Nhận định này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu tại họp báo Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2023, chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững", sáng 18/9.

Theo ông Thanh, 8 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát khi chỉ tăng 3,1%, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang đối diện lạm phát cao. Các cân đối lớn nền kinh tế như nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ vẫn trong tầm kiểm soát và dưới trần Quốc hội giao. Hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện khi năm ngoái Việt Nam là quốc gia duy nhất tại ASEAN được Moody's nâng hạn tín nhiệm.

"Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong tổng thể bức tranh xám màu của kinh tế thế giới", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá.

Vu-Hong-Thanh2-2052-1694922758.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZP3zrtIKkjtDkz2__voM6A

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trả lời tại họp báo sáng 18/9. Ảnh: Hoàng Phong

Theo báo cáo của Chính phủ, GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn quý đầu năm 3,28 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, theo ông Dũng, giúp cải thiện tốc độ tăng GDP nửa đầu năm nay, đạt 3,72% và cả năm.

Hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8, tăng gần 18% cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng, số lập mới tăng 2,3% cùng kỳ, với 103.700 doanh nghiệp. Khu vực dịch vụ tăng nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá, nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, nhưng khó chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

Tuy vậy, tại họp báo hôm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nội tại nền kinh tế hiện cũng nảy sinh những điểm nghẽn, như một số động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) tăng chậm lại, cần tháo gỡ.

Giải ngân đầu tư công 8 tháng đạt trên 42,3% nhưng vẫn chậm; sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn sau dịch Covid-19 khi sản xuất khó khăn, thiếu đơn hàng. Thị trường trái phiếu, vốn cần giải quyết nhanh hơn, khi tiếp cận tín dụng vẫn khó khăn.

Nói thêm, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết dự báo năm nay một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội phản ánh chất lượng tăng trưởng sẽ không hoàn thành, như tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội GDP hay năng suất lao động.

"Tăng trưởng là tốt nhưng cái gốc vẫn phải là năng suất lao động về dài hạn", ông Hiển nói, và thêm rằng tăng cường năng lực nội sinh, tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững sẽ được giới chuyên gia, đại biểu dự diễn đàn bàn thảo, hiến kế.

Liên tới chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), tại kỳ họp hồi tháng 6, Quốc hội quyết nghị giảm 2% với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% đến hết năm 2023, trừ lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Trước câu hỏi có nên kéo dài giảm thuế VAT hay không, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, qua khảo sát sơ bộ thì người dân, doanh nghiệp vẫn muốn kéo dài chính sách này thời gian tới. Ông cho rằng, thị trường nội địa là yếu tố quan trọng, nên kéo dài chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế chung, tiêu dùng nội địa.

Năm 2022, việc giảm 2% thuế VAT giúp doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước. Thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Về sửa thuế thu nhập cá nhân, trong đó có nâng mức giảm trừ gia cảnh, ông Thanh cho hay, nhiều ý kiến nêu ra nhưng hiện Ủy ban Tài chính, ngân sách chưa nhận được tờ trình này. Do đó, trách nhiệm của Quốc hội phải đôn đốc.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022