"Tổng thống Trump đã gây dựng mối quan hệ hợp tác với các hãng xe trong nước và người lao động Mỹ. Thỏa thuận này là chiến thắng lớn với chính sách thương mại của Tổng thống, bằng cách thưởng cho những công ty trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho hãng đã cam kết đầu tư và mở rộng sản xuất tại Mỹ", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trong một thông báo.

Theo nguồn tin của WSJ, các hãng xe đã nộp thuế nhập khẩu ôtô sẽ không phải trả thêm thuế khác, ví dụ thuế nhôm thép. Nếu đã thanh toán các khoản thuế này, họ được hoàn lại. Thuế nhập khẩu 25% áp dụng với xe con và ôtô tải nhẹ vào Mỹ có hiệu lực từ đầu tháng này. Trong khi đó, thuế nhôm, thép bị áp từ tháng 3.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng thay đổi thuế nhập khẩu với linh kiện xe hơi. Thuế này dự kiến có hiệu lực ngày 3/5, với mức 25%. Theo đó, năm đầu tiên, các hãng sẽ được hoàn lại thuế tương đương 3,75% giá trị của một chiếc xe hơi sản xuất tại Mỹ. Mức hoàn cho năm thứ hai là 2,5%, sau đó sẽ chấm dứt.

us-cars-1745898171-1745898212-9766-1745898294.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XDakv245YYE7JRz-NHMdQw

Xe hơi đỗ tại cảng ở San Diego, California (Mỹ) ngày 26/3. Ảnh: Reuters

Trên Reuters, một quan chức Nhà Trắng xác nhận các thông tin này, cho biết thông báo chính thức sẽ được đưa ra ngày 29/4. Đây là động thái xoa dịu mới nhất của Mỹ về thuế nhập khẩu. Các chính sách thương mại của ông thời gian qua đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, gây bất ổn cho hoạt động của doanh nghiệp và làm dấy lên lo ngại kinh tế trượt dốc.

Các hãng xe cho biết họ kỳ vọng ông Trump công bố chính sách xoa dịu này trước khi đến Michigan để kỷ niệm 100 ngày đầu nhiệm kỳ 2. Michigan là quê nhà của 3 hãng ôtô lớn và hơn 1.000 nhà cung cấp linh kiện xe hơi tại Mỹ.

Tuần trước, nhiều hiệp hội xe hơi thúc giục ông Trump bỏ kế hoạch áp thuế linh kiện ôtô. Họ cảnh báo việc này có thể làm giảm doanh số và tăng giá xe. Nhóm này đại diện cho General Motors, Toyota Motor, Volkswagen, Hyundai và nhiều doanh nghiệp khác.

"Phần lớn các hãng cung cấp linh kiện không có đủ tài chính để đối phó với sự gián đoạn đột ngột do thuế gây ra. Nhiều nhà cung cấp đã rơi vào tình trạng khó khăn và có thể đối mặt với việc ngừng sản xuất, sa thải lao động hoặc phá sản. Một nhà cung cấp thất bại cũng có thể khiến dây chuyền sản xuất của hãng bị ngưng trệ", các hiệp hội cảnh báo.

Hà Thu (theo Reuters, WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022