Apple

Giá trị thương hiệu: 516,6 tỷ USD

DSCF1108-1362-1706878162.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BKSgwLeZf0l1AkeUiEeoxQ

iPhone 15 Pro Max xám và đen tại California, Mỹ. Ảnh: Tuấn Hưng

Giá trị thương hiệu của Apple tăng đến 74% năm qua, từ mức 219 tỷ USD hồi 2023. Mức tăng xấp xỉ bằng tổng giá trị các thương hiệu Starbucks, Mercedes-Benz, Tesla và Porsche cộng lại, theo công ty tư vấn toàn cầu về quản lý và định giá thương hiệu Brand Finance (Anh).

Apple đạt được sự gia tăng đáng kể về giá trị thương hiệu ngay cả khi thị phần điện thoại gần như chững lại. Điều này nhờ việc mở rộng hệ sinh thái và khuyến khích người dùng nâng cấp lên những chiếc iPhone có giá trị cao hơn.

David Haigh, Chủ tịch kiêm CEO Brand Finance đánh giá Apple đã tăng giá trị thương hiệu bản thân thông qua chiến lược đa dạng hóa và cao cấp hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào doanh số bán iPhone để chuyển sang đầu tư vào các thiết bị đeo và dịch vụ như đăng ký Apple TV.

"Theo nghiên cứu của chúng tôi, hơn 50% số người được hỏi công nhận Apple đắt tiền nhưng đáng giá, củng cố khả năng để họ yêu cầu khách hàng phải chi nhiều hơn", ông nhận xét.

Microsoft

Giá trị thương hiệu: 340,4 tỷ USD

building-1011876-1280-3154-1706878163.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3pc4o4uJfRQ4RHHb26Cb-Q

Logo của Microsoft trên một tòa nhà. Ảnh: Pixabay

Giá trị thương hiệu của Microsoft tăng đến 78% năm qua, giúp họ tăng hai bậc trên bảng xếp hạng. Đầu tư của Microsoft vào việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trên các nền tảng đã giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của tập đoàn và định vị Microsoft là nhà đổi mới công nghệ hàng đầu.

Nghiên cứu thị trường của Brand Finance đánh giá Microsoft có danh tiếng mạnh của về sự đổi mới, hiện đại và đáng tin cậy.

Google

Giá trị thương hiệu: 333,4 tỷ USD

cloudfront-us-east-2-images-ar-1187-7309-1706878163.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D72DHWTq7j7awJzlCtzTZw

Một tấm biển được chụp bên ngoài văn phòng Google gần trụ sở chính của công ty ở Mountain View, California tháng 5/2019. Ảnh: Reuters

Là một trong 5 thương hiệu công nghệ của Mỹ trong Top 10, Google tụt lại phía sau các công ty cùng ngành ở Thung lũng Silicon như Apple và Microsoft về giá trị thương hiệu nhưng vẫn duy trì được vị trí thứ 3 như năm ngoái, nhờ giá trị thương hiệu tăng gần 19%.

Thương hiệu của Google thể hiện mức độ quen thuộc, sử dụng và hài lòng của khách hàng đặc biệt cao. Tuy nhiên, thời gian qua, Google cũng đối diện một số thách thức. Họ phải giảm 6% lực lượng lao động trong bối cảnh quảng cáo kỹ thuật số chậm lại. Công ty cũng đối mặt kiện tụng xoay quanh cáo buộc sử dụng trái phép dữ liệu người dùng để đào tạo các công cụ AI, điều có thể ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu.

Amazon

Giá trị thương hiệu: 308,9 tỷ USD

2023-11-27T140547Z-929911533-R-2597-3292-1706878163.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v6mLQDsCZhPvWQe3iAWkEw

Những kiện hàng của Amazon tại trung tâm chia chọn Robbinsville, New Jersey, Mỹ ngày 27/11/2023. Ảnh: Reuters

Amazon từng giữ ngôi vương Top 10 vào năm ngoái giờ tụt xuống vị trí thứ 4, với giá trị thương hiệu tăng 3%. Thị trường tiêu dùng đầy thách thức trong 12 tháng qua - ảnh hưởng bởi lãi suất cao, lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt - đã tác động đến triển vọng của Amazon.

