Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết một trong những định hướng quản lý thị trường vàng là tiếp tục truyền thông để cung cấp các thông tin về chủ trương, giải pháp, chính sách nhằm ổn định tâm lý thị trường.

Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Họ cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan (Bộ Công an, Công Thương, Tài chính) để tăng thanh, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Việc này nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, vi phạm để xử lý nghiêm.

Năm ngoái, nhà điều hành đã thanh tra 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, EximBank. Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng tại thời điểm đó liên tục tăng cao, chênh lệch với giá thế giới nới rộng dù cơ quan quản lý tiến hành đấu thầu tăng cung.

Trong một báo cáo, các chuyên gia Think Future Consultancy cho rằng các biện pháp hành chính, như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá sẽ mang tới hiệu quả tức thì để bình ổn thị trường vàng, thay vì hy sinh ngoại tệ nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá.

HUY-2746-1746413385-1693-1746413442.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YhF8DsPI0H7f8jaKxz5igg

Người dân mua vàng tại một cửa hàng tại Hà Nội, tháng 3/2025. Ảnh: Giang Huy

Tại Nghị quyết chất vấn kỳ họp cuối tháng 11/2025, Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp nhằm ổn định, tăng quản lý và điều tiết thị trường vàng, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần nghiên cứu chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng và chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Cơ quan chức năng cần tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cũng như biện pháp phòng, chống buôn lậu mặt hàng này.

Thực tế, cuối 2024, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp, từ mức chênh lệch khoảng 25% tại thời điểm cao nhất xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng một lượng (tương đương 5-7%).

Sang đầu năm nay, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỷ lục trước đó. Nguyên nhân, theo Ngân hàng Nhà nước, chủ yếu do bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên toàn cầu khiến giá vàng thế giới nhảy vọt. Nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá kim loại này tăng.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng.

Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với thế giới. Đến đầu tháng 4, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục duy trì ở biên độ khoảng 3-5 triệu đồng một lượng (tương ứng 5-7%). Có thời điểm, mức chênh lệch chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng một lượng (khoảng 1-2%) vào đầu năm. Song đến 23/4, chênh lệch kéo giãn ở mức 14,48 triệu đồng một lượng (khoảng 13,62%).

Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân giá vàng miếng SJC tăng với tốc độ nhanh và chênh lệch tăng cao từ đầu tháng 4 do tâm lý kỳ vọng giá thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Mỹ dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Fed, diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng, các cú sốc giá cả hàng hóa.

Một nguyên nhân khác do nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, nhà điều hành cũng không loại trừ việc có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng biến động thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng đánh giá những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Họ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng quản lý và có biện pháp ổn định thị trường.

Dù vậy, cơ quan này thừa nhận thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Để ổn định thị trường vàng bền vững, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022