-9149-5303-1706699603.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=roY8hOH4-D2_zc2i-A4obQ

Một thành viên tham gia sự kiện hẹn hò của thành phố Seongnam ngày 19/12/2023. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ sinh giảm ảnh hưởng đến hầu hết nước phát triển ở Đông Á và châu Âu, dẫn đến dân số già đi nhanh chóng. Tuy nhiên, không đâu nghiêm trọng như Hàn Quốc, nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới nhiều năm qua.

Năm 2021, tổng tỷ suất sinh của cả nước (tổng số trẻ em trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 0,81. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 1,16; Nhật Bản 1,3; Đức 1,58; Tây Ban Nha 1,19. Quan trọng hơn, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh dưới 1,3 đã hai thập kỷ.

Số liệu mới nhất còn giảm sâu hơn. Vào quý III/2023, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc xuống mức thấp kỷ lục là 0,7, theo Văn phòng Thống kế quốc gia. Trong giai đoạn này, có 56.794 trẻ em được sinh ra, giảm 11,5% so với cùng kỳ 2022 và là mức thấp nhất kể khi thống kê vào năm 1981.

Đằng sau phép màu kinh tế

Những năm 1950, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Đến 1961, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ khoảng 82 USD. Nhưng họ tăng trưởng mạnh từ 1962, khi chính phủ ra kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và chương trình kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỷ lệ sinh quốc gia.

Chính phủ đặt mục tiêu 45% cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai và nhiều gia đình nhận ra việc sinh ít con hơn sẽ cải thiện mức sống. Kết quả, dân số phụ thuộc - người trẻ và người già - ngày càng ít hơn người trong độ tuổi lao động.

Thay đổi về nhân khẩu học đã khởi đầu cho phép màu kinh tế kéo dài đến giữa những năm 1990. Năng suất tăng, kết hợp với lực lượng lao động mở rộng và tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, giúp tăng trưởng GDP hàng năm từ 6% đến 10% trong nhiều năm. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những nước giàu nhất, với thu nhập bình quân đầu người là 35.000 USD.

Phần lớn sự biến đổi từ một nước nghèo thành nước giàu là do lợi tức nhân khẩu học trong quá trình giảm mức sinh. Nhưng lợi tức nhân khẩu học chỉ có tác dụng ngắn hạn. Trong khi, suy giảm mức sinh trong thời gian dài thường là thảm họa đối với nền kinh tế của một quốc gia, theo tạp chí nghiên cứu Conversation.

Và điều đó thực sự diễn ra. Hàn Quốc đã chứng kiến tình trạng sinh con giảm kinh niên khi nhiều người trẻ chọn cách trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn hoặc sinh con để phù hợp với sự thay đổi của chuẩn mực xã hội và lối sống.

Cùng với đó, nghiên cứu của Jisoo Hwang, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết tình hình cực đoan của tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc có thể được giải thích một phần bởi chi phí giáo dục và nhà ở cực kỳ cao.

Trong khi, công việc và tiền lương của một bộ phận thanh niên kém ổn định, khiến họ không còn đủ khả năng để lập gia đình. Quý III/2023, số lượng cuộc hôn nhân cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là 41.706, giảm 8,2% so với cùng kỳ 2022.

Với tỷ lệ sinh cực kỳ thấp, Hàn Quốc đang giảm dân số mỗi năm và quốc gia sôi động một thời này đang trở thành nơi có nhiều người già và ít công nhân hơn. Nếu xu hướng này tiếp tục và không chào đón hàng triệu người nhập cư, dân số 51 triệu hiện tại sẽ giảm xuống dưới 38 triệu trong bốn hoặc năm thập kỷ tới.

Chạy đua tránh tăng trưởng âm

Việc thiếu trẻ em tạo ra những rủi ro lâu dài cho nền kinh tế, do làm giảm quy mô lực lượng lao động, cũng đồng thời là người tiêu dùng. Chi tiêu phúc lợi cho dân số già là gánh nặng ngân sách, mà lẽ ra có thể được sử dụng để thúc đẩy kinh doanh, nghiên cứu và phát triển.

Nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) năm ngoái dự báo, nếu tỷ lệ sinh giữ nguyên quỹ đạo hiện tại, đất nước có thể chứng kiến tăng trưởng âm từ năm 2050. Tính toán này dựa trên xu hướng tăng trưởng, loại trừ những biến động kinh tế ngắn hạn. Nói tóm lại, quy mô nền kinh tế Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị thu hẹp nếu dân số giảm.

2016-03-01T120000Z-370507192-G-1482-6627-1706699603.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6fn0b9SjAqjwX5HB3-klpg

Trẻ em Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống tại một sự kiện ở Seoul ngày 1/3/2016. Ảnh: Reuters

Nỗ lực ngăn chặn cơn ác mộng nhân khẩu học, chính phủ Hàn Quốc đang đưa ra các ưu đãi tài chính cho nhưng cặp vợ chồng sinh con và tăng cường trợ cấp hàng tháng cho các bậc cha mẹ. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thành lập nhóm phụ trách chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh. Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD vào các chương trình nhằm tăng tỷ lệ sinh nhưng hầu như không hiệu quả.

Thậm chí, các sáng kiến mai mối như chính quyền Seongnam cũng có ý kiến trái chiều. Thủ đô Seoul từng cân nhắc sự kiện tương tự nhưng tạm dừng kế hoạch sau khi vấp phải những chỉ trích rằng sẽ lãng phí tiền thuế của dân nếu không giải quyết được lý do căn cơ là chi phí nhà ở và giáo dục cao.

Jung Jae-hoon, Giáo sư khoa Phúc lợi xã hội tại Đại học Phụ nữ Seoul, nói thật "vô nghĩa" khi hy vọng những sự kiện hẹn hò sẽ cải thiện tỷ lệ sinh. "Bạn cần chi nhiều tiền hơn vào việc hỗ trợ mang thai, sinh con và nuôi dạy trẻ để gọi đó là chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh", chuyên gia này nói.

Nghiên cứu của BoK cũng chỉ ra chi phí sinh hoạt cao, việc làm không ổn định và chi phí nuôi con, giá bất động sản tăng vọt góp phần gây ra lo lắng, khiến các vợ chồng không thể có con.

Theo BoK, giải pháp là giảm bớt tập trung dân số ở khu vực Seoul - nơi đang làm trầm trọng thêm áp lực cạnh tranh - đồng thời thực hiện hành động để ổn định giá nhà đất và nợ hộ gia đình cũng như cải thiện cấu trúc thị trường lao động. Ngoài ra, chính phủ cần tăng chi ngân sách để chia sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ.

Conversation cho rằng cách thực sự có thể giúp Hàn Quốc xoay chuyển tình thế này là dựa vào nhập cư. Người di cư thường trẻ, năng suất và sinh nhiều con hơn người bản xứ. Nhưng Hàn Quốc có chính sách nhập cư rất hạn chế, để trở thành công dân hoặc thường trú nhân, người nhập cư phải kết hôn với người Hàn Quốc.

Vào 2022, người nhập cư chỉ hơn 1,6 triệu, chiếm khoảng 3,1% dân số nước này. Ngược lại, Mỹ phụ thuộc vào di dân để tăng cường lực lượng lao động, hiện chiếm hơn 14% dân số. Để nhập cư bù đắp cho tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc, lực lượng lao động nước ngoài cần phải tăng 10 lần.

Nếu không có điều đó, vận mệnh nhân khẩu học của Hàn Quốc sẽ khiến quốc gia này tiếp tục giảm dân số hàng năm và trở thành một trong những quốc gia già nhất thế giới, theo Conversation.

Phiên An (theo Reuters, Le Monde, Conversation)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022