Nhiều ngày qua, hàng trăm nhà đầu tư cá nhân từng rót tiền vào các doanh nghiệp thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy thông qua trái phiếu và "thỏa thuận hợp tác chiến lược", kêu bị chậm trả lãi, không được tất toán tiền gốc. Nhiều người lập thành các nhóm kéo đến cơ sở kinh doanh, trụ sở Egroup và nơi ở của gia đình ông Thủy đòi quyền lợi.

Mỗi ngày trả nửa tỷ đồng chi phí tài chính

Dương Quân (Hà Nội) được người nhà giới thiệu tham gia đầu tư vào Egame - một công ty con thuộc hệ sinh thái Egroup, từ năm 2017. Đến nay, anh cùng cha mẹ và chị gái đã rót hơn 3 tỷ đồng thông qua nhiều thỏa thuận hợp tác chiến lược khác nhau để đổi lấy cổ phần của Công ty mẹ Egroup.

Theo điều khoản quy định, nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phần trong một khoản thời gian (thường là một năm). Đến ngày tất toán, phía Egroup cam kết tìm đối tác hoặc trực tiếp mua lại lượng cổ phần kể trên với giá cao hơn lúc bán ra hoặc tặng thêm một lượng cổ phần nhất định để tái ký thỏa thuận mới. Thời gian đầu, tính chênh lệch giá cổ phần giữa lúc Egame bán ra và mua vào, gia đình anh Quân có thể thu lãi 20-25% (2017-2018), sau giảm dần về 17-18% (2019-2020) và gần nhất (tháng 12/2021) về còn 14-15% một năm.

Trước năm 2020, Egroup đều trả lãi đầy đủ nên từ đấy, gia đình liên tiếp tái ký thỏa thuận mới. Nhưng từ đầu năm 2020, tình trạng chậm trả lãi diễn ra, theo giải thích thời gian đầu của nhân viên môi giới của công ty là vì dịch bệnh ảnh hưởng kết quả kinh doanh. Về sau, doanh nghiệp này dần im lặng. Tình trạng chậm trả lãi cũng xảy ra với nhiều nhà đầu tư khác ký thỏa thuận với công ty con Ecapital và cả những người nắm giữ trái phiếu các doanh nghiệp cùng hệ sinh thái.

"Mất đi khoản lãi từ đầu tư Egroup khiến gia đình tôi hụt khoảng 40% thu nhập hàng tháng", anh Quân nói. Theo anh, bản thân vẫn may mắn vì dùng tiền nhàn rỗi đầu tư. Anh biết nhiều người cầm cố nhà cửa, tài sản hoặc vay vốn ngân hàng khi lúc bấy giờ lãi suất Egroup đưa ra chênh lệch 5-7% một năm. Những trường hợp này hiện lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi bị ngân hàng siết nợ, trong khi Egroup chậm trả lãi thời gian dài.

Với Tập đoàn Egroup là công ty mẹ, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Các công ty con nổi bật gồm Apax Holdings (IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Ngoài ra, hệ sinh thái này còn có hai thành viên là Công ty Egame và Công ty Ecapital. Trong đó, chỉ Apax Holdings là công ty duy nhất được niêm yết và đứng sau nhiều thương vụ đầu tư lớn của ông Nguyễn Ngọc Thủy.

Số liệu từ báo cáo tài chính của Apax Holdings cho thấy, đến hết quý III, doanh nghiệp này có hơn 1.980 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, giảm khoảng 18 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tỷ lệ vay và nợ thuê tài chính trên vốn chủ sở hữu hơn 1,2 lần. Gánh nặng trên khiến doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy phải trả trung bình gần nửa tỷ đồng chi phí tài chính mỗi ngày trong 9 tháng đầu năm, chủ yếu là chi phí lãi vay.

IBC không thuyết minh rõ cơ cấu vay nợ tính đến cuối quý III. Trong khi đó, ở báo cáo tài chính bán niên, doanh nghiệp này liệt kê gồm vay ngân hàng, trái phiếu và hợp đồng vay với các cá nhân. Trái phiếu là kênh huy động vốn chính, chiếm hơn 60% cơ cấu.

Theo thông tin công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, hệ sinh thái của Egroup đang có 6 lô trái phiếu còn hiệu lực do Apax Holdings, Apax Leaders và Igarden phát hành. Tổng giá trị các lô hơn 1.340 tỷ đồng, đa số có lãi suất 12-12,5% một năm. Phần lớn tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu trên là cổ phần của Apax Leaders.

