Tại các cửa khẩu phía Bắc, container sầu riêng có thời gian chờ đợi thông quan kéo dài cả tuần do Trung Quốc kiểm tra 100% lô hàng, làm giảm chất lượng trái cây. Ở miền Tây, nông dân phải bán sầu riêng với giá thấp, chỉ 35.000-70.000 đồng một kg, giảm mạnh 30% so với đầu năm và bằng một phần ba giá năm ngoái.
Hai tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng Việt sang Trung Quốc sụt mạnh, doanh thu đạt 27 triệu USD, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần tại nước này từ mức 62% hiện giảm xuống 37%, trong khi hàng Thái lại tăng vọt từ 37% lên 62,3%.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính là do yêu cầu kiểm tra chất lượng ngày càng khắt khe từ phía Trung Quốc. Nước này hiện siết chặt kiểm tra dư lượng kim loại nặng và chất vàng O - hóa chất bị cấm sử dụng trong nông sản. Cùng với đó là các cảnh báo về gian lận mã số vùng trồng, vi phạm kiểm dịch thực vật, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng xuất khẩu để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Trong khi đó, các đối thủ mới như Lào, Indonesia và Campuchia từng bước hiện diện trên bản đồ xuất khẩu sầu riêng tại Trung Quốc bằng những bước đi chiến lược.
Lào nổi lên khi chính quyền tỉnh Attapeu vừa cấp quyền cho ba doanh nghiệp trồng hơn 273 ha sầu riêng thương mại, tham vọng trở thành nhà cung cấp mới cho Trung Quốc. Trước đó, các công ty Trung Quốc đã phối hợp với Phòng Thương mại Lào thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Sầu riêng và trung tâm nghiên cứu giống, đồng thời được giao thêm 12.000 ha để phát triển vùng chuyên canh.
Indonesia cũng tăng tốc để chen chân vào thị trường tỷ USD. Với sản lượng hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm - lớn nhất thế giới, nước này đã được Hải quan Trung Quốc kiểm tra đồn điền, nhà máy đóng gói hồi tháng 3 và đang gấp rút hoàn thiện hậu cần, kiểm dịch. Riêng tỉnh Trung Sulawesi đã đăng ký hơn 3.000 ha đạt chuẩn, sẵn sàng xuất khẩu.
Campuchia không đứng ngoài cuộc. Tháng 4, nước này ký nghị định thư với Trung Quốc cho phép xuất khẩu sầu riêng, cùng tổ yến và cá sấu nuôi - một phần trong 37 thỏa thuận hợp tác mới, mở cánh cửa lớn cho ngành nông nghiệp nước này.
Trước "vòng vây" của các đối thủ mới, cùng sự siết chặt từ phía Trung Quốc, doanh nghiệp Việt đối diện nhiều áp lực. Ông Đoàn Văn Vẹn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Thư Đăk Lăk, cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đơn vị ông chưa thể xuất khẩu trở lại do các thủ tục kéo dài, thời gian thông quan lâu. Trong khi đó, các hợp đồng mới từ phía đối tác Trung Quốc đều nhỏ giọt.
Giám đốc xuất khẩu nông sản ở Tiền Giang nói doanh nghiệp đã tạm dừng thu mua sầu riêng từ nông dân do lo ngại không đảm bảo yêu cầu kiểm dịch. "Nhiều vùng trồng chưa cập nhật kịp tiêu chuẩn mới, đặc biệt về dư lượng kim loại nặng và nguồn gốc phân bón", bà nói. Công ty đang chuyển hướng hỗ trợ kỹ thuật cho vùng nguyên liệu, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương sớm triển khai mô hình kiểm định tại chỗ để giảm áp lực chi phí cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp.

Sầu riêng được thu hoạch tại nhà vườn ở Cần Thơ. Ảnh: Mạnh Khương
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhìn nhận xuất khẩu rau quả nói chung và sầu riêng nói riêng sang Trung Quốc đang chậm lại rõ rệt. Trong quý I, Trung Quốc chỉ chi hơn nửa tỷ USD cho nông sản Việt, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian xét nghiệm trái cây hiện kéo dài cả tuần, ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp đề xuất rút ngắn thời gian xét nghiệm xuống 3-4 ngày và tăng số trung tâm kiểm định; cần đàm phán để Trung Quốc công nhận kết quả xét nghiệm tại Việt Nam nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng khuyến nghị tuyên truyền đến nông dân về việc sử dụng phân bón đúng chuẩn, tránh dùng hàng nhập lậu chứa chất cấm. Nhà chức trách nên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng.
Ông Nguyên cũng đề xuất các tỉnh thành lập phòng xét nghiệm thu phí, lấy mẫu trực tiếp tại vườn. Nông dân nên chủ động kiểm nghiệm Cadimi ít nhất nửa tháng trước khi thu hoạch để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần kiểm định tại phòng Lab được Trung Quốc công nhận.
"Tại sao mình kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mà lại không làm được với Cadimi, vàng O trong sầu riêng?", ông Nguyên đặt vấn đề và cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định sầu riêng là cây trồng chủ lực và đang mang lại giá trị lớn cho xuất khẩu. "Chúng ta cần làm nghiêm túc và bài bản để giữ vững thị phần và duy trì đà tăng trưởng bền vững cho ngành hàng này", ông nhấn mạnh.
Thi Hà