Giữa thời điểm nhiều quốc gia vẫn phong tỏa, hạn chế cơ hội hợp tác và giới đầu tư đang ngày một cẩn trọng hơn, không ít nhà đầu tư vẫn quyết định rót vốn cho giới khởi nghiệp.

Theo Dealstreet Asia, trong quý II giá trị giao dịch huy động vốn trong khu vực Đông Nam Á tăng 91%, đạt 2,7 tỷ USD, trong khi đó số lượng giao dịch tăng 59% lên 184 so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 6 vừa qua, cái tên nổi bật trong cộng đồng startup Việt là Tiki cũng huy động được 130 triệu USD trong thương vụ do quỹ Northstar Group dẫn dắt.

tiki-1581323148406507252501-4087-1601980574.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BcwI6C7omMYHElq_jnjJRA

Tiki là nền tảng thương mại điện tử vừa huy động được 130 triệu USD.

Trong tháng 5, quỹ Viet Valley Ventures cũng rót vốn vào 3 startup công nghệ là nền tảng tuyển dụng trực tuyến JobsGo, giải pháp phần mềm và ứng dụng cho quản trị doanh nghiệp WindSoft Việt Nam và giải pháp tiếp thị và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử EcomEasy. Trước đó, NextTech Group và quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.tech cũng hoàn tất hai thương vụ đầu tư vào nền tảng tuyển dụng nhân sự TopCV và Chatbot.

Những thương vụ đáng chú ý thuộc về lĩnh vực y tế, dược phẩm. Đơn cử BuyMed (startup Việt vận hành sàn phân phối thuốc Thuocsi.vn) gọi được 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền Series A. Trước đó, eDoctor được rót 1,2 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Genesia Ventures, Bon Angels và Nextrans. Startup y tế Doctor Anywhere cũng công bố gọi vốn thành công 27 triệu USD, Pharmacity gọi vốn thành công gần 32 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) trong vòng Series C...

Theo báo cáo đầu tư của Do Ventures, sự bùng phát của đại dịch đã khiến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm 22%, từ 284 triệu USD nửa đầu năm 2019 xuống còn 222 triệu USD nửa đầu 2020. Sáu tháng vừa qua, số lượng nhà đầu tư không có nhiều biến động, số ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Hầu hết các giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài có nhân sự ở Việt Nam.

Về lĩnh vực thu hút vốn, trong khi bán lẻ tiếp tục chiếm ưu thế với 64 triệu USD, thời gian qua cũng chứng kiến sự tăng mạnh vốn đầu tư mạo hiểm vào các ngành mới nổi như công nghệ tuyển dụng (HRTech) thu hút 36 triệu USD và công nghệ bất động sản (proptech) với 26 triệu USD.

Do Ventures dự báo triển vọng đầu tư vào startup Việt Nam nửa cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn ở mức cao. Trong đó, 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á cho biết Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng tới. Vốn rót vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giao hàng bách hóa, giáo dục trực tuyến và giải trí dự kiến sẽ gia tăng trong nửa cuối năm. Các nhà đầu tư được khảo sát cho biết đang tìm kiếm các công ty khởi nghiệp có khả năng thích ứng, đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với giai đoạn "bình thường mới"...

1-general-partners-of-do-ventu-7516-4933-1601980574.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9hXVHjPX41C_up-k_Zi-BQ

Ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Lê Hoàng Uyên Vy, hai nhà sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures.

Do Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu do ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Lê Hoàng Uyên Vy, hai chuyên gia am hiểu sâu sắc cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cùng sáng lập. Những câu chuyện truyền cảm hứng với về startup và cách thu hút vốn đầu tư trong Covid-19 cũng là những nội dung mà bà Lê Hoàng Uyên Vy sẽ chia sẻ trong talkshow "Nguy - Cơ" số 5 do VnExpress và đối tác S-World phối hợp thực hiện, phát sóng ngày 8/10 tới.

Mời độc giả xem lại các số Nguy-Cơ số một, hai, ba và bốn

Hoài Phong

Talkshow Nguy - Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. 52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải...

Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022