Thông tin được ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP HCM nêu tại cuộc họp kinh tế - xã hội của thành phố, sáng 1/2. Theo ông Dũng, mục tiêu này nhằm tạo tiền đề tăng trưởng cả năm có thể đạt 7,5-8%.
Quý I/2023, GRDP TP HCM chỉ tăng trưởng 0,7%. Để tránh lặp lại kịch bản này, kể từ cuối năm ngoái, đầu tàu kinh tế đã có loạt hành động thúc đẩy động lực cho năm 2024, thông qua đầu tư công, tiêu dùng nội địa, liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử, thu hút vốn "xanh".
Với mục tiêu GRDP quý I/2024 tối thiểu 6,5%, TP HCM đang chọn kịch bản tăng trưởng lạc quan nhất trong 3 kịch bản do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) dự báo.
HIDS cho rằng nếu điều kiện môi trường trong nước và quốc tế cải thiện, các yếu tố rủi ro được kiểm soát tốt, kết hợp với niềm tin của người dân và doanh nghiệp nâng cao, GRDP quý này có thể tăng 6,56% (dao động trong 6-7,12%).
Tuy nhiên, vẫn còn hai khả năng khác, với kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng 6,05% nếu nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi từ cuối 2023. Trong khi, kịch bản bất lợi xảy ra nếu các nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, xung đột chính trị leo thang, thiên tai - dịch bệnh phức tạp, gây tác động đến xuất khẩu và đầu tư.
Khi ấy, GRDP có thể tăng 5,39% (dao động trong 4,83-5,95%). "Tùy thuộc diễn biến toàn cầu và sự nỗ lực thực thi công vụ của Thành phố, các kịch bản sẽ diễn ra", Đại diện HIDS nhận định.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, bức tranh kinh tế tháng đầu năm tốt - xấu đan xen. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sản xuất công nghiệp giảm 4,5% so với cuối 2023 và tăng 26,9% so với cùng kỳ (do tháng 1/2023 là tháng Tết Nguyên đán).
Xuất khẩu tháng qua cũng giảm nhẹ so với tháng cuối năm ngoái. Thu hút FDI đạt khoảng 126 triệu USD, giảm 29,8%. HIDS đánh giá sức mua tiêu dùng tại TP HCM nối tiếp đà tăng, hoạt động sản xuất duy trì nhưng xuất khẩu vẫn khó. Một số ngành sản xuất có nguy cơ khó khăn do nhu cầu thế giới giảm.
"Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu hiệu lực và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), các loại thuế môi trường áp dụng ở châu Âu và nhiều đối tác thương mại khác của Thành phố sẽ đánh dấu cơ hội và thách thức đan xen mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và ngoại thương", Đại diện HIDS nhận định.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng (đứng) phát biểu tại cuộc họp kinh tế - xã hội của TP HCM diễn ra sáng 1/2. Ảnh: Việt Dũng
Ngoài thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chuyển đổi số, thu hút vốn xanh, TP HCM tiếp tục tập trung vào động lực đầu tư công. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Dũng cho hay địa phương đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 12%.
Năm 2024, TP HCM đặt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công, với tổng vốn phân bổ gần 78.750 tỷ đồng, bao gồm gần 3.170 tỷ ngân sách trung ương và hơn 75.500 tỷ ngân sách địa phương.
Viễn Thông