Hụt dòng tiền do Covid và tăng trưởng nóng

Nói với VnExpress, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Tập đoàn Egroup, xác nhận có tình trạng chậm trả lãi trái phiếu và hợp đồng hợp tác kinh doanh trong thời gian qua. Ông thừa nhận hệ sinh thái này "gặp khó khăn, bất lợi trên nhiều mặt". Khó khăn lớn nhất là dòng tiền do các hệ thống giáo dục bị đóng cửa vì dịch bệnh hai năm qua, tạo áp lực tài chính nặng nề, làm đứt gãy dòng tiền.

"Đây là nguyên nhân chính kéo theo các khó khăn khác về kinh doanh, vận hành, lương, rút phí và cả về truyền thông", ông Thủy nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Egroup, một nguyên nhân khách quan là khi dịch bệnh bùng phát, họ duy trì giảng dạy cho lượng lớn học viên bằng công nghệ với chi phí lên đến vài triệu USD. Đồng thời, họ vẫn phải duy trì hệ thống các trung tâm offline và chi trả toàn bộ khoản phí mặt bằng, dịch vụ, vận hành...

Mỗi tháng chi phí hoạt động của chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh tốn hơn 100 tỷ đồng, tổng cộng doanh nghiệp phải gánh gần 1.000 tỷ đồng. "Đã lường trước rủi ro nhưng Covid-19 kéo dài hơn dự kiến khiến các kế hoạch bị vỡ và xảy ra khủng hoảng như hiện nay", ông nói thêm.

Sau giai đoạn mở cửa, theo ông Thủy, công ty gặp khó khăn tiếp về vốn do tác động của thị trường liên ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu.

Bình luận về điều này, lãnh đạo người nước ngoài của một doanh nghiệp đào tạo online cho rằng, các hệ thống giáo dục offline khi chuyển sang giảng dạy trực tuyến thường gặp nhiều khó khăn hơn các đơn vị thuần online, cần số vốn lớn. Nhưng nếu mất hàng nghìn tỷ đồng, phần nào chứng tỏ khả năng quản trị và hiệu quả của bộ phận thực hiện chuyển đổi số chưa cao.

Trong thời gian dồn hàng triệu USD phát triển công nghệ dạy học online, Egroup chậm trả lương và hoàn thành các nghĩa vụ bắt buộc cho người lao động trong suốt giai đoạn cuối năm 2019 đến nay. Mới đây, Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố 5 công ty thuộc hệ sinh thái Egroup nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 6-24 tháng. Tổng số tiền nợ gần 26 tỷ đồng với hơn 1.000 lao động.

Hệ quả là hàng loạt nhân viên chọn cách nghỉ việc, trong đó có nhiều giáo viên nước ngoài - vốn là điểm bán hàng đặc trưng (USP) của hệ thống Anh ngữ này. Kéo theo đó, bê bối phụ huynh chỉ trích chất lượng giảng dạy của Apax Leaders giảm sút, yêu cầu bồi hoàn học phí diễn ra tại nhiều địa phương.

Trong số những tác nhân đẩy Egroup vào khủng hoảng hiện nay, ông Thủy - nhà sáng lập và là người dẫn dắt doanh nghiệp 14 năm qua - cũng thừa nhận với VnExpress "có nhiều nguyên nhân chủ quan".

"Chúng tôi đã có chiến lược phát triển khá nóng trong năm 2019. Nếu không gặp phải Covid-19, theo tính toán, chiến lược này sẽ rất thành công trong giai đoạn 2020 trở đi", ông nói.

Riêng về Apax Leaders, trong giai đoạn 4 năm đầu, Egroup tập trung mở rộng quy mô với gần 130 trung tâm tại hơn 30 địa phương với mục tiêu phủ 50% tỉnh, thành cả nước. Theo kế hoạch sau 5 năm, chuỗi tiếng Anh này sẽ có "trạm nghỉ" để kiện toàn hệ thống, tập trung nâng cao chất lượng và chương trình, cơ cấu lại tài chính (gọi vốn và làm việc với các quỹ đầu tư) để giảm chi phí vay.

