Bốn doanh nghiệp gồm Công ty TNHH một thành viên vận tải biển Gemadept, Công ty TNHH dịch vụ tiếp vận toàn cầu, Công ty vận tải thủy Tân Cảng và Công ty Tân Cảng Cypress vừa phản ánh bị một số cán bộ hải quan khu vực I (Cục Hải quan TP HCM) gây khó dễ trong kiểm tra hàng hóa quá cảnh. Đây là các doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam - Campuchia.
Theo đó, các doanh nghiệp này cho rằng hải quan khi kiểm tra một container trong tờ khai hàng hóa nhưng lại giữ toàn bộ các container trong lô hàng (30-50 container) khiến hàng ứ đọng. Thời gian hàng bị tạm dừng thông quan đến khi hoàn thành kiểm tra kéo dài 15-45 ngày khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí.
Các doanh nghiệp cũng cho hay, quy định xác suất kiểm tra hàng hóa là 10% nhưng hải quan đa phần kiểm tra tới 100% khiến quá trình thông quan chậm. Ngoài ra, họ cho biết bị hải quan yêu cầu kê khai chi tiết danh mục hàng hóa quá cảnh đóng trong container tương tự như hàng xuất nhập khẩu dẫn đến liên tục bị phạt do lỗi vi phạm hành chính.
Đại điện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu (đầu tiên bên trái) đối thoại cùng hải quan TP HCM. Ảnh: Thi Hà
Những doanh nghiệp này đồng thời cho rằng quy định tại Thông tư 39 khi áp dụng với hàng container quá cảnh trên tuyến vận tải thủy giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia là chưa phù hợp với các tiêu chuẩn vận tải quốc tế.
Bởi theo Hiệp định song phương, người vận chuyển chỉ nhận hàng hóa, thông tin từ hãng tàu biển sau khi hàng đã dỡ xuống cảng biển Việt Nam để thực hiện dịch vụ vận chuyển. Họ không phải là chủ hàng để có thể khai báo chi tiết về lô hàng quá cảnh (hàng hóa không phát sinh thuế nhập khẩu tại Việt Nam).
"Hải quan liên tục kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh và xử phạt doanh nghiệp vận tải với các lỗi như: hàng đóng sai quy cách, sai số lượng... trong khi hàng hóa không thuộc các mặt hàng cấm, còn nguyên niêm phong. Điều này đi ngược điều ước quốc tế", các doanh nghiệp cho biết.
Trước những phản ánh trên, hôm nay, Cục Hải quan TP HCM đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Thanh Long - Chi cục hải quan khu vực I cho hay đã rà soát dữ liệu và khẳng định thông tin tạm giữ 30-50 container khi chỉ kiểm tra một container hàng là chưa đúng. "Trong các trường hợp vi phạm, hải quan chỉ tạm giữ tối đa 15 container", ông nói.
Với sự việc hải quan kiểm tra hàng hóa kéo dài 15-45 ngày có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều hàng hóa xuất trình giấy tờ thủ tục thông quan chậm, có nhiều lô hàng đang kiểm tra gặp mưa, bão phải dời sang ngày khác. Hay những hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm dịch buộc kiểm tra và có giấy kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ Thực vật và các giấy phép con của Bộ Công Thương nên thời gian kéo dài. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp đều không chủ động chuẩn bị thủ tục đầy đủ trước khi thông quan.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Hải quan TP HCM cũng cho rằng, hàng hóa đi ngang lãnh thổ Việt Nam phải kiểm dịch. Đây là quy định liên quan đến chuyên ngành và thông lệ quốc tế. Bởi các quốc gia trên thế giới cũng đều kiểm tra hàng hóa đi qua lãnh thổ của họ - chúng có nguy cơ lây lan dịch bệnh hoặc chất độc hại cho quốc gia.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM, việc kiểm tra hàng hóa quá cảnh theo xác xuất 10%, 20% hay 100% là dựa vào dữ liệu doanh nghiệp. Hiện nay, thủ tục thông quan hoàn toàn online và số liệu được đưa về một đầu mối là Tổng cục Hải quan. Do đó, tùy tình trạng vi phạm của doanh nghiệp mà có những lệnh kiểm tra theo quy định. Nếu doanh nghiệp ít vi phạm hệ thống sẽ miễn kiểm. Ngược lại, tỷ lệ vi phạm cao, lệnh kiểm tra sẽ được hệ thống đưa ra theo mức vi phạm.
Ông Long đưa ra dẫn chứng, tính đến ngày 31/11, bốn doanh nghiệp trên có 3.405 tờ khai, tương đương 27.409 container hàng hóa, tỷ lệ dừng thông quan là 2,21%. Trong đó, số vụ vi phạm tại bốn doanh nghiệp là 383 vụ, tương ứng tỷ lệ 47-56% - cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của 68 doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh (48%).
Đối với yêu cầu kê khai chi tiết danh mục hàng hóa, hải quan TP HCM cho rằng, đây là quy định của Bộ Tài Chính. Nếu doanh nghiệp thấy bất hợp lý có thể kiến nghị cơ quan trên xem xét. Còn các hàng hóa đã qua sử dụng phải có giấy phép của Bộ Công Thương.
Theo Hải quan TP HCM, 11 tháng đầu năm, cơ quan này đã phát hiện nhiều vụ hàng hóa quá cảnh vi phạm. Trong đó, phát hiện nhiều lô hàng khai báo không đúng quy định. Điển hình, lô hàng giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Gia Nguyễn, bị phạt 303 triệu đồng và buộc phải tiêu hủy hàng hóa. Hay lô hàng không có giấy phép khi quá cảnh của Công ty TNHH quốc tế Liên Hoa Việt bị phạt 33 triệu đồng và tịch thu toàn bộ lô hàng trị giá 410 triệu đồng...
Thi Hà