Trong khi các nhà bán lẻ trực tuyến khác đang vật lộn với những thay đổi sắp xảy ra đối với quảng cáo trực tuyến, Amazon đang tận dụng việc chuyển đổi sang truyền hình trực tuyến bằng cách cung cấp các cơ hội quảng cáo tương tác. Ngoài ra, công ty còn đầu tư vào mạng lưới truyền thông bán lẻ để mở rộng hoạt động tiếp thị kỹ thuật số của mình.

Samsung

Giá trị thương hiệu: 99,3 tỷ USD

S24-Series-Now-Available-World-1347-5850-1706878164.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SyccxbHW1jyf6VJnVlF4Sw

Một gian hàng trải nghiệm mẫu điện thoại Samsung Galaxy S24 tại Mỹ vào tháng 1/2024. Ảnh: Samsung

Samsung có trụ sở chính tại Hàn Quốc (nếu không tính Trung Quốc), đây là thương hiệu có giá trị nhất ở Đông Á. Giá trị thương hiệu này sụt giảm nhẹ 0,3%, nhưng tăng một hạng trong Top 10.

Theo Brand Finance, điều này nhờ Samsung giữ được vị thế chỉ số sức mạnh thương hiệu rất cao, đạt 85 điểm. Chỉ số này là một trong các chỉ số tính giá trị thương hiệu, phản ánh các khía cạnh như mức độ quen thuộc, vị thế mạnh mẽ của Samsung trong lĩnh vực công nghệ và điện tử tiêu dùng.

Walmart

Giá trị thương hiệu: 96,8 tỷ USD

plasticless-paper-bag-mailer-p-2181-8139-1706878164.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u_y35gAhpn-Ksis2DfpwBg

Logo Walmart trên một chiếc túi giấy đựng hàng. Ảnh: Walmart

Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới có giá trị thương hiệu giảm 14,9% năm qua, khiến họ tuột một bậc trong Top 10. Mỗi tuần, có khoảng 240 triệu khách hàng ghé thăm khoảng 10.500 cửa hàng và nhiều trang web của Walmart ở 19 quốc gia.

Năm tài chính 2023, nhà bán lẻ này đạt doanh thu 611 tỷ USD. Tại thị trường quê nhà, Walmart đang lên kế hoạch xây dựng hoặc chuyển đổi hơn 150 cửa hàng trong 5 năm tới. Riêng 2024, nhà bán lẻ này dự định sửa sang lại 650 cửa hàng ở 47 bang và Puerto Rico, tạo ra hàng chục nghìn việc làm. Hiện họ có tổng cộng với 2,1 triệu nhân viên toàn cầu.

Tiktok/Douyin

Giá trị thương hiệu: 84,1 tỷ USD

TQ3HJRF55RPONINRX7UNUXGJGY-4813-1706878164.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uCPFHTWI342qhe9nTR8uDQ

Logo TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại được chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

TikTok/Douyin được đánh giá là một hiện tượng toàn cầu trong lĩnh vực truyền thông xã hội, nổi lên như thương hiệu giá trị nhất đến từ Trung Quốc. Giá trị thương hiệu này đã phát triển 28% năm qua, giúp họ tăng 3 hạng trong Top 10.

Mức tăng trưởng đáng kể này là minh chứng cho khả năng của nền tảng này trong việc gia tăng doanh thu khi tham gia vào mảng thương mại điện tử. Với lợi thế về nội dung (content), thương mại (commerce) và tính cộng đồng (community), TikTok Shop tạo ra hệ sinh thái nơi các thương hiệu và doanh nghiệp có thể kết nối với các nhà sáng tạo nội dung để tiếp thị và bán hàng.

