Để điều hòa nhiệt độ thấp
Đa phần mọi người cho rằng cần để điều hòa nhiệt độ thấp cho mát nhanh thì sẽ tiết kiệm điện hơn. Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, chúng ta thường có xu hướng hạ nhiệt độ xuống thấp khi dùng điều hòa để nhanh mát mà ít người biết rằng, nhiệt độ càng thấp càng tốn điện. Điều hòa sử dụng hết công suất khiến máy nhanh hỏng hơn.
Cùng với đó, điều hòa không vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên làm cửa hút gió bị bịt kín cũng tạo thành các trở kháng làm giảm hiệu suất, khả năng làm mát kém đi. Đây cũng là nguyên nhân gây tốn điện, thậm chí còn là cách tiết kiệm tai hại do dễ gây ra sốc nhiệt nguy hại tới sức khỏe.
Nhiều người còn có thói quen đang ở trong phòng, chạy ra ngoài 5 – 10 phút cũng tắt điều hòa xong vào lại bật. Khi điều hòa khởi động liên tục sẽ tiêu thụ rất nhiều năng lượng, làm tốn điện hơn vì làm máy nén, động cơ quạt phải khởi động lại nhiều lần và làm lạnh đến nhiệt độ cài đặt khi mà nhiệt độ phòng đã tăng lên.
Khi mới bật, tùy vào loại máy hãy dùng chế độ turbo hoặc power full… để mát nhanh, khi mát chuyển về chế độ thường. Nhiệt độ chênh lệc với ngoài trời không nên vượt quá 7- 10 độ C. Nếu nhỡ tắt điều hòa, bạn chỉ nên mở lại sau 3 phút. Và để tiết kiệm điện, mọi người nên để nhiệt độ 28 – 29 độ và bật thêm quạt.
Để nhiệt độ điều hòa quá thấp không tiết kiệm điện. Ảnh minh họa
Bật số càng to càng tiết kiệm điện
Ngay cả khi không nóng, nhiều người cũng luôn bật quạt số to để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nếu áp dụng kiến thức vật lý thì quạt bật số to tức là có công suất lớn, đồng nghĩa với tiêu thụ điện tăng cao hơn. Sử dụng thiết bị đo lường trong điều kiện thực tế với một chiếc quạt bàn tiêu chuẩn Việt Nam với 3 mức làm mát, bật số 1 nhỏ nhất sẽ tốn khoảng 30W, bật số 2 tốn 36W, và bật số 3 tốn 43W.
Thói quen cắm phích quạt mà không rút ra cũng là cách tiết kiệm sai. Ngay cả khi quạt không hoạt động nhưng dây cắm vẫn sẽ tiếp điện chờ cho quạt nếu không tháo khỏi phích cắm.
Ngắt tủ lạnh dù không dùng thời gian ngắn
Nhiều gia đình khi đi vắng 1 – 2 ngày thường ngắt điện tủ lạnh để tiết kiệm điện nhưng lại không thực hiện đúng theo hướng dẫn về cách sử dụng và bảo quản sản phẩm. Khi ngắt điện tủ lạnh sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thống kỹ thuật của tủ làm tủ dễ bị oxi hóa và nhanh hỏng. Cũng giống thiết bị điều hòa thì khi khởi động lại tủ sẽ tiêu tốn lượng điện năng làm lạnh lại từ đầu gây tốn điện.
Nếu đi 1 – 2 ngày chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ tủ ở mức 1 vừa tiết kiệm điện cho tủ lạnh mà vẫn bảo quản được thực phẩm có trong tủ. Trong trường hợp đi dài ngày, không có nhu cầu dùng tủ lạnh nữa cần bỏ hết thực phẩm ra, vệ sinh và làm sạch các ngăn cho khô thoáng rồi mới ngắt.
Luôn cắm các đồ điện gia dụng có chế độ hẹn giờ
Hiện nay phần lớn các đồ gia dụng như lò vi sóng, lò nướng hay nồi cơm điện... hay dùng máy tính luôn để ở chế độ chờ để đỡ mất công khởi động lại và nghĩ không tốn điện. Nhiều người luôn có thói quen cắm các đồ gia dụng ở chế độ hẹn giờ vì nghĩ rằng khi đã cài đặt sẽ tự động dừng ngắt hoàn toàn điện và không có nguy hiểm. Nhưng ngay cả khi hết thời gian cài đặt máy cũng không ngắt điện hoàn toàn, mức tiêu hao điện vẫn khá lớn khi phải duy trì chế độ.
Dùng mãi đồ điện tử thế hệ cũ
Dùng đồ điện thế hệ cũ sẽ tiết kiệm điện vì đã mất thời gian "hao mòn". Tuy nhiên, theo chuyên gia của điện lực Hà Nội, việc dùng mãi đồ điện tử thế hệ cũ mà không thay bằng thiết bị công nghệ mới là chưa khoa học. Theo nguyên lý các đồ điện thế hệ cũ như ti vi đèn hình ống tia điện tử, đèn hình plasma tiêu thụ điện nhiều hơn đèn hình LCD, LED khi cùng kích cỡ. Nếu gia đình có điều kiện nên thay thiết bị thế hệ mới sẽ tiết kiệm điện hơn.
Hà My