Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo lùi kế hoạch tăng sản xuất tới tháng 1/2025. Nguyên nhân là nhu cầu từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - yếu đi và nguồn cung từ các nước phi OPEC+ tăng lên, khiến giá dầu vẫn chịu sức ép giảm.

Theo kế hoạch trước đó, OPEC+ tăng bơm dầu trở lại từ tháng 12, với mức 180.000 thùng mỗi ngày. Các bộ trưởng dầu mỏ cũng lặp lại cam kết tuân thủ đúng hạn ngạch về sản lượng.

Sau thông tin trên, giá dầu thô thế giới tăng gần 2%. Dầu Brent giao dịch tại 74,5 USD, WTI lên 70,9 USD một thùng. Dù vậy, giá Brent cách xa mức đáy xác lập hồi tháng 9, là 69 USD.

china-oil-reuters-1-4506-1730710454.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XWrUftffVu7Czis8ceDmmg

Một kho dự trữ dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNOOC) tại Trạm Giang. Ảnh: Reuters

Trước đó, OPEC+ đã hoãn kế hoạch nâng sản xuất trong tháng 10 và 11, do giá giảm, nhu cầu yếu và nguồn cung tăng lên. Việc nhà đầu tư bớt lo lắng về xung đột tại Trung Đông cũng gây sức ép lên thị trường.

Đến nay, OPEC và Arab Saudi - nước dẫn đầu tổ chức này - vẫn khẳng định không đặt mục tiêu giá ở mức nào. Các quyết định của họ đều dựa trên yếu tố nền tảng của thị trường và mục đích cân bằng cung - cầu. Dù vậy, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Arab Saudi cần giá quanh 100 USD để cân bằng ngân sách. Thái tử Mohammed bin Salman đang tìm nguồn vốn cho các siêu dự án nhằm cải tổ kinh tế quốc gia này.

OPEC+ ghìm sản xuất 2 năm qua, nhằm ngăn dư cung trên thị trường, khiến giá giảm gây thiệt hại cho các nước thành viên vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Hiện tại, nhóm này giảm sản xuất 2,2 triệu thùng đến hết tháng 12 và 1,65 triệu thùng một ngày tới cuối 2025. Riêng Arab Saudi tự nguyện giảm thêm 2 triệu thùng mỗi ngày từ cuối năm 2022. Tổng cộng, OPEC+ cắt giảm 5,86 triệu thùng, tương đương 5,7% nhu cầu toàn cầu.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022