Tại Công điện ngày 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hàng hoá nhập khẩu qua thương mại điện tử đang tạo sức ép lớn lên hàng hoá sản xuất trong nước. Việc này ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính cùng nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt với những hàng hoá này. Ông lưu ý các giải pháp đưa ra phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

muasam-1729756739-7714-1729756-2610-1632-1732682564.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZZniDA3RTjOvIW5H1WgDdg

Một số ứng dụng mua sắm đang hoạt động tại Việt Nam. Đồ họa: Viễn Thông

Thực tế, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng mua hàng online trực tiếp từ nước ngoài, qua hai kênh chính là shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới như AliExpress, Shein, Temu.

Theo lượng sản phẩm và giá trị giao dịch (GMV), các đơn vị thống kê dữ liệu thương mại điện tử cho biết thị phần của các shop quốc tế trên sàn nội địa chiếm hơn 10%. Dữ liệu thu thập từ 4 nền tảng Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop giai đoạn tháng 4-9/2024 của EcomHeat (đơn vị thuộc công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI) cho thấy hơn 12% số sản phẩm được bán khai báo vận chuyển từ nước ngoài.

Về phía cơ quan quản lý, Chính phủ đang có đề xuất sửa Luật Quản lý thuế theo hướng siết chặt hơn với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài (không phân biệt có hay không cơ sở hiện diện ở Việt Nam) dự kiến phải đăng ký, khai và nộp thuế. Các sàn cũng phải khai, nộp thuế thay người bán. Cùng với đó, Chính phủ cũng tính bỏ miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua các sàn thương mại điện tử, để tránh thất thu thuế.

Ngoài thương mại điện tử, từ nay tới cuối năm, tình hình thế giới dự báo tiếp tục phức tạp, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, giá dầu nguy cơ biến động mạnh. Cùng đó, tổng cầu trong nước vẫn yếu, vướng mắc của một số dự án năng lượng, bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để, sản xuất, kinh doanh trong nước khó khăn, nhất là nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Theo đó, Bộ trưởng Công Thương được giao thực hiện hiệu quả các giải pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, khuyến khích tiêu dùng. Việc này để khơi thông thị trường trong nước, gắn kết sản xuất với phân phối, tiêu dùng hàng hóa.

Bộ này cũng phải tăng quản lý nhà nước về thương mại trong nước, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Họ cần hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm, dịch vụ cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để khuyến khích tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022