Đây chỉ là một trong hơn 1.000 sàn giao dịch trên khắp Trung Quốc. Năm 2011, con số này mới là 300, theo hãng cung cấp dữ liệu về thị trường hàng hóa Trung Quốc - SunSir.   

Quốc gia này có mọi loại sàn giao dịch, từ các sàn chứng khoán quốc gia ở Thượng Hải và Thâm Quyến, đến các sàn nhỏ chỉ cần một phần mềm kết nối người mua và người bán. Tuy nhiên, các điểm giao dịch tại địa phương đang ngày càng trở thành người chơi lớn. Chúng giúp định giá cho các sản phẩm nông nghiệp, kim loại và hóa phẩm.

Hiện các sàn này đã có mặt tại 32 trong số 34 tỉnh thành Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái, một sàn giao dịch phong lan đã hoạt động tại Vân Nam. Một sàn chứng khoán cho các công ty nhỏ cũng mở cửa tại Ninh Ba từ tháng 5.

China-donkey-2713-1490850237.jpg

Sàn giao dịch Lừa được thành lập cuối năm ngoái tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg, AFP

Hao Hong - chiến lược gia tại Bocom International Holdings cho rằng nếu được quản lý tốt, "các sàn này sẽ có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc". Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh chóng về số lượng và quy mô đang làm dấy lên lo ngại về giám sát. "Nhiều sàn khởi đầu là nơi để phòng trừ rủi ro thôi, nhưng sau đó biến thành chốn đầu cơ. Nếu phát triển quá nhiều, nó rõ ràng không có lợi gì cho nền kinh tế thực", Hong cho biết.

Sàn giao dịch lừa sinh ra cũng vì lý do tương tự như việc giao dịch hợp đồng tương lai lợn và đậu nành trên thế giới. Lừa tại Trung Quốc không chỉ là gia súc, mà còn là hàng hóa nông nghiệp. A giao - một loại cao làm từ da lừa - là loại thuốc chữa thiếu máu truyền thống tại đây. Nhu cầu a giao những năm gần đây đã tăng vọt, khi hàng triệu người Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu.

Giá lừa cũng tăng gấp 4 trong thập kỷ qua, lên khoảng 8.000 NDT (1.160 USD) một con. Lý do một phần là ít cá thể mới. Lừa rất khó sinh sản nhanh, với thời gian mang thai có thể lên tới 14 tháng.

Nhu cầu từ Trung Quốc cũng khiến thế giới phải đề phòng. Niger đã cấm xuất khẩu lừa để bảo tồn loài động vật này tại đây. Burkina Faso cũng cấm xuất khẩu da lừa. Tại một số nơi lừa được dùng trong nông nghiệp, việc buôn bán đã khiến "giá lừa tăng vọt, đến nỗi các gia đình không thể thay thế lừa cũ", Mike Baker - Giám đốc quỹ từ thiện Anh - Donkey Sanctuary cho biết.

Tại Trung Quốc, các công ty chế biến a giao cũng rất khó khăn trong việc tìm đủ da lừa để nhà máy hoạt động. Dong-E-E-Jiao - một công ty quốc doanh - đã phải lập sàn giao dịch lừa hồi tháng 12 năm ngoái, để "thúc đẩy việc tạo ra lừa và nâng sản xuất trên toàn quốc".

Sàn này được mở tại một vùng nông thôn ở Sơn Đông, chỉ xử lý các giao dịch qua điện thoại. Ví dụ, nếu một người nông dân muốn bán một đàn lừa, sàn sẽ cử nhân viên đến xác nhận số lượng và chất lượng. Sau đó, họ sẽ giúp người mua và người bán chốt giá và sắp xếp việc giao hàng sau khi thỏa thuận xong.

Từ khi mở cửa, số lừa hơn 370 triệu NDT đã được giao dịch qua sàn này. Dong-E-E-Jiao dự báo con số này có thể lên 1,5 tỷ NDT cuối năm nay. Tháng tới, họ cũng lên kế hoạch giao dịch qua Internet và ứng dụng.

Dù vậy, việc các sàn giao dịch mọc lên ngày càng nhiều đang dấy lên lo ngại chính quyền địa phương không thể kiểm soát hợp lý. Hồi tháng 1, một nhóm bộ trưởng chịu trách nhiệm giám sát các sàn giao dịch địa phương cho biết một số đã tham gia vào hoạt động phi pháp, đầu cơ.

Tuy nhiên, nhiều sàn vẫn rất thành công. Một trong những cái tên nổi tiếng nhất là Sàn giao dịch Thép không gỉ Trung Quốc, mở cửa năm 2006 và hiện có tất cả đặc điểm của một thị trường hàng hóa tương lai lớn: giao dịch tập trung, hợp đồng được chuẩn hóa, có kho hàng và bên thứ ba được ủy thác. Sàn này hoạt động tất cả các ngày làm việc, có thể cạnh tranh với Sàn giao dịch Hợp đồng Tương lai Thượng Hải do Chính phủ Trung Quốc quản lý.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022