Nhưng nhiều nhà đầu tư lại có ý kiến khác, họ nghi vấn Egroup dùng vốn kêu gọi để rót vào các hoạt động đầu tư chứng khoán, tiền số, bất động sản... thay vì hoạt động kinh doanh cốt lõi.

"Đồng ý dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, nhưng số tiền ông Thủy huy động rất lớn, tôi không tin có thể tiêu hàng nghìn tỷ đồng cho việc duy trì mặt bằng, trả lương nhân viên trong hai năm qua", một nhà đầu tư nêu ý kiến.

Về việc này, ông Nguyễn Ngọc Thủy khẳng định chưa từng đầu tư vào chứng khoán hay tiền số. Trên báo cáo tài chính, doanh nghiệp này có 100 tỷ đồng trong chứng khoán, được thuyết minh là cổ phiếu của công ty con Ecapital. Về bất động sản, sau quá trình hoạt động, ông nhận thấy chi phí thuê mặt bằng lớn, cao hơn cả lãi vay. Do đó, doanh nghiệp này hợp tác thành lập công ty hạ tầng giáo dục, mua các trường liên cấp, mua đất để xây dựng khu trải nghiệm và nghỉ dưỡng liên quan giáo dục... Theo lời ông Thủy, "bản chất là đầu tư bất động sản phục vụ cho giáo dục".

Ông Nguyễn Ngọc Thủy: 'Tôi cần sự bao dung và chia sẻ'

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, Chủ tịch Egroup khẳng định sẽ gầy dựng lại hệ sinh thái. Song ông Thủy mong nhà đầu tư có thể tiếp tục tái ký thỏa thuận và giảm lãi trong 2-3 năm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Giải thích về phương án trên, ông Thủy nói hiện toàn hệ thống cần dồn toàn lực vào hoạt động kinh doanh - cách duy nhất. Egroup bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn 2 năm, theo tính toán của ban lãnh đạo cần khoảng 2-3 năm để phục hồi như ban đầu.

"Đó là trong trường hợp chúng tôi tự lực với nội lực hạn hẹp hiện nay. Nếu có quỹ đầu tư lớn đi cùng trong thời gian tới, câu chuyện có thể sẽ khác", ông giải thích.

anh-3-1671096000-1671096039-7642-1671096451.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eGTWiXBJgTZ553DPZJrX8Q

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (giữa) và lãnh đạo Egroup trong buổi gặp mặt cổ đông ngày 10/12. Ảnh: Egroup

Tính toán của ông Thủy nêu ra dựa trên kịch bản tái cấu trúc toàn bộ hệ thống Apax Leaders để tối ưu các chi phí về mặt bằng và vận hành, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giảng dạy. Sau 3 tuần thực hiện, doanh nghiệp này cho biết đã ổn định nhân sự tại các trung tâm đủ điều kiện hoạt động và các trung tâm được ưu tiên tái cấu trúc trước. Công ty cũng đang đàm phán với chủ nhà nhằm đạt chi phí thuê phù hợp.

Về nghĩa vụ với người lao động, ban lãnh đạo sẽ hoàn trả tất cả khoản thu nhập và lương còn nợ nhân viên. Bên cạnh đó, Egroup dự kiến áp dụng chính sách thưởng cổ phiếu cho nhân viên để "bù đắp".

"Mong các cán bộ, nhân viên - những người đang làm việc và đã nghỉ việc, cho tôi gửi một lời xin lỗi. Đây là điều không mong muốn", ông chia sẻ.

Dẫu vậy, Egroup cho biết còn một bộ phận cổ đông chưa đồng thuận với các phương án do doanh nghiệp này đề xuất, chủ yếu liên quan tới tỷ lệ lãi suất và thời gian tái ký gia hạn thỏa thuận. Ông Thủy nói nguyên nhân là nhà đầu tư "chưa tin tưởng vào tính khả thi của kế hoạch phục hồi hệ thống và lộ trình hoàn trả tiền trong 2-3 năm tiếp theo". Các nội dung chưa thống nhất sẽ được đại diện Egroup và cổ đông tiếp tục đàm phán trong các buổi gặp mặt và làm việc thời gian tới.

"Lúc này mong mỏi nhất của tôi là được sự bao dung, chia sẻ của cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng. Chúng tôi mong được có thêm cơ hội và thời gian", ông Nguyễn Ngọc Thủy nói.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022