Chín mươi năm sau khi ra đời, Air France vẫn trong tình trạng vận hành tốt, theo Le Monde. Thực tế, hãng hàng không này đã phát triển hơn rất nhiều so với khi được thành lập vào ngày 7/10/1933. Đó là thời điểm Bộ trưởng Hàng không Pháp là Pierre Cot cho sáp nhập 4 hãng hàng không đang gặp khó khăn tài chính để tạo ra Air France giữa vòng vây khủng hoảng kinh tế 1929.

Laurent Dahyot, Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động (CGT) Air France, cũng thừa nhận điều đó. "Về mặt kinh tế, công ty đang hoạt động tốt hơn nhiều so với hai hoặc ba năm qua", ông xác nhận

Anne Rigail, CEO và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Air France, cho biết 2023 là "một năm tốt lành". Trong quý II, hãng ghi nhận doanh thu hoạt động tích cực là 482 triệu euro. Điều này đánh dấu sự phục hồi đáng kể, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ trên các tuyến bay dài hạn và đặc biệt là trên tuyến Bắc Đại Tây Dương.

fed1-73-1697191101-8072-1697191999.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=A-cDHn9edN8ow89tSHq-jg

Benjamin Smith, CEO Air France-KLM tại lễ sinh nhật 90 năm của công ty hôm 27/9. Ảnh: Reuters

Được thành lập vào năm 1933, Air France - và ngành hàng không Pháp nói chung chỉ có được hình hài như ngày nay từ sau Thế Chiến II. Giống như Renault, Air France được quốc hữu hóa vào năm 1948, tập trung vào các chuyến bay đường dài. Từ những năm 1960 trở đi, với bộ đồng phục nổi tiếng được thiết kế bởi Marc Bohan của Dior, Air France đã trở thành một phần của hình ảnh nước Pháp. Người dân tập trung tới sân bay Orly vào các ngày chủ nhật ngắm những chiếc máy bay Caravelles và Boeing 707 của Air France cất cánh lên bầu trời.

Vòng luẩn quẩn thua lỗ

Vào năm 1963, Air France đối mặt với sự cạnh tranh từ hai đối thủ mới: UTA, chuyên các chuyến bay đến châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương; và Air Inter, tập trung đường bay nội địa. Để giải quyết bài toán cạnh tranh với hai đối thủ, Air France thâu tóm UTA, sau đó là Air Inter vào những năm 1990.

Ngày 26/1/1976, máy bay siêu thanh Concorde ra đời, tượng trưng cho thời kỳ thịnh vượng của hãng. Vào ngày hôm đó, Air France ra mắt đường bay Paris đến Rio (Brazil) bằng phương tiện tối tân này.

Nhưng chiếc Concorde lại ngốn nhiên liệu, nhất là ngay sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Vận hành nó luôn lỗ nên đến 2003, Air France dừng khai thác Concorde, 3 năm sau vụ tai nạn Gonesse khiến 113 người thiệt mạng khi máy bay đâm vào một khách sạn ngay sau cất cánh.

fed1-2-1-3869-1697192000.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=32BPNKLH6Wj9uSb9byL7bA

Một chiếc Concorde của Air France cất cánh năm 1998 ở Cologne, Đức. Ảnh: AP

Nhưng vụ tai nạn này chỉ là một trong nhiều khó khăn kéo dài từ đầu thập kỷ trước của Air France. Việc mua lại UTA với giá tương đương hơn một tỷ euro vào năm 1990 đã đẩy hãng vào khủng hoảng. Chỉ một năm sau thâu tóm, tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn, với sự bùng phát của Chiến tranh Vùng Vịnh.

Điều này đánh dấu sự bắt đầu vòng luẩn quẩn của thua lỗ và cắt giảm nhân sự. Nợ nần của hãng đạt đỉnh hơn 37 tỷ franc (5,6 tỷ euro), khiến CEO Bernard Attali mất chức. Ghế nóng được trao lại cho Christian Blanc vào tháng 10/1994. Để cứu công ty khỏi phá sản, ông cắt giảm 5.000 lao động và xin chính phủ Pháp hỗ trợ 20 tỷ franc, tương đương 3,04 tỷ euro.

