Nội dung này được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết khi giải trình tại phiên thảo luận về ngân sách, đầu tư công, ngày 5/11.

Theo Phó thủ tướng, ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp chống thất thu thuế trong thương mại điện tử. Hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Tiktok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành. Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng.

Với sàn thương mại điện tử trong nước, ông Phớc cho hay ngành thuế bắt đầu thu từ năm nay. Trong đó, riêng Hà Nội đã thu được khoảng 35.000 tỷ đồng tính tới đầu tháng 11.

"Tuần sau, ngành thuế sẽ ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu, mua bán của các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn xuyên biên giới", ông Phớc nói, thêm rằng đây là một trong số giải pháp của cơ quan thuế để chống thất thu qua kênh này.

Trước đó, ông Phớc cho biết Chính phủ sẽ bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ bán qua các sàn thương mại điện tử, để tránh thất thu thuế.

Ho-Duc-Phoc-29-10-5523-1730783692.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3kQUAgPsDkTKoseGt1gAfA

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Góp ý thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại liên quan việc thất thu thuế trong thương mại điện tử. Ngoài sửa Luật Quản lý thuế và yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp hộ người bán, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cần có giải pháp thu thuế nhập khẩu với hàng bán qua kênh thương mại điện tử.

Ông Ngân cho rằng việc thu được thuế với hàng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử sẽ giúp ngân sách tránh thất thu và có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ, hạ tầng số... để các giao dịch mua bán thuận lợi hơn.

Thời gian qua, việc mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ. Lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ đã tăng gấp nhiều lần so với trước. Gần nhất là sự xuất hiện của nhiều sàn bán hàng vào thị trường trong nước khi chưa được cấp phép hoạt động, như Temu, Shein, 1688... đặt ra vấn đề về bất cập trong quản lý, chính sách khiến Temu hay Shein vào Việt Nam mà không cần đăng ký.

Do đó, khi thẩm tra các sửa đổi tại luật về thuế, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng từng đề nghị Chính phủ phải có thêm giải pháp tăng thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài trên thương mại điện tử.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu phản ánh về số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý hiện quá lớn, nhưng chưa rõ hiệu quả hoạt động.

Phó bí thư thường trực tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng băn khoăn khi tổng số dư các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý khoảng 1,42 triệu tỷ đồng, tính tới đầu năm nay. 91% số dư này thuộc về 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.

Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tài chính sẽ gần 1,48 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 56.000 tỷ so với đầu năm. Riêng số dư 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý là 1,3 triệu tỷ đồng.

"Việc cơ cấu sử dụng vốn của gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào? Khả năng bảo toàn, sinh lời ra sao?", ông Đồng đặt vấn đề, đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo rõ để các đại biểu yên tâm.

Giải trình vấn đề này, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết số dư các Quỹ tài chính ngoài ngân sách là nguồn ghi có trên sổ sách, dùng để trả lương hưu hàng tháng.

Theo ông, số dư này không nằm ở tài khoản tiền gửi, mà được đầu tư 80% vào trái phiếu Chính phủ, 20% được gửi ở các ngân hàng thương mại Nhà nước để tránh rủi ro. Việc sử dụng nguồn quỹ dư như vậy, ông Phớc nói "vừa có lợi cho Chính phủ, vừa đảm bảo cho Bảo hiểm xã hội, hơn là việc rót tiền vào dự án này, kia rồi dẫn tới rủi ro như trước đây".

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022