Riêng tại Việt Nam nửa đầu 2023, thông qua bán hàng livestream và tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing), TikTok Shop ghi nhận cộng đồng nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung tăng trưởng lần lượt là 210% và 330% so với cùng kỳ 2022.

Facebook

Giá trị thương hiệu: 75,7 tỷ USD

000-9Q37ZJ-1808-1706878164.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ukfkeNTfAJFPVYDnzS_f1Q

Hình minh họa logo Facebook trên điện thoại thông minh trước màn hình máy tính ở Los Angeles, Mỹ hồi tháng 8. Ảnh: AFP.

Sau năm 2022 đáng quên, Meta Platforms - công ty mẹ Facebook - đã có năm 2023 kinh doanh thành công. Hôm 1/2, Meta thông báo lợi nhuận quý IV/2023 tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước, lên 14 tỷ USD.

Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận Meta tăng gần 70% lên 39 tỷ USD. "Cộng đồng của chúng ta đang lớn mạnh. Các ngành kinh doanh cũng đã quay về quỹ đạo cũ. Tôi muốn cảm ơn tất cả nhân viên, đối tác, cổ đông, cộng đồng đã gắn bó với Meta và tạo nên thành công cho năm 2023", CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết.

Không chỉ có màn lật ngược tình thế ấn tượng về kinh doanh, giá trị thương hiệu của Facebook - sản phẩm chủ lực của Meta - cũng tăng 28,2%, giúp họ nhảy vọt từ hạng 14 lên hạng 8.

Deutsche Telekom

Giá trị thương hiệu: 73,3 tỷ USD

screenshot-2024-02-02-at-18-29-5767-5221-1706878164.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BCCK0b1ZfBClFDrjHyxRbQ

Logo chữ T màu hồng đặc trưng của Deutsche Telekom. Ảnh: Brand Finance

Trong Top 10, Deutsche Telekom là đại diện duy nhất của châu Âu. Vào 2023, thương hiệu Đức này thuộc hạng 11. CEO Ulrich Klenke cho biết thành tích cho thấy chiến lược của công ty viễn thông đang đi đúng hướng.

"Những năm gần đây, chúng tôi không chỉ thực hiện chiến lược thương hiệu toàn cầu nhất quán mà còn không ngừng đầu tư vào chất lượng mạng lưới và các sáng kiến quan trọng hướng tới khách hàng. Có vẻ như bây giờ, tất cả đã mang về quả ngọt", ông nói.

Vào 2023, lần đầu tiên, 9 trong số 10 thị trường của công ty ở châu Âu đã đạt được vị trí số một về mức độ hài lòng của khách hàng. Ngoài ra, sự dẫn đầu của họ về hiệu suất mạng trên khắp châu Âu và Mỹ góp phần đáng kể vào việc củng cố nhận thức về thương hiệu.

ICBC

Giá trị thương hiệu: 71,8 tỷ USD

2020-09-05T092532Z-1929522718-5573-2451-1706878165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lTYx1pkpkwkWtiN9pm5NoQ

Gian hàng của ICBC tại một hội chợ ngành tài chính tại Bắc Kinh ngày 5/9/2020. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, là thương hiệu giá trị thứ hai của Trung Quốc là đại diện duy nhất của ngành tài chính trong Top 10.

Theo Brand Finance, mặc dù giá trị thương hiệu của ICBC chỉ tăng khiêm tốn 3,3% nhưng khẳng định được vị thế tài chính vững mạnh, cũng như mức độ quen thuộc ngày càng tăng của tên tuổi này trên toàn cầu.

Brand Finance tính toán giá trị thương hiệu dựa trên đánh giá sức mạnh thương hiệu và doanh thu mà thương hiệu mang lại cho công ty sở hữu nó. Top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2024 theo tính toán của đơn vị này có giá trị tổng cộng 5000 tỷ USD.

Mỹ chiếm hơn một nửa Top 100, với tổng giá trị 51 thương hiệu đạt 3.200 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với 19 đại diện, tổng giá trị gần 830 tỷ USD. Trong Top 5 tính lần lượt còn: Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phiên An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022