Sau viên thuốc đắng này, Air France tưởng chừng sẽ tận hưởng cuộc sống mới với tình hình tài chính ổn định lại. Nhưng nỗi đau mới dần thành hình, kể từ khi Jean-Cyril Spinetta tiếp nhận vị trí CEO vào 1997. Năm 1999, ông thuyết phục Delta Airlines (Mỹ) cùng Air France tạo liên minh Sky Team. Liên minh này hướng đến tầm nhìn liên doanh, hợp nhất hai đồng minh ở Bắc Đại Tây Dương, thành một công ty chung với doanh thu dồi dào gần 15 tỷ euro mỗi năm.

Ngoài Air France và Delta, Sky Team dần có thêm Aeroflot, Aeroméxico, Air Europa, Alitalia, China Southern, Czech Airlines, Kenya Airways, KLM Royal Dutch Airlines, Korean Air, Vietnam Airlines và Tarom. Năm 2004, CEO Spinetta tận dụng thời cơ tư nhân hóa Air France để mua hãng bay KLM (Hà Lan) với giá chỉ 800 triệu euro, tạo thành Air France-KLM.

Nhưng niềm vui không kéo dài. Khủng hoảng tài chính 2008 khiến mọi thứ đình trệ, đến mức Air France lại chìm trong thua lỗ. Một năm sau, ngày 1/6/2009, Air France trải qua một trong những giờ phút đen tối nhất lịch sử với vụ tai nạn chuyến bay AF 447 từ Rio đến Paris, khiến 228 người thiệt mạng.

Thảm kịch gây rạn nứt quan hệ giữa các phi công và hãng hàng không, cũng như giữa hãng hàng không và Airbus, nhà sản xuất máy bay A330. Sau gần 14 năm điều tra và xét xử, Airbus và Air France bị truy tố về tội "vô tình ngộ sát", được Tòa án Hình sự Paris tuyên trắng án vào ngày 17/4/2023, trước sự thất vọng của các phi công và các nạn nhân.

Đó là khởi đầu của thời kỳ đen tối mà công ty phải mất nhiều năm mới có thể vượt qua. Một loạt các CEO đến trình kế hoạch và ra đi liên tục. Sau Spinetta, Pierre-Henri Gurgeon chỉ tồn tại được hai năm. Được bổ nhiệm làm CEO Air France vào cuối 2011, Alexandre de Juniac đã đưa ra kế hoạch "Transform 2015" nhằm giảm nợ bằng cách giảm nhân viên. Không khí trở nên căng thẳng, đỉnh điểm là việc Giám đốc nhân sự Xavier Broseta bị xé rách áo sau khi công bố kế hoạch sa thải. Jean-Marc Janaillac chỉ điều hành được hai năm.

fed1-28-jpeg-1596-1697192000.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xWln9CQtZqSlK7EVJvZS2g

Ông Xavier Broseta tháo chạy khi bị xé áo trong cuộc đình công tháng 10/2015. Ảnh: Reuters

Chương mới nhờ CEO ngoại

Phải đến khi Benjamin Smith, một người Quebec, từng là phó tổng giám đốc của Air Canada và là người nước ngoài đầu tiên được bổ nhiệm làm CEO Air France-KLM, kiêm quyền CEO Air France, vào tháng 8/2018, hãng mới hồi sinh.

Tân CEO đến từ Canada tiếp quản ghế nóng khi cuộc đình công kéo dài của phi công khiến Air France thiệt hại 335 triệu euro. "Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi nói: Ông mất trí rồi à?", Smith kể lại quyết định đến Pháp khi ấy. Nhưng ông không hề hối hận."Nếu bạn không thích thử thách, bạn không nên kinh doanh hàng không", ông bình luận.

Thành tựu lớn nhất của Smith là cải thiện mối quan hệ lao động tồi tệ của Air France. Giới công đoàn khi ấy cho rằng việc bổ nhiệm một người nước ngoài là ý đồ có liên quan đến liên minh với Delta. "Chúng ta sẽ chào đón ông ấy bằng một cuộc đình công ngay khi bước xuống máy bay. Hãy giới thiệu ông ấy với nước Pháp", Smith nhớ lại lời tuyên bố của công đoàn.

