Tại các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang giá cam xoàn, sành hiện tăng 5.000-6.000 đồng mỗi kg so với tháng trước đó và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thương lái ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết đang mua cam xoàn với giá 20.000-25.000 đồng một kg, cam sành 14.000-20.000 đồng một kg, bình quân tăng khoảng 5.000-6.000 đồng so với tháng trước.
Cam loại 1 tại chợ TP HCM được bán với giá 45.000-70.000 đồng một kg. Ảnh: Hồng Châu.
Anh Hoàng, một nhà vườn cho hay, đây là giá bán cao nhất trong khoảng ba năm qua. Với giá này, người trồng cam lãi gần 10-15 triệu đồng trên 1.000 m2. "Vụ năm nay nhà tôi có 3.000 m2 (0,3 ha) nên cũng lãi khoảng 40 triệu đồng một vụ", anh nói..
Tuy nhiên, theo anh Hoàng, cam năm nay không nhiều trái như mọi năm do dịch bệnh tấn công mạnh. Ngoài ra, Covid-19 lan rộng nên anh không dám đầu tư nhiều như mọi năm nên năng suất thấp. Không chỉ gia đình anh, nhiều nhà vườn trồng cam tại đây cũng thu hẹp diện tích vì sợ thua lỗ do sâu bệnh và Covid -19.
Hiện tại huyện Phụng Hiệp chỉ còn khoảng 3.700 ha trồng cam. Trong đó, cam xoàn chiếm khoảng 300 ha, còn lại là cam sành.
Tại Đồng Tháp, các loại cam cũng có giá dao động 18.000-24.000 đồng một kg. Theo ông Hùng - một thương lái thu mua cam tại đây, năm nay do ảnh hưởng của bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi nên năng suất cam bị giảm khoảng 30% khiến giá tăng cao.
Ông Hùng cho hay, nếu các năm trước, mỗi ngày ông xuất khoảng 4-5 tấn cam đi các tỉnh, nay chỉ còn 2-3 tấn, thậm chí có ngày được 1-2 tấn. Ngoài ra, mẫu mã cam năm nay cũng không đẹp như mọi năm nhưng vì khan hàng nên giá liên tục tăng.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp cho thấy, giá các loại trái cây tại tỉnh này đang giảm ở mức 5.000-6.500 đồng một kg. Tuy nhiên, chỉ có giá cam tăng 6.000 đồng so với tháng trước, lên 24.000 đồng một kg.
Khảo sát tại các chợ và cửa hàng ở TP HCM, sản lượng cam bán ra không đủ cung ứng cho thị trường. Theo các tiểu thương, giá cam bán lẻ đang dao động 35.000-70.000 đồng một kg (tùy từng loại). Giá bán ra cao nhưng nguồn hàng về chợ không nhiều do mất mùa.
Hồng Châu