Đồng yen Nhật đang rớt giá mạnh, thời gian qua liên tục tạo đáy. Tôi dự định đầu tư đồng yen với số vốn thử nghiệm khoảng 50 triệu đồng. Trước mắt do chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi tính vừa nghiên cứu, vừa thử rót vốn lần lượt. Sau đó, nếu khả quan, tôi rút thêm tiền từ kênh chứng khoán qua đầu tư ngoại tệ.

Theo chuyên gia, tôi nên lưu ý và cẩn trọng điều gì?

Thiên Vũ

Chuyên gia tư vấn:

Tính từ đầu năm đến nay, đồng yen (JPY) đã mất giá khoảng 9% so với USD. Trong bối cảnh hiện nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể còn tiếp tục tăng lãi suất, dù mức tăng không cao như giai đoạn trước. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, sẽ làm cho chênh lệch lãi suất đồng USD và JPY càng nới rộng.

Với bối cảnh này, nguy cơ đồng yen còn tiếp tục mất giá là cao. Theo chia sẻ của "Mr Yen" - Eisuke Sakakibara, nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, trên Bloomberg, đồng JPY có thể còn mất giá thêm 10% so với USD tính tại mức hiện nay. Do đó, tôi cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm phù hợp để đầu tư JPY. Việc này nên được xem xét sau khi lãi suất USD đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm sẽ lợi thế hơn.

Ngoài ra, nếu nhà đầu tư sử dụng VND, phải tính đến tỷ giá chéo giữa JPY và VND với trung gian là đồng USD. Bạn cần so sánh độ mất giá giữa 2 đồng tiền này so với USD.

1x-1-jpeg-7230-1689232004.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LzSw5Zx2c0cLiNABJYv3AQ

Ngoài đầu tư theo dạng nắm giữ, có thể bạn còn quan tâm đến thị trường Forex của yen Nhật. Theo tôi, thị trường này nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ. Dưới đây tôi nêu ra một số rủi ro chính nhà đầu tư cần phải biết khi tham gia thị trường ngoại hối nói chung.

Thứ nhất là rủi ro pháp lý. Việc cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư Forex là hành vi không được phép ở thị trường Việt Nam (được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối) và Chính phủ quy định các mức xử phạt đối có thể lên đến 100 triệu đồng (độc giả có thể tham khảo tại Điều 23 Nghị định 88/2019). Việc đầu tư gián tiếp thông qua CFD (hợp đồng chênh lệch giá) lại khá mập mờ và tôi sẽ nêu trong phần sau.

Do đó, việc đầu tư Forex sẽ đối mặt hai rủi ro, gồm: có thể bị xử phạt nếu bị phát hiện và không được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích khi có rủi ro khác phát sinh.

Thứ hai là rủi ro sàn giao dịch. Vì không được phép hoạt động hợp pháp, các sàn giao dịch Forex thường ở nước ngoài. Việc giao dịch thực tế chủ yếu là các giao dịch CFD (hợp đồng chênh lệch giá). CFD, viết tắt của Contract For Difference, là hợp đồng thỏa thuận giữa người mua và người bán để trao đổi chênh lệch giữa giá mở cửa và giá đóng cửa của cổ phiếu, forex, hàng hóa hay kim loại giao ngay. Không giống như những loại tài sản nêu trên, CFD là một dạng giao dịch phái sinh.

Ở đầu tư Forex, giải thích một cách đơn giản, các nhà đầu tư nộp tiền vào một sàn và mua - bán. Việc mua - bán này không phải là mua - bán tài sản thực (ngoại hối thực) mà là một dạng phái sinh thanh toán trên biến động tỷ giá các loại ngoại hối.

Các giao dịch CFD này khá rủi ro, các tài sản có khả năng mất thanh toán khi các vị thế ngoại tệ trên sàn không cân đối và biến động theo hướng bất lợi cho sàn. Khi sàn giao dịch mất khả năng thanh toán, nhà đầu tư cũng không nhận lại được số tiền mà mình đã đầu tư.

Vậy rủi ro các sàn giao dịch là rất lớn. Thứ nhất, nhiều sàn lập ra với mục đích lừa đảo, báo chí cũng đăng tải nhiều vụ việc nhà đầu tư bị lừa bởi các sàn kiểu này. Thứ hai, khi sàn mất khả năng thanh toán, nhà đầu tư sẽ mất một phần hay toàn bộ tài sản đã nộp vào dù thắng hay thua. Trường hợp này tương tự nhiều sàn tiền số gần đây gặp phải khi nhiều đồng tiền mất giá.

Thứ ba là rủi ro đầu tư. Việc đầu tư Forex rủi ro vì thời gian giao dịch rộng, tỷ giá có thể biến động 24 giờ mỗi ngày (trừ cuối tuần theo múi giờ). Do đó, nhà đầu tư khó kiểm soát được các diễn biến tỷ giá ngoài giờ sinh hoạt tại nơi mình sống.

Kênh ngoại hối là một kênh rất rủi ro và không phù hợp cho hầu hết các nhà đầu tư cá nhân. Ở các nước phát triển, việc đầu tư vào Forex cũng thường tập trung chủ yếu vào các định chế tài chính hoặc một ít bên đầu tư chuyển nghiệp.

Dự định của bạn là thử nghiệm với 50 triệu đồng, sau đó sẽ rút tiền từ kênh chứng khoán sang kênh ngoại hối. Theo tôi, đây là cách đầu tư không an toàn và không đảm bảo cho việc xây dựng tài sản dài hạn bền vững.

Huỳnh Hoàng Phương

Giám đốc Khối Nghiên cứu, Phân tích Đầu tư - Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022