Đáp lại, khi đến Paris, Smith lao vào tìm hiểu nhanh về 17 công đoàn khác nhau và hệ tư tưởng tương ứng của họ. "Bạn không phải đang làm việc với một nhóm khi đàm phán. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để thực hiện bước đầu tiên nhằm cố gắng tạo dựng lòng tin", ông nói.

fed1-74-8544-1697192000.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dUu6tLFPkVK6Q8u7pDxWsQ

Benjamin Smith, CEO Air France-KLM. Ảnh: Irish Times

Hơn một năm sau, các thành viên công đoàn lại nói với Le Monde rằng Smith được "tôn thờ như một ngôi sao nhạc rock" trong công ty. Các nhân viên thích việc ông ấy biết mình đang nói về điều gì. Và đặc biệt, ông đã ký các thỏa thuận tăng lương cho tất cả nhân sự. "Lần này, chúng tôi có một người hiểu rõ mình đang làm gì, một người trong ngành", Carl Grain, Chủ tịch của Hội Phi công Hãng hàng không Quốc gia Air France (SNPL), thốt lên.

Theo Irish Times, các doanh nghiệp khác có thể tham khảo bài học của Smith ở phong cách quản lý khiêm tốn, niềm nở, dựa trên sự tôn trọng, trái ngược với vẻ kiêu kỳ của những người tiền nhiệm. Smith cũng tinh gọn bộ máy và cải thiện hiệu suất. Thời gian ăn trưa của người Pháp mà công đoàn cho là "thiêng liêng" phải ngắn hơn.

Tân CEO bất ngờ vì chưa điều hành công ty nào có nhân lực học vấn cao đến thế. "Thật không thể tin được. Thạc sĩ phụ trách chức năng không cần bằng thạc sĩ. Điều này có thể khiến việc thiết kế những thứ tương đối đơn giản trở thành một thách thức. Đối với tôi, chúng ta cần giảm bớt một số phòng ban vì công ty quá phức tạp", ông nói.

Riêng bộ phận Air France, với đề cử của Smith, Hội đồng quản trị Air France-KLM và Hội đồng quản trị Air France chấp thuận bổ nhiệm Anne Rigail làm CEO Air France từ 12/12/2018. Bà Anne cùng với Pieter Elbers, Chủ tịch kiêm CEO KLM sẽ cộng tác với Smith để lãnh đạo hãng bay. "Năm năm sau khi Benjamin Smith đến, công ty đã hiện đại hóa, cải cách và hoạt động tốt hơn", Carl Grain nói.

Smith cũng không bận tâm tư tưởng Airbus là người châu Âu và Boeing của Mỹ. "Đó chỉ là công nghệ", ông nói. Vì vậy, ông lựa chọn thương hiệu chỉ bằng các tiêu chí giá cả, tính phổ biến, tính đơn giản và kích thước phù hợp nhu cầu. Trong một số trường hợp, Boeing hợp lý nhất. "Vì vậy, đối với chúng tôi, thực sự chỉ có một sự lựa chọn", ông thẳng thắn.

Nhưng thách thức từ bên ngoài lại ập đến. Vào thời kỳ đại dịch Covid-19, Air France đã rất gần với việc phá sản. Khi nền kinh tế bị gián đoạn vào tháng 3/2020, hầu hết máy bay bị xếp xó, dẫn đến việc lỗ 10 đến 25 triệu euro mỗi ngày.

Tổng cộng, cuộc khủng hoảng đã khiến hãng hàng không Pháp - Hà Lan thiệt hại hơn 10 tỷ euro. Để cứu nó, hai chính phủ đã vào cuộc với hai khoản vay trị giá 7 tỷ euro cho Air France, cộng thêm 3,4 tỷ euro tiền vay và viện trợ từ Hà Lan để duy trì hoạt động cho KLM.

Dịp kỷ niệm sinh nhật 90 vừa qua, CEO Air France Anne Rigail cho biết công ty đã hoàn trả tất cả các khoản nợ, viện trợ trực tiếp và gián tiếp của chính phủ Pháp cùng với hàng trăm triệu euro tiền lãi. Tất nhiên, cái giá cũng không nhỏ.

"Kể từ năm 2008, một phần ba nhân viên của chúng tôi đã rời đi. Ngày nay, chúng tôi chỉ còn khoảng 40.000 người, so với khoảng 72.000 năm 2008", Chủ tịch công đoàn CGT của Air France Dahyot cho biết.

CEO Rigail nói rằng hãng đã bắt đầu tuyển dụng trở lại kể từ 2021. Công ty đặt mục tiêu tuyển được 500 phi công và 300 tiếp viên trong năm nay.

Phiên An (theo Le Monde, Irish Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022