Ông Phùng Văn Chính, xã Tiên Lãnh, huyện trung du Tiên Phước trồng 3.000 cây cau quanh vườn nhà. Trong đó, 200 cây cho thu hoạch từ tháng 8-12. Hiện giá bán cau tại vườn này là 94.000 đồng một kg, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 13.000 đồng.
Một buồng cau nặng 3-5 kg, bán giá 94.000 đồng. Ảnh: Đắc Thành
Với mức giá này, gia đình ông dự kiến thu về hơn 250 triệu đồng. "Lần đầu tiên cau tươi tăng giá chưa từng thấy, bán đắt hơn cả tôm", ông khoe.
Nếu hái mang đến các cơ sở chế biến cau cách nhà 20 km, theo ông Chính, sẽ được thu mua giá 100.000 đồng một kg. "Hiện thương lái săn lùng các nhà vườn có cau để mua liên tục. Nay đang giữa vụ, nếu cuối vụ giá bán có thể tăng lên nữa", ông dự báo.
Cây cau được người dân trồng quanh vườn nhà tạo cảnh quan, lấy trái ăn trầu và bán chủ yếu dịp lễ Tết. Cau trồng khoảng 5 năm bắt đầu cho thu hoạch, đến năm thứ bảy cho quả ổn định. Mỗi cây ra từ 2-5 buồng, bình quân mỗi cây thu khoảng 14 quả.
Cây cau là loại dễ trồng, không tốn công chăm sóc, cho thu hoạch vài chục năm. Loại này chống chọi trước gió bão, ít ngã đổ.
Cách xã Tiên Lãnh hơn 20 km, ông Nguyễn Xuân Học, ở xã Tiên Cảnh trồng khoảng 1.000 cây cau, trong đó có hơn 200 cây ra quả. Ông nhà ở gần cơ sở chế biến, hái và bán giá 100.000 đồng một kg.
"Tôi thu gần 300 triệu đồng. Giá này duy trì thì cây cau giúp nông dân làm giàu. Giá trị kinh tế vượt xa trồng cây gỗ keo, cây ăn quả", ông nói.
Người dân huyện Tiên Phước trồng cau quanh vườn xen lẫn với cây ăn quả. Ảnh: Đắc Thành
Lý giải nguyên nhân cau tăng giá kỷ lục, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết nguồn đầu ra tiêu thụ mạnh qua các nước Trung Quốc, Ấn Độ nên kéo theo giá tăng cao.
Toàn tỉnh có gần 1.000 ha trồng cau, tập trung chủ yếu ở huyện Tiên Phước, Bắc Trà My. Sản lượng bình quân đạt gần 8.000 tấn một năm.
"Để tránh việc được mùa mất giá, được giá mất mùa, ngành nông nghiệp đang tính toán giải pháp. Đây mới là năm đầu tăng giá nên cần theo dõi, sau đó đưa ra khuyến cáo người trồng", ông Vũ nói.
Xã Tiên Cảnh là trung tâm chế biến cau xuất khẩu nước ngoài với gần 10 cơ sở chế biến. Ông Thái Phúc Thịnh, chủ cở sở, cho biết mỗi ngày ít nhất thu mua 10 tấn, ngày nhiều 35 tấn cau tươi về sấy khô xuất sang Trung Quốc.
Cau đưa về xưởng được tuyển chọn, không sứt cuống, trung bình 45-55 quả một kg. Cau tươi được cho vào nồi hơi luộc. Sau hơn một giờ, quả cau chín được vớt ra, đưa lên lò sấy. "Cau khô được xuất sang Trung Quốc làm kẹo. Loại này vị như kẹo gừng, có tác dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể", ông Thịnh cho hay.
Đắc Thành