Thông tin được ông Hakan Agnevall, Chủ tịch Tập đoàn Wartsila nêu khi gặp Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 12/3.
Theo ông Hakan Agnevall, tập đoàn này đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình, đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy điện linh hoạt (kết hợp điện khí và năng lượng tái tạo, và tương lai chuyển đổi sang hydro) đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy này có công suất 300 MW, tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng.
Khi đi vào vận hành, dự án sẽ giúp ổn định, cân bằng cho hệ thống điện khi tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, điện gió, mặt trời chiếm gần 27% công suất nguồn điện tới cuối 2023.
Hiện, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng để giảm phát thải ròng về 0 vào 2050. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang khí, kết hợp nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với tiến trình này.
Ngoài ra, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ công nghệ, nguồn lực và quản trị từ các đối tác nước ngoài trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Wartsila (Phần Lan), ngày 12/3. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, một trong số trở ngại với các dự án điện khí là chi phí nhập khẩu LNG. Vì thế, Phó thủ tướng đề nghị phía nhà đầu tư Phần Lan tính toán đầy đủ chi phí đầu tư hạ tầng, phương án mua khí, phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo đi kèm và hệ thống truyền tải. Việc này, theo ông, nhằm xác định giá thành sản xuất phù hợp với thị trường, người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng (LNG) sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 25% tổng công suất nguồn điện. Trong đó, điện khí hóa lỏng (LNG) khoảng 24.000 MW, chiếm khoảng 15%.
Cũng theo quy hoạch này, tới 2030 sẽ có 13 dự án điện khí được phát triển, song hiện mới có một dự án là nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa 2025.
Để đạt mục tiêu này, hiện Việt Nam có chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài phát triển điện gió ngoài khơi để sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh) hoặc xuất khẩu trực tiếp; tham gia chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, đầu tư vào điện rác.
